Theo kế hoạch của Bộ GD&ĐT, thí sinh trên cả nước chỉ có một đợt duy nhất kéo dài 13 ngày để đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào đại học (ĐH) và xét tuyển cao đẳng ngành giáo dục mầm non.
Trong thời gian bắt đầu từ 18-7 đến 17 giờ 30-7, thí sinh sử dụng tài khoản và mật khẩu đã được cấp đăng nhập vào hệ thống trực tuyến của Bộ (http://thisinh.thitotnghiepthpt.edu.vn) để thực hiện đăng ký xét tuyển. Thí sinh không bị giới hạn số lần và số lượng nguyện vọng.
Việc đăng ký này áp dụng cho những thí sinh muốn xét tuyển vào ĐH; xét tuyển cao đẳng ngành Giáo dục mầm non bằng điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2024 hoặc đã trúng tuyển sớm bằng các phương thức xét tuyển sớm ở các cơ sở đào tạo (như xét học bạ, ưu tiên xét tuyển, chứng chỉ quốc tế, xét điểm thi đánh giá năng lực…).
Tuy nhiên, thực tế qua các năm, vẫn có nhiều thí sinh chủ quan với kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT hoặc đã trúng tuyển sớm ở các phương thức xét tuyển trước đó. Hệ quả dẫn đến không ít trường hợp thí sinh có điểm thi tốt nghiệp rất cao nhưng vẫn rớt ĐH ở tất cả các nguyện vọng. Và cũng có nhiều em bỏ qua việc đăng ký xét tuyển chính thức trên hệ thống của Bộ GD&ĐT nên đã bị loại.
Do đó, để thí sinh không mắc sai lầm cũng như tăng cơ hội trúng tuyển ĐH ở ngành học, trường học như ý muốn, các trường ĐH đã có những lưu ý, hướng dẫn việc đăng ký xét tuyển này.
Như theo Thạc sĩ Ngô Trí Dũng, Giám đốc Trung Tâm Tuyển Sinh - Truyền Thông của Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, từ ngày 18-7 đến hết 17 giờ ngày 30-7, thí sinh được đăng ký, điều chỉnh, bổ sung nguyện vọng xét tuyển không giới hạn số lần. Mỗi thí sinh chỉ trúng tuyển một nguyện vọng cao nhất trong số các nguyện vọng đã đăng ký, vì vậy các thí sinh nên chọn khả năng trúng tuyển cao nhất làm nguyện vọng 1.
“Khi sắp xếp nguyện vọng, các thí sinh cần xác định mong muốn được học ngành và trường nào nhất thì xếp ưu tiên là nguyện vọng 1, làm theo thứ tự như vậy cho đến hết các nguyện vọng. Đối với các thí sinh đã trúng tuyển sớm vào trường, nếu xác định nhập học, các em chỉ cần đặt nguyện vọng đã trúng tuyển đó ở vị trí nguyện vọng 1 thì cơ hội trúng tuyển ĐH chắc chắn trong tầm tay” - Thạc sĩ Ngô Trí Dũng lưu ý.
Về vấn đề này, Trường ĐH Kinh tế – Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM) có hướng dẫn khá chi tiết để thí sinh đăng ký xét tuyển sao cho chọn đâu trúng đó.
Cụ thể, theo trường, thí sinh đã đủ điều kiện trúng tuyển sớm vào ngành, trường mà mình mong muốn chỉ cần đăng ký nguyện vọng 1 của ngành, trường đó trên hệ thống thì chắc chắn sẽ trúng tuyển.
Nếu vẫn muốn tiếp tục đăng ký xét tuyển bằng điểm thi THPT, thí sinh cần tìm hiểu kỹ thông tin tuyển sinh của các trường ở phương thức này (chỉ tiêu, điểm sàn… của những năm trước) và đồng thời tham khảo điểm chuẩn các năm trước để có sự lựa chọn phù hợp.
Cạnh đó, khi đăng ký, thí sinh phải sắp xếp thứ tự nguyện vọng đã trúng tuyển sớm theo ưu tiên từ cao xuống thấp để đảm bảo được trúng tuyển theo lựa chọn ngành yêu thích.
Phía trường cũng khuyên thí sinh nên đăng ký thành ba nhóm nguyện vọng như sau (chưa tính các nguyện vọng đã đủ điều kiện trúng tuyển ở các phương thức khác không sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT).
Trong đó, nhóm nguyện vọng đầu là các ngành yêu thích cao hơn điểm hiện tại 0,5-1,5 điểm (2-4 nguyện vọng)
Nhóm nguyện vọng tiếp theo là các ngành yêu thích ngang điểm hiện tại +/-0,5 điểm (2-5 nguyện vọng)
Nhóm nguyện vọng cuối cùng là nhóm liên quan đến các ngành yêu thích thấp hơn điểm hiện tại 0,5-1,5 điểm (2-3 nguyện vọng).
Kết quả trúng tuyển chính thức công bố trước 17 giờ ngày 19-8
Theo kế hoạch của Bộ GD&ĐT, đến 17 giờ ngày 30-7 sẽ kết thúc đăng ký nguyện vọng xét tuyển.
Từ 31-7 đến 17 giờ ngày 6-8, thí sinh thực hiện nộp lệ phí xét tuyển trực tuyến.
Sau đó, Bộ GD&ĐT cùng các cơ sở đào tạo ĐH sẽ thực hiện lọc ảo và trả về kết quả trúng tuyển chính thức vào trước 17 giờ ngày 19-8.
Chậm nhất 17 giờ ngày 27-8, thí sinh hoàn thành xác nhận nhập học trực tuyến đợt 1 trên hệ thống và tiến hành làm thủ tục nhập học tại các cơ sở đã trúng tuyển.