Các dự án cao tốc ở miền Tây: Quyết liệt để về đích đúng hạn

(PLO)- Từ sự chỉ đạo sát sao của Thủ tướng, Bộ GTVT, các địa phương, cùng các nhà thầu đã vào cuộc quyết liệt để đưa các dự án cao tốc về đích đúng hạn.

Xác định quan điểm “giao thông đi trước mở đường”, “giao thông phát triển đến đâu sẽ mở ra không gian phát triển mới đến đó”, thời gian qua, vấn đề phát triển hạ tầng giao thông cho vùng ĐBSCL đã và đang được Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm sâu sắc.

Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra thi công dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau. Ảnh: CHÂU ANH
Hiện nay, ở ĐBSCL đang triển khai năm dự án giao thông trọng điểm quốc gia. Ảnh: CHÂU ANH

Giao thông sẽ mở ra không gian phát triển kinh tế mới

Trong nhiệm kỳ này, đã rất nhiều lần Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu đoàn công tác của Chính phủ đến kiểm tra việc tổ chức thi công và tiến độ của các công trình trọng điểm quốc gia, đặc biệt là các dự án cao tốc ở miền Tây.

Hồi tháng 7-2024, kiểm tra thực tế tại các dự án thi công cao tốc trục ngang, trục dọc ở ĐBSCL, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ GTVT và các bộ, ngành liên quan, cùng các địa phương phấn đấu trong nhiệm kỳ này hoàn thành khoảng 600 km cao tốc tại ĐBSCL. Đồng thời phấn đầu trong nhiệm kỳ sau tiếp tục hoàn thành khoảng 600 km, để vùng ĐBSCL có khoảng 1.200 km cao tốc theo quy hoạch, cơ bản giải quyết vấn đề giao thông cho vùng.

Trước đây, năm 2010, người dân vùng ĐBSCL vô cùng phấn khởi khi cao tốc TP.HCM - Trung Lương, cao tốc đầu tiên của Việt Nam dài hơn 40 km, nối từ TP.HCM đến tỉnh Tiền Giang chính thức đưa vào khai thác. Dự án đưa vào sử dụng đã góp phần giảm áp lực cho Quốc lộ 1, tránh ùn tắc giao thông mỗi dịp lễ, Tết, tạo thuận tiện cho người dân lưu thông. Bên cạnh đó, tháo gỡ điểm nghẽn về hạ tầng giao thông ở ĐBSCL đã tồn tại nhiều năm qua.

12 năm sau, tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận dài 51 km tiếp tục được đưa vào sử dụng. Và mới đây, cuối năm 2023, tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ dài 23 km đưa vào khai thác, nâng tổng số chiều dài đường cao tốc của ĐBSCL lên gần 120 km. Từ đây, thời gian lưu thông, vận chuyển hàng hóa của người dân các tỉnh ĐBSCL đến TP.HCM, trung tâm kinh tế lớn của cả nước, gần hơn, thuận tiện hơn trước.

Theo ông Nghiêm Xuân Thành, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang, tận dụng lợi thế các nút giao với đường cao tốc, từ nay đến năm 2030, tỉnh Hậu Giang sẽ kêu gọi đầu tư ba khu công nghiệp kết nối và một khu du lịch.

Có thể thấy từ sự quan tâm của Trung ương, vùng ĐBSCL ngày càng được đầu tư về hạ tầng giao thông, để từ đó tận dụng lợi thế có được cùng với các cao tốc, các tỉnh, TP xây dựng quy hoạch, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương mình.

Là tỉnh có hai cao tốc trục ngang và trục dọc “gặp nhau” trên địa bàn, với tổng số hơn 100 km đường cao tốc và bảy nút giao liên thông, lãnh đạo tỉnh Hậu Giang xác định: “Đây là yếu tố mà không phải địa phương nào cũng có”. Trong bản Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Hậu Giang đã xác định năm đột phá chiến lược là “một tâm - hai tuyến - ba thành - bốn trụ - năm trọng tâm”.

Trong đó, “hai tuyến” chính là hai tuyến hành lang kinh tế động lực là cao tốc Cần Thơ - Cà Mau kết nối với TP.HCM và cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, kết nối với các tỉnh nam sông Hậu. Từ đó hình thành hành lang kinh tế trọng điểm của tỉnh.

Dự kiến sáng nay (16-10), tại TP Cần Thơ, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ chủ trì Hội nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy hạ tầng giao thông ĐBSCL. Tham dự có lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND các tỉnh, TP vùng ĐBSCL.

Theo ông Nghiêm Xuân Thành, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang, tận dụng lợi thế các nút giao với đường cao tốc, từ nay đến năm 2030, tỉnh Hậu Giang sẽ kêu gọi đầu tư ba khu công nghiệp kết nối và một khu du lịch. Ngoài ra, để góp phần cho việc phát triển kênh Xà No và kết nối hiệu quả hơn với TP Cần Thơ, tỉnh Hậu Giang đã kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ cho chủ trương để bổ sung thêm một nút giao tiếp giáp TP Cần Thơ và phía bắc kênh Xà No tại khu vực đường tỉnh 929.

“Tỉnh Hậu Giang đã có quy hoạch và khi hai dự án cao tốc đưa vào hoạt động sẽ mở ra không gian phát triển kinh tế mới rất lớn cho tỉnh” - Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang khẳng định.

Nỗ lực hoàn thành đúng tiến độ các dự án trọng điểm

Thống kê từ Bộ GTVT cho thấy hiện nay ở ĐBSCL đang triển khai năm dự án giao thông trọng điểm quốc gia.

Trong đó có bốn dự án đang tổ chức triển khai thi công. Đó là dự án cao tốc Bắc - Nam phía đông đoạn Cần Thơ - Cà Mau, dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu và dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận. Còn dự án cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh sử dụng vốn ODA Hàn Quốc, hiện Bộ GTVT đang hoàn thiện thủ tục và dự kiến khởi công vào đầu năm 2025.

Tính đến tháng 10-2024, công tác giải phóng mặt bằng tại các dự án đang triển khai, đạt hơn 99%, cơ bản đáp ứng tiến độ thi công. Riêng dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận tiến độ giải phóng mặt bằng hiện còn chậm. Cụ thể, đoạn qua tỉnh Bạc Liêu đạt 82%, còn đoạn qua tỉnh Kiên Giang chỉ đạt 56%.

Về tiến độ thi công, dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau đoạn Cần Thơ - Hậu Giang đạt 48,5%/59,4%, đoạn Hậu Giang - Cà Mau đạt 42%/53,2%. Đối với dự án Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, chỉ có dự án thành phần 1 đoạn qua TP Cần Thơ đạt 31/30,5%, còn lại ba dự án thành phần trên địa bàn các tỉnh An Giang, Hậu Giang và Sóc Trăng hiện chậm tiến độ 4%-15%. Nguyên nhân chủ yếu do công suất khai thác, cung ứng nguồn vật liệu cát đắp cho các dự án chưa đáp ứng yêu cầu.

Đối với dự án Cao Lãnh - An Hữu, dự án thành phần 1 đạt 39%/49%, dự án thành phần 2 mới bắt đầu thi công đào hữu cơ, đường công vụ. Còn dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận hiện chỉ đạt 7,1%/11,8%.

Các công nhân đang tích cực thi công trên công trường dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau.
Ảnh: CHÂU ANH

Các địa phương phải sẵn sàng nguồn lực đối ứng

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Đào Chí Nghĩa, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách TP Cần Thơ, cho hay trong nhiệm kỳ này, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm, tập trung đầu tư hạ tầng giao thông, đặc biệt là các tuyến cao tốc trục dọc và trục ngang trong khu vực ĐBSCL.

Theo kế hoạch của Thủ tướng phải triển khai trong nhiệm kỳ này là 1.200 km cao tốc, trong đó có 600 km trục dọc và 600 km trục ngang. Việc xác lập chủ trương này rất đúng vì nó sẽ tháo điểm nghẽn về giao thông của ĐBSCL và kết nối giao thương. Với 21 triệu dân của ĐBSCL và thế mạnh về nông sản thì giao thông thông thương giúp giảm bớt thời gian, chi phí vận chuyển, từ đó giảm giá thành. Đây luôn là bài toán vướng mắc trước giờ của vùng ĐBSCL.

Đó mới chỉ là giao thông bộ, Thủ tướng còn tập trung chuẩn bị cho các loại hình giao thông về đường hàng không, đường thủy nội địa, bến bãi cảng biển… Từ việc tạo ra những cú hích như vậy thì chắc chắn trong nhiệm kỳ này và nhiệm kỳ tới ĐBSCL sẽ phát triển rất mạnh mẽ.

Hiện nay, Cần Thơ có lợi thế là các cao tốc trục dọc và trục ngang đều đi ngang qua địa bàn. Việc xác lập Cần Thơ là hạt nhân để phát triển công nghiệp chế biến nông sản sẽ cực kỳ quan trọng cho cả vùng. Việc xác lập này cũng sẽ giúp cho việc xuất khẩu hàng nông sản của vùng, sau khi xây dựng thương hiệu và chế biến chặt chẽ thì chúng ta sẽ xuất khẩu hàng nông sản trực tiếp đi bằng đường tàu biển ra các cảng quốc tế. Đây là những định hướng lớn của Chính phủ mà cử tri, cũng như lãnh đạo 13 tỉnh, thành rất đồng tình.

Với những lợi thế đó và vốn đầu tư công cũng đã được rót về thì Cần Thơ cần phải sẵn sàng cho một đội ngũ năng động để hấp thụ được các nguồn lực của Trung ương. Đồng thời, cũng phải thông tin rõ cho cử tri vì khi các dự án triển khai nhiều thì sẽ có ảnh hưởng đến nhân dân. Do đó, công tác vận động, giải thích để tạo sự đồng thuận của người dân bị ảnh hưởng các dự án trên địa bàn, để làm sao bảo đảm được tiến độ chung, không chỉ của Cần Thơ mà là các địa phương. Việc này nằm ở hai mặt, một là hệ thống cán bộ công chức của Cần Thơ và hai là sự đồng hành và đồng thuận của người dân.

Hiện Thủ tướng đã có chỉ đạo các địa phương phải hình dung không chỉ Trung ương đổ nguồn lực về mà các địa phương cũng phải sẵn sàng nguồn lực đối ứng. Ví dụ như triển khai cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng thì mỗi địa phương phải bỏ ra 1.000 tỉ đồng để làm, ngoài vốn của Trung ương. NHẪN NAM

Ngoài khó khăn về giải phóng mặt bằng, các dự án cao tốc đang triển khai ở ĐBSCL hiện cũng gặp khó về nguồn vật liệu. Cụ thể, đối với cát đắp nền, dù thời gian qua Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, cùng với đó, các địa phương đã nỗ lực triển khai thủ tục cấp mỏ cát cho các dự án. Tuy nhiên, hiện nay do công suất khai thác còn hạn chế nên chưa đáp ứng yêu cầu.

Về nguồn vật liệu cấp phối đá dăm, tổng nhu cầu của các dự án hơn 7,6 triệu m3 nhưng hiện nay khu vực nguồn đá có trữ lượng lớn cũng như có điều kiện vận chuyển thuận lợi nhất là nguồn đá tại mỏ Antraco (thuộc tỉnh An Giang) đã hết hạn khai thác từ tháng 6-2024. UBND tỉnh An Giang đang thực hiện thủ tục đóng cửa mỏ và dự kiến tổ chức đấu giá quyền khai thác và thực hiện các thủ tục theo quy định của Luật Khoáng sản. Việc này sẽ mất nhiều thời gian và không thể sử dụng nguồn vật liệu đá từ mỏ này cho dự án cao tốc thành phần đoạn Cần Thơ - Hậu Giang.

Để đáp ứng tiến độ hoàn thành vào năm 2025 theo chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Bộ GTVT cũng đã có văn bản đề nghị các địa phương có nguồn vật liệu đá như Kiên Giang, An Giang, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu ưu tiên, hỗ trợ cung ứng cho dự án. Đến nay, các nhà thầu đã ký hợp đồng và đang đưa về công trường.

Đồng thời, Bộ GTVT cũng đã yêu cầu các chủ đầu tư, các nhà thầu chủ động trong việc tìm kiếm nguồn vật liệu cát để bù lại phần công suất đang thiếu hụt, đáp ứng tiến độ triển khai các dự án. Phối hợp chặt chẽ với các địa phương có mỏ vật liệu để hoàn thiện các thủ tục cấp mỏ đảm bảo nguồn vật liệu cát, đá; không để ảnh hưởng đến tiến độ thi công.

Bên cạnh đó, Bộ GTVT cũng đề nghị hai tỉnh Tiền Giang, Bến Tre chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan, tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, khẩn trương hoàn thiện thủ tục cấp phép mỏ trong tháng 10-2024 để cung ứng vật liệu cho các dự án. Trong đó, ưu tiên cho các dự án có kế hoạch hoàn thành năm 2025 như dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau và đường vành đai 3 TP.HCM...•

Ông NGUYỄN VĂN HÒA, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang:

Các dự án cao tốc đi qua địa bàn tỉnh thời gian qua đã được Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo rất kịp thời. Qua đó, các bộ, ngành Trung ương và các địa phương đã vào cuộc nhanh chóng, khó khăn về nguồn vật liệu và các biện pháp thi công kịp thời được tháo gỡ.

Ông TRẦN VĂN THI, Giám đốc Ban quản lý dự án Mỹ Thuận:

Sau khi Thủ tướng Chính phủ phát động phong trào thi đua 500 ngày đêm cao điểm hoàn thành thắng lợi các dự án đường bộ cao tốc, ban đã tích cực chỉ đạo các nhà thầu thi công phối hợp với các địa phương tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật, cung ứng vật liệu xây dựng. Các nhà thầu thi công cũng ký cam kết thi đua hoàn thành công tác gia tải nền đường và các cầu trên tuyến chính trong năm 2024.

Ông LÊ TUẤN ANH, Chỉ huy trưởng Tổng Công ty Xây dựng số 1 (thi công một gói thầu thuộc dự án thành phần Cần Thơ - Hậu Giang):

Với sự quan tâm thúc đẩy của Thủ tướng Chính phủ và sự quyết liệt chỉ đạo của Bộ GTVT, tiến độ thi công dự án đã cải thiện rất nhiều. Chúng tôi cam kết sẽ hoàn thành đúng tiến độ đề ra.

CHÂU ANH ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới