Không hẹn mà gặp, trong cùng một ngày, năm vụ trọng án được đưa ra xét xử, trong đó có hai vụ giết người hàng loạt.
Chưa bao giờ xã hội chứng kiến nhiều vụ giết người mà hung thủ ra tay một cách lạnh lùng và mất nhân tính như vậy. Tội ác ghê rợn đến mức mà, như một nhà báo kỳ cựu thú nhận, ông phải chùn tay vì không biết những bài tường thuật chi tiết vụ án của mình có “liên đới trách nhiệm” hay không.
Các phiên tòa xét xử các vụ trọng án dù vô tình hay hữu ý cùng diễn ra trong một thời điểm không khỏi khiến dư luận băn khoăn. Cho đến lúc các phiên tòa diễn ra, người ta vẫn tự hỏi: Động cơ nào khiến hung thủ có thể xuống tay sát hại sáu người từng thân thuộc với mình? Cũng vậy, điều gì khiến một thanh niên có thể xuống tay lạnh lùng giết bốn người lương thiện chỉ vì lý do rất nhỏ nhặt?
Không ít vụ trọng án mà các chuyên gia tội phạm học dày công nghiên cứu cũng không thể tìm ra được đâu là nguyên nhân khiến những kẻ thủ ác có thể xuống tay một cách tàn độc. Có quá nhiều lý do để giải thích nguồn cơn của tội ác gia tăng: Do khoảng cách giàu nghèo, bất công xã hội, thất tình, thất nghiệp, căng thẳng trong cuộc sống gia đình, bị bạo hành, thậm chí… do mặc cảm thua thiệt.
Theo nhà triết học, phân tâm học người Đức - Carl Gustave Yung, bất kể xã hội nào, dù tiến bộ đến đâu cũng có tội phạm, thậm chí xã hội phát triển càng cao, càng hiện đại thì hành vi phạm tội càng nguy hiểm và càng khó lý giải. Theo Carl, có một thứ “vô thức tập thể” đã được hình thành theo thời gian qua cách hành xử của xã hội, dẫn đến cái ác. Chẳng hạn như cái ác được bao che, sự dung túng của pháp luật, tha hóa về đạo đức xã hội, kể cả truyền thông về cái ác một cách thiếu cân nhắc, bừa bãi… “Vô thức tập thể” đồng hành với sự xuống cấp đạo đức và thói vô cảm - những căn bệnh của xã hội hiện đại - đã làm cho con người đánh mất đi những giá trị nhân văn như năng lực thấu hiểu và đồng cảm với người khác, sự phân biệt rạch ròi về cái thiện và cái ác.
Và khi nào mà căn bệnh “vô thức tập thể” chưa được chữa trị, có lẽ tội ác vẫn sẽ còn tiếp diễn.