Phải làm gì để triệt những tài xế dính ma túy ôm vô lăng là bài toán mà cơ quan chức năng cần phải giải đáp gấp rút để ngăn ngừa hậu họa có thể thấy trước này.
Cả nước đang thực hiện nghiêm chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình và lãnh đạo Bộ Công an về việc giữ vững an toàn xã hội dịp cuối năm, trong đó đặc biệt chú trọng việc lập lại trật tự an toàn giao thông. Đây là công việc gần như thường niên vì lượng người về quê đón Tết lớn, các doanh nghiệp gấp rút chuyển hàng làm tăng nguy cơ mất an toàn trên đường.
Tuy nhiên, năm nay có khác là các cơ quan chức năng chú trọng đặc biệt bằng việc lập các tổ công tác kiểm tra tài xế nghi sử dụng ma túy và chất kích thích khác. Công an siết việc này vì nhiều vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng gần đây do các tài xế sử dụng ma túy gây ra làm kinh hoàng dư luận, khiến cơ quan chức năng phải giật mình.
Không phải các nhà làm luật không dự liệu điều này mà trong các quy định hiện hành đã đủ các chế tài đối với tài xế, doanh nghiệp vận tải khi phát hiện tài xế sử dụng ma túy ôm vô lăng. Tuy nhiên, việc thực thi nó lâu nay vì nhiều lý do bị xem nhẹ và có hiện tượng ngành nọ đổ lỗi cho ngành kia, dẫn đến việc thiếu kiểm tra, giám sát. Cơ quan chức năng thì đổ lỗi cho doanh nghiệp, cho ý thức tài xế; còn doanh nghiệp thì đổ lỗi cho đường sá, cho ngành y, cho việc sát hạch, cấp bằng… Những “lỗi” mà những người liên quan viện dẫn đều đúng và người dân cứ phải nơm nớp lo sợ không biết tai họa sẽ giáng xuống mình lúc nào.
Nay với chỉ đạo của người đứng đầu về an toàn giao thông quốc gia và lãnh đạo ngành công an, các địa phương mới rùng rùng chuyển động, kiểm tra gắt gao tài xế.
Trở lại với các quy định hiện hành, nếu cơ quan chức năng phát hiện tài xế sử dụng ma túy sẽ bị tước bằng lái 22-24 tháng (hoặc bị phạt tiền mức cao nếu không có bằng lái theo Nghị định 46/2016). Đây là chế tài không hề nhẹ đối với tài xế xe tải, xe khách. Nhưng vì sao vẫn có nhiều người bất chấp? Phải chăng là do chuyện kiểm tra, phát hiện, xử lý có vấn đề? Thực tế là lâu nay lực lượng thường xuyên tiếp xúc với cánh lái xe là CSGT nhưng họ không có công cụ, phương tiện, chuyên môn để test ma túy, muốn làm việc này phải lập tổ liên ngành. Chính vì điều này mà các tài xế chơi ma túy cứ “vô tư” ôm vô lăng, vì chơi ma túy không thể “nhìn là biết” như uống rượu bia.
Cạnh đó, về kỹ thuật lập pháp, các cơ quan chức năng đã đánh đồng hành vi uống rượu bia với hành vi sử dụng ma túy khi lái xe để xử lý. Đành rằng thứ nào cũng nguy hiểm nhưng rượu bia là thức uống được phép (khi không lái xe) còn ma túy là chất cấm sử dụng, thậm chí trước đây hành vi sử dụng trái phép ma túy còn có thể bị xử lý hình sự. Việc đánh đồng, “nhốt” hai loại hành vi này vào chung một quy định để xử lý đã là không ổn. Vì vậy, cần tách bạch giữa chất bị cấm với chất được phép sử dụng để nâng mức chế tài theo hướng tăng thời hạn tước bằng lái hoặc tước vĩnh viễn là hoàn toàn có cơ sở.
Trong khi chờ luật hóa các quy định theo hướng tăng nặng chế tài với tài xế sử dụng ma túy như chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, cơ quan chức năng chấn chỉnh việc sát hạch, cấp giấy phép cho doanh nghiệp, khám sức khỏe định kỳ cho tài xế; thực hiện nghiêm việc phát hiện, xử lý theo các quy định hiện hành.