Thủ tướng Phạm Minh Chính: Nỗ lực hoàn thành 600 km đường cao tốc ở ĐBSCL vào 2025

(PLO)- Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương các địa phương, bộ ngành và các doanh nghiệp đã tích cực làm thay đổi bộ mặt giao thông của vùng ĐBSCL và chỉ đạo nhiều công việc sắp tới đối với các công trình trọng điểm.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 16-10, tại TP Cần Thơ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng hai Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Hồ Đức Phớc đã chủ trì Hội nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông khu vực ĐBSCL.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông khu vực ĐBSCL.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông khu vực ĐBSCL. Ảnh: CTV

Còn vướng mắc về nguồn cung ứng vật liệu

Về tình hình cung ứng vật liệu, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm cho biết, các địa phương đã tích cực rà soát, xác định được nguồn cát sông 72,3 triệu m3/ nhu cầu 65 triệu m3. Vật liệu cấp phối đá dăm có tổng nhu cầu của các dự án khoảng 8,03 triệu m3.

Về khai thác cát biển, tại dự án thành phần cao tốc Hậu Giang – Cà Mau, các nhà thầu đã huy động tổng số 18 tàu hút và hơn 200 xà lan để khai thác, vận chuyển cát biển từ mỏ thuộc tỉnh Sóc Trăng, đến nay, đã đưa về công trường được 0,425/tổng nhu cầu 2,0 triệu m3.

Tại dự án đường Hồ Chí Minh, các nhà thầu đã hoàn thành công tác khảo sát mỏ trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, trữ lượng khoảng 1,0 triệu m3, đang hoàn tất thủ tục cấp mỏ.

Tại dự án thành phần 4 cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng, các nhà thầu đã hoàn thành thủ tục cấp 1,2 triệu m3, đang hoàn thiện thủ tục giao khu vực biển.

thu-truong-nguyen-duy-lam.JPG
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm phát biểu tại hội nghị. Ảnh: CTV

Theo Bộ GTVT, mặc dù đã hoàn thành thủ tục cấp phép để khai thác nguồn cát sông với tổng trữ lượng 34,1 triệu m3, tuy nhiên công suất khai thác của các mỏ hạn chế, chưa đáp ứng tiến độ thi công. Một số mỏ phải dừng nên không đảm bảo khối lượng hoặc chưa hoàn thiện thủ tục cấp phép, hoặc hết công suất…

Việc triển khai thủ tục cấp mỏ chưa đáp ứng được tiến độ thi công. Nhiều mỏ tại tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Sóc Trăng khi khảo sát, đánh giá chất lượng, trữ lượng không đáp ứng yêu cầu, phải tìm kiếm các mỏ khác thay thế ảnh hưởng đến tiến độ cấp mỏ…

Tại cuộc họp, các địa phương đã báo cáo tình hình thực hiện dự án đi qua địa bàn và kiến nghị tháo gỡ khó khăn về nhu cầu cát cho các dự án trọng điểm nói chung và các dự án của địa phương nói riêng. Một số đơn vị thi công cũng đề nghị tiếp tục đảm bảo nguồn cung về vật liệu cát và đá, đề nghị có cơ chế đặc thù tháo gỡ cho mỏ đá ở An Giang. Đại diện các bộ liên quan cũng đã có những giải đáp cho các địa phương…

Chính phủ rất quan tâm phát triển hạ tầng giao thông chiến lược ở ĐBSCL

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, tinh thần Hội nghị Trung ương 10 vừa qua là tăng tốc và bứt phá; tập trung cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; phân cấp, phân quyền tối đa cho các bộ ngành và địa phương; tinh thần là địa phương làm địa phương quyết, địa phương chịu trách nhiệm, tất nhiên là địa phương thụ hưởng; tinh thần nữa là chỉ có bàn làm không bàn lùi.

Đồng thời, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nhắc đến bài phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm về chống lãng phí, tiêu cực. Theo đó, Thủ tướng cho rằng, các công trình, dự án mà cứ để kéo dài, đội vốn và lãng phí là tất yếu. Vì vậy Thủ tướng đã tích cực đôn đốc các dự án, đặc biệt là các dự án trọng điểm quốc gia về giao thông vận tải.

thu-tuong-pham-minh-chinh.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: CTV

Theo đó, Ban chỉ đạo đã họp 14 lần và ban hành 14 kết luận; Thủ tướng và các Phó Thủ tướng đã ban hành 400 văn bản chỉ đạo các công trình giao thông trọng điểm quốc gia. Với riêng ĐBSCL đây là cuộc họp lần thứ 6. Qua đó để thấy Chính phủ và Thủ tướng và các Phó Thủ tướng Chính phủ rất quyết liệt, rất quan tâm đến sự phát triển hạ tầng giao thông chiến lược ở ĐBSCL.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nhắc lại về mục tiêu phải hoàn thành, là đến năm 2025 phải hoàn thành 3.000 km đường cao tốc, riêng ĐBSCL là mấy trăm km. Vì vậy, Thủ tướng mong các bí thư, chủ tịch, các cơ quan ban ngành ở địa phương vào cuộc tích cực với tinh thần tự lực tự cường.

Theo người đứng đầu Chính phủ, nhìn lại kết quả sau 3 năm và sau cuộc họp trước đến nay, từ khi nghiên cứu dự án cao tốc vùng ĐBSCL, tổ chức nhiều cuộc họp, ban hành nhiều văn bản… chúng ta đã biến cái không thể thành có thể, từ chỉ có ý tưởng đến nay nhiều đoạn tuyến đã hoàn thành, nhiều cây cầu đã hoàn thành, mang lại triển vọng phát triển cho ĐBSCL.

Theo quy hoạch, ĐBSCL có 6 tuyến cao tốc với tổng chiều dài khoảng 1.200 km. Trước nhiệm kỳ này mới có mấy chục km, không có dự án nào chuẩn bị đầu tư, đến nay đã có các công trình hiện hữu. Với sự quyết liệt của Trung ương và sự quyết tâm của các địa phương, đến nay mạng lưới hạ tầng giao thông kết nối vùng ĐBSCL đã có những chuyển biến tích cực, rõ nét.

Theo đó, Thủ tướng đã nêu 6 việc làm được trong thời gian qua, đáng chú ý là đến nay toàn vùng đã có 120 km đường bộ cao tốc được đưa vào khai thác; 428 km đường bộ cao tốc đang triển khai thi công và phấn đấu năm 2025 phải xong;

Có 215 km đang nghiên cứu chuẩn bị đầu tư gồm Đức Hòa – Mỹ An, Mỹ An - Cao Lãnh, Hà Tiên – Rạch Giá, cầu Cần Thơ… Đến năm 2025, toàn vùng sẽ có khoảng 550 km cao tốc khai thác, đến 2030 có 1.200 km

Các địa phương, nhà thầu, đơn vị thi công đã trưởng thành lớn mạnh hơn, đã làm chủ và triển khai được các dự án quy mô lớn. Bố trí được phần lớn nguồn vật liệu san lấp cho các dự án khu vực phía Nam, với khoảng 37/65 triệu m3 vật liệu. Công tác giải phóng mặt bằng cơ bản đạt tiến độ, trên 90% mặt bằng được giao, nhiều dự án đạt 100%...

Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương các địa phương, bộ ngành và các doanh nghiệp đã tích cực làm thay đổi bộ mặt giao thông của vùng ĐBSCL, đồng thời cũng chỉ ra một mặt còn hạn chế và chỉ đạo một số công việc trong thời gian tới

Theo đó, người đứng đầu Chính phủ đề nghị tập trung tăng tốc hơn, bứt phá hơn, mạnh mẽ trong tổ chức thực hiện, cách làm khoa học hơn, chủ động hơn.

Thủ tướng nêu ra ba định hướng là giao thông phải thông suốt, đi trước mở đường. Cạnh đó, chỉ có bàn làm không bàn lùi, đảm bảo tiến độ, tránh lãng phí tiêu cực. Đồng thời đã quyết thì chỉ có làm, không bàn xong để đấy, bàn rồi lần khác lại bàn tiếp, đã làm phải có sản phẩm cụ thể, cân, đong, đo, đếm được, nhân dân được hưởng thụ thật…

Khối lượng công việc còn nhiều, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ ngành, địa phương chủ động thực hiện, nỗ lực phấn đấu đến năm 2025 phải hoàn thành 600 km đường cao tốc ở ĐBSCL. Các bộ, ngành, địa phương phải có giải pháp bù lại tiến độ đã chậm; phối hợp đảm bảo nguồn vật liệu cát, đá, sỏi, đất; Quan tâm công tác chăm lo đời sống cho người dân tái định cư đến nơi ở mới có bằng hoặc hơn nơi ở cũ…

Hậu Giang bàn giao 100% mặt bằng, đã giải ngân hơn 69% vốn cho dự án

Theo báo cáo của tỉnh Hậu Giang, hai Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn qua địa bàn tỉnh Hậu Giang và Dự án thành phần 3 thuộc Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1, đến nay đều đã bàn giao mặt bằng 100%.

dong-van-thanh-chu-tich-hau-giang.jpg
Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Đồng Văn Thanh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: CTV

Cũng theo báo cáo, về phần đường, tỉnh đã triển khai được 30/37 km đường công vụ; đắp cát tuyến chính được 7/32 km; xử lý bấc thấm được 5/30 km.

Về phần cầu, đã triển khai 21/24 cầu, trong đó đã lắp dầm được 3 cầu.

Các nhà thầu đang tập trung triển khai trên 40 mũi thi công với hơn 100 tổ đội sản xuất, hiện nay đang tập trung thi công các cầu. Khối lượng thực hiện đến thời điểm này đạt khoảng 1.300/5.421 tỉ đồng, đạt 24% giá trị hợp đồng. Phấn đấu cuối năm 2024 hoàn thành 21/24 cầu, (đạt 90% các cầu trên toàn tuyến).

Giá trị giải ngân từ đầu dự án đến nay là 2.711/3.912,5 tỉ đồng số vốn được bố trí đến hết năm 2024, đạt 69,2% nguồn vốn bố trí cho dự án. Đối với nguồn vốn được được bố trí năm 2024 là 2.668 tỉ đồng, đến nay giải ngân được 1.466 tỉ, đạt 56% kế hoạch.

Tỉnh đã làm việc với từng nhà thầu và nhà thầu có kế hoạch cam kết thực hiện và giải ngân nguồn vốn năm 2024 đạt tối thiếu 95% kế hoạch. Tỉnh sẽ thường xuyên kiểm tra tiến độ, đôn đốc nhà thầu thực hiện theo đúng cam kết.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm