Ngày 6-5, tại thành phố biển Sầm Sơn đã tổ chức Hội nghị kết nối Thanh Hóa - Nhật Bản năm 2023 với chủ đề "Thanh Hóa - Nhật Bản: Đẩy mạnh hợp tác, phát triển nhanh và bền vững”. Qua đó cho thấy mối quan hệ hợp tác ngày càng phát triển giữa tỉnh Thanh Hóa và các đối tác Nhật Bản.
Đây cũng là cơ hội để các cơ quan, tổ chức, DN hai bên tìm hiểu, nghiên cứu, liên kết hợp tác trong thời gian tới, hướng tới mục tiêu đẩy mạnh hợp tác, phát triển nhanh và bền vững.
Hiện nay, Nhật Bản là quốc gia có số vốn đầu tư cao nhất trong nguồn vốn đầu tư FDI trên địa bàn Thanh Hóa. Có 17 dự án do nhà đầu tư Nhật Bản trực tiếp đầu tư hoặc liên danh với các nhà đầu tư nước ngoài, chiếm tới 86% số vốn đầu tư FDI trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Trong đó, số vốn trực tiếp từ Nhật Bản khoảng 6,6 tỉ USD, chiếm 45,7% tổng vốn đầu tư FDI.
Toàn cảnh hội nghị Hội nghị kết nối Thanh Hóa - Nhật Bản năm 2023. |
Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản
Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hoá ông Đỗ Trọng Hưng nhấn mạnh tại hội nghị, quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam - Nhật Bản không ngừng được củng cố, phát triển trên nhiều lĩnh vực và ngày càng được tăng cường, củng cố, đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả, gắn bó, tin cậy.
Tại hội nghị, ông Đỗ Trọng Hưng thông tin về thành quả phát triển của tỉnh Thanh Hóa trong thời gian qua như tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) năm 2022 trên địa bàn đạt 12,51%, đứng thứ 7 cả nước; thu ngân sách Nhà nước hơn 51.000 tỉ đồng; huy động vốn đầu tư phát triển gần 140.000 tỉ đồng…
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có hơn 2.300 dự án đầu tư trực tiếp với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 650.000 tỉ đồng; trong đó, có 145 dự án đầu tư trực tiếp FDI, với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 14,6 tỉ USD, là tỉnh đứng thứ 8 của cả nước về thu hút vốn FDI.
Ông Đỗ Trọng Hưng, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Thanh Hóa. |
Ông Hưng khẳng định hiệu quả trong hợp tác về kinh tế giữa các đối tác Nhật Bản và Thanh Hóa trong hiện tại chính là điều kiện quan trọng để hai bên mở rộng và nâng tầm mối quan hệ hợp tác trong tương lai.
Cùng nhau phối hợp chặt chẽ, thúc đẩy làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản, vì lợi ích của người dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Thanh Hóa mong muốn tăng cường hợp tác toàn diện với các đối tác Nhật Bản về xây dựng thành phố thông minh, chính quyền điện tử, giáo dục, y tế, phát triển nguồn nhân lực, thị trường lao động.
Đặc biệt là đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tại Nhật Bản; kết nối, hỗ trợ các nhà đầu tư, DN và các đối tác Nhật Bản đến khảo sát, triển khai các hoạt động hợp tác đầu tư vào tỉnh Thanh Hóa.
Các đại biểu Việt Nam - Nhật Bản tham dự hội nghị. |
Thanh Hoá có rất nhiều tiềm năng hợp tác về mặt kinh tế
Phát biểu tại hội nghị, ông Hayashi Motoo - Tổng thư ký Liên minh nghị sĩ hữu nghị Nhật Bản - Việt Nam bày tỏ vui mừng khi tham dự Hội nghị kết nối Việt Nam - Nhật Bản 2023 được tổ chức tại Thanh Hóa.
Hiện nay mối quan hệ Việt Nam-Nhật Bản đang là mối quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình, phồn vinh của châu Á và phát triển toàn diện trên tất cả các lĩnh vực như kinh tế, chính trị, văn hóa, an ninh quốc phòng…
Đặc biệt, sự hợp tác trong lĩnh vực kinh tế đạt được những thành quả đáng kể như số lượng các DN tham gia vào Hiệp hội DN Nhật Bản lên tới con số 2.000, chiếm tỉ lệ cao nhất châu Á và tăng gấp 3 lần so với 15 năm gần đây.
Ông Hayashi Motoo, Tổng thư ký Liên minh nghị sĩ hữu nghị Nhật Bản - Việt Nam phát biểu tại hội nghị. |
Ngoài ra, số lượng người Việt Nam hiện đang cư trú và sinh sống tại Nhật Bản lên đến 490.000 người, đứng thứ 2 trong tổng số người nước ngoài hiện đang sinh sống tại Nhật Bản.
Ông Hayashi Motoo cũng bày tỏ ấn tượng đặc biệt với tỉnh Thanh Hóa, nhất là Khu kinh tế Nghi Sơn được trang bị hệ thống cảng biển hiện đại và kết nối hạ tầng thuận tiện, có nguồn tài nguyên du lịch hết sức phong phú. Thanh Hóa là tỉnh có rất nhiều tiềm năng hợp tác về mặt kinh tế du lịch với Nhật Bản.
Nhật Bản cũng rất mong muốn được xúc tiến và thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ hợp tác với Việt Nam. Hội nghị lần này là trao đổi về triển vọng, cơ chế chính sách của hai nước sẽ là cơ hội đánh dấu bước phát triển mới cho mối quan hệ hợp tác Nhật Bản - Việt Nam, góp phần cho sự tăng cường mối quan hệ giữa Nhật Bản và tỉnh Thanh Hóa.
Mang lại lợi ích win win cho hai bên
Kết luận tại hội nghị, ông Đỗ Minh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa nhấn mạnh: "Trải qua 50 năm lịch sử, quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai quốc gia Việt Nam - Nhật Bản ngày càng trở nên gắn bó, sâu sắc, đi vào chiều sâu, thực chất.
Quan hệ giữa các địa phương của Việt Nam, trong đó có tỉnh Thanh Hóa với các địa phương của Nhật Bản vẫn còn dư địa rất lớn để tiếp tục tăng cường, gắn kết hiệu quả hơn.
Vì thế, hội nghị này là cơ hội quý để tỉnh Thanh Hóa trực tiếp giới thiệu, đề xuất với các Bộ, ngành Trung ương, các cơ quan, tổ chức, DN, địa phương của Nhật Bản về tiềm năng, lợi thế và nhu cầu hợp tác của tỉnh Thanh Hóa với các đối tác Nhật Bản.
Ông Đỗ Minh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa phát biểu tại hội nghị. |
Thanh Hóa là một trong những địa phương lớn cả về diện tích và dân số của Việt Nam, có vị trí địa lý chiến lược, kết nối khu vực Bắc bộ và Trung bộ của đất nước.
Đến năm 2030, Thanh Hóa quyết tâm trở thành cực tăng trưởng mới cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh trở thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Việt Nam.
Thời gian tới, hi vọng đại diện lãnh đạo các địa phương của Nhật Bản tiếp tục dành sự quan tâm, ủng hộ, giúp đỡ tỉnh Thanh Hóa mở rộng quan hệ hợp tác với các địa phương của Nhật Bản, giới thiệu các nhà đầu tư, DN của Nhật Bản đến nghiên cứu, khảo sát, tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư tại Thanh Hóa nói riêng và cả nước nói chung.
Các đại biểu, nhà đầu tư đến từ Nhật Bản tại hội nghị. |
Thanh Hóa cam kết sẽ luôn sát cánh, đồng hành và tạo điều kiện cao nhất cho các nhà đầu tư, DN, khách du lịch Nhật Bản đến nghiên cứu, tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư và trải nghiệm dịch vụ trên địa bàn.
Thanh Hóa sẵn sàng lắng nghe mọi đề xuất, kiến nghị, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để các hoạt động hợp tác giữa tỉnh Thanh Hóa và các đối tác Nhật Bản mang lại lợi ích “cùng thắng” cho cả hai bên”.