Thời gian qua, nhiều bạn đọc đang làm việc tại các doanh nghiệp gửi câu hỏi đến Pháp Luật TP.HCM với các nội dung liên quan đến đối tượng đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc và chế độ hưởng bảo hiểm y tế (BHYT).
Cơ quan BHXH TP.HCM sẽ giải đáp những thắc mắc này của bạn đọc.
Hết tuổi lao động vẫn đóng BHXH
. Bạn đọc Trần Anh: Một nhân viên của tôi đang hưởng lương thử việc được ba tháng. Vừa rồi tôi có đề nghị ký hợp đồng chính thức và tham gia BHXH nhưng người này chưa đồng ý vì đang hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Như vậy, công ty có được phép không đóng BHXH cho nhân viên này hay không?
+ Bảo hiểm xã hội TP.HCM: Trường hợp người lao động (NLĐ) làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ ba tháng trở lên thì thuộc đối tượng phải đóng BHXH bắt buộc.
Người dân làm thủ tục tại BHXH TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG
Vì thế, nhân viên nói trên phải chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp do đã có việc làm theo quy định tại Nghị định số 28/2015 hướng dẫn Luật Việc làm 2013 về việc tạm dừng, tiếp tục, chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp.
. Bạn đọc Nguyễn Hạnh: Công ty tôi có hai trường hợp đều đã hết tuổi lao động. Tuy nhiên, có một người đang hưởng lương hưu, còn người kia chưa đủ điều kiện để nhận lương hưu.
Xin hỏi với hai trường hợp trên thì công ty có phải tham gia đóng BHXH cho họ hay không?
+ Bảo hiểm xã hội TP.HCM: Khoản 9 Điều 123 Luật BHXH quy định người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hằng tháng mà đang giao kết hợp đồng lao động thì không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.
Trường hợp NLĐ qua tuổi lao động nhưng chưa hưởng chế độ hưu trí, nếu vẫn tiếp tục làm việc và hưởng tiền lương thì thuộc đối tượng đóng BHXH bắt buộc.
. Bạn đọc An Nhiên: Ngày 1-10, công nhân tại công ty tôi đi khám bệnh nhưng quên xin giấy nghỉ ốm. Đến ngày 2-10, người này lên lấy kết quả thì được cấp giấy nghỉ việc hưởng chế độ BHXH. Trong giấy, bác sĩ cho nghỉ từ ngày 1 đến 7-10 nhưng ngày ký cấp giấy là ngày 2-10.
Cho tôi hỏi trường hợp trên thì nhân viên này có được giải quyết nghỉ việc hưởng chế độ BHXH không?
+ Bảo hiểm xã hội TP.HCM: Theo khoản 2 Điều 26 Thông tư 56/2017 thì trách nhiệm của cơ sở khám chữa bệnh phải cấp đầy đủ, kịp thời cho NLĐ hồ sơ, giấy tờ làm căn cứ hưởng các chế độ BHXH theo quy định.
Ngoài ra, theo quy định Thông tư 56/2017 thì việc ghi ngày bắt đầu được nghỉ phải trùng với ngày người bệnh đến khám.
Theo đó, chứng từ nếu cấp sau ngày khám chữa bệnh không đúng quy định thì không thanh toán chế độ BHXH.
. Bạn đọc Phạm Ngọc Thanh: Trước đây tôi tham gia BHYT hộ gia đình tuyến tỉnh. Tuy nhiên, khi vào công ty làm việc, tôi tham gia BHYT tuyến huyện.
Xin hỏi nếu tôi muốn đăng ký tiếp BHYT tuyến tỉnh thì có được không?
+ Bảo hiểm xã hội TP.HCM: Căn cứ Điều 8, Điều 9 Thông tư 40/2015/TT-BYT, người tham gia BHYT được đăng ký khám chữa bệnh BHYT ban đầu tại một trong các cơ sở khám chữa bệnh tuyến quận, huyện.
Đối với các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến trung ương thì thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan BHXH sau khi có sự thống nhất bằng văn bản của giám đốc Sở Y tế.
Theo quy định trên, hằng quý cơ quan BHXH đều thông báo danh sách cơ sở khám chữa bệnh nhận đăng ký khám chữa bệnh BHYT ban đầu trên trang thông tin điện tử (https://tphcm.baohiemxahoi.gov.vn).
Theo danh sách trên, người tham gia BHYT có thể thay đổi nơi khám chữa bệnh ban đầu.
Ngoài ra, từ năm 2021 sẽ thông tuyến BHYT nội trú tuyến tỉnh trên cả nước. Vì thế, người có thẻ BHYT ở các bệnh viện tuyến tỉnh có thể đến bất cứ bệnh viện tuyến tỉnh nào trong cả nước để điều trị bệnh nội trú mà vẫn được BHYT chi trả như đi đúng tuyến.
Trong trường hợp này, NLĐ được đăng ký BHYT tuyến tỉnh đối với các bệnh viện nằm trong danh sách cơ sở khám chữa bệnh nhận đăng ký khám chữa bệnh BHYT ban đầu theo danh sách mà cơ quan BHXH đã thông báo.•
Mới thử việc không tham gia BHXH bắt buộc
. Bạn đọc Thành Nhân: Tôi đang làm hợp đồng lao động cho một nhân viên tại công ty. Xin hỏi việc thỏa thuận thử việc có thể ghi thẳng vào hợp đồng lao động được không? Nếu được ghi vào hợp đồng lao động thì thời gian thử việc có phải đóng BHXH hay không?
+ Bảo hiểm xã hội TP.HCM: Theo Bộ luật Lao động năm 2012, Luật BHXH thì NLĐ làm việc theo hợp đồng thử việc không thuộc đối tượng tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp.
Như vậy, trong thời gian thử việc, dù trong hợp đồng thử việc riêng hay lồng ghép trong hợp đồng lao động chính thức đều không thuộc đối tượng đóng BHXH bắt buộc.