Cho đến lúc này, không còn tranh cãi về chuyện ông Tập Cận Bình đã và đang dùng nhiều biện pháp, gồm cả nhu lẫn cương để cải cách đất nước, hướng tới giấc mơ Trung Hoa. Trong thông điệp chào mừng năm mới 2015, Chủ tịch Trung Quốc (TQ) Tập Cận Bình nêu rõ TQ trong năm mới sẽ “ỷ pháp trị quốc - cải cách toàn diện”. Chính quyền Tập Cận Bình đã sử dụng “ba mũi tên cải cách chí mạng” để giải quyết các món nợ mới lẫn nợ cũ mà Bắc Kinh gặp phải. Trong đó bao gồm xác định giá trị Trung Hoa, cải cách hệ thống quyền lực làm đòn bẩy để cải cách nền kinh tế.
Hai nhà nghiên cứu Thẩm Liên Đào (nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Toàn cầu Fung, thành viên Hội đồng cố vấn Chương trình Môi trường LHQ UNEP về lĩnh vực tài chính bền vững) và Tiếu Cảnh (Giám đốc nghiên cứu tại Viện Toàn cầu Fung) lại cho rằng những cải cách của ông Tập Cận Bình vẫn đang mắc phải sự bế tắc mà “tiền bối” của ông Tập - cải cách gia Đặng Tiểu Bình - để lại.
Đi lại con đường của Đặng Tiểu Bình
Từ khi ông Tập trở thành tổng bí thư kiêm chủ tịch TQ, thế giới thấy rõ sự đổi thay trong hệ thống chính trị-xã hội TQ cả về đối nội lẫn ngoại giao. Nhìn vào những gì ông Tập đang làm và đang hướng tới - giấc mơ Trung Hoa - nhiều người cho rằng ông Tập đang đi lại con đường mà ông Đặng Tiểu Bình từng khởi xướng vào những năm cuối thập niên 1970.
Cụ thể vào năm 1978, nguyên Phó Chủ tịch nước TQ Đặng Tiểu Bình đã triển khai hành động cải cách quốc gia theo khẩu hiệu “TQ hùng cường”. Hơn 30 năm sau, ông Tập Cận Bình tuyên bố cải cách vì một “giấc mơ Trung Hoa”. Cả hai khẩu hiệu đều cốt yếu nhấn mạnh việc TQ phải trở nên mạnh mẽ, phồn thịnh, tầm cao. Cả ông Tập và ông Đặng đều đề cao sức mạnh của sự cải cách, xuất phát từ sự thừa nhận gánh nặng mà lịch sử để lại cho người lãnh đạo.
Trong một bài xã luận, tờ báo Wantchinatimes (Hong Kong) nhận định rằng ông Tập Cận Bình, trên con đường cải cách đất nước trong những năm qua, đã và đang hướng tới một mô hình mà ông Đặng Tiểu Bình từng làm và gặt hái nhiều hiệu quả. Đó là tập trung đào sâu các lĩnh vực cải cách nhằm phát huy hiệu quả từ mô hình “phân quyền quản lý mà ông Đặng đưa ra. Điển hình là việc cho phép nguồn lực tư nhân tham gia đầu tư, quản lý các lĩnh vực mà trước nay nhà nước kiểm soát độc quyền, bao gồm quân sự, tài chính, giao thông vận tải, phát triển hệ thống hạ tầng quốc gia.
Những cải cách của Tập Cận Bình hiện nay cũng gặp “bế tắc” như của Đặng Tiểu Bình: Thiếu hụt những giải pháp thay thế, loay hoay “sản xuất” thật nhiều và “xuất khẩu” thật rẻ nhằm “lấy thịt đè người”. Ảnh: THIÊN BÌNH
Năm ngoái, tại lễ kỷ niệm 110 năm ngày sinh ông Đặng Tiểu Bình, ông Tập và toàn bộ sáu ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị TQ đã đến dự. Tại đây, ông Tập đã nhắc những cụm từ mà ông Đặng Tiểu Bình từng xem đó là “kim chỉ nam” của đất nước: “Chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc TQ”, “thực hiện đổi mới quốc gia trong tinh thần tiên phong”. Tờ Wantchinatimes nhận định ông Tập mong muốn trở thành người vĩ đại không thua gì các “bậc tiền bối” sáng lập ra TQ, trong đó ông Tập muốn đời sau phải nhắc đến ông một cách đầy tôn kính như nhắc đến ông Đặng Tiểu Bình.
Bệnh “lấy thịt đè người” trong cải cách
Một trong những sai lầm lặp đi lặp lại của chính quyền Bắc Kinh, ngay cả dưới thời ông Tập Cận Bình, chính là quá chú trọng phát triển nền kinh tế sản xuất, tức sản xuất ra càng nhiều hàng hóa với mức giá càng cạnh tranh càng tốt - bất chấp những bất ổn nội tại. Cũng như “lỗi” của ông Đặng Tiểu Bình, TQ những năm vừa qua vẫn chú trọng mô hình sản xuất hàng hóa dựa trên sự thâm dụng lao động rẻ, khai thác tối đa tài nguyên và môi trường.
Keyu Jin (GS kinh tế tại Trường Kinh tế London, lãnh đạo trẻ toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới và là thành viên của Hội đồng cố vấn Tập đoàn Richemont) gọi đó là mô hình tăng trưởng méo mó của TQ. Hậu quả là tốc độ tăng trưởng GDP thì cao còn dân thì ngày một nghèo đi vì tiền mất giá; năng suất lao động tăng nhưng người thất nghiệp cũng không thể giảm; bộ máy chính quyền quan liêu và tham nhũng tràn lan; tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và ngày càng tệ hại phá hoại triển vọng lâu dài của TQ.
Chính quyền Bắc Kinh tỏ ra thiên vị đối với ngành sản xuất và xuất khẩu. Hậu quả là phân bổ vốn không đồng đều khiến những ngành công nghiệp kém hiệu quả thì dư thừa vốn, trong khi các ngành công nghiệp có năng suất và hiệu quả cao hơn không được tiếp cận các nguồn tài nguyên mà chúng cần. Điều này vẽ nên một bức tranh âm ỉ về sự bất bình đẳng trong nền kinh tế TQ.
GS Keyu Jin cho rằng thách thức cấp bách và khó khăn nhất mà chính quyền Tập Cận Bình phải đối mặt hiện nay chính là cải cách kinh tế. Bởi lẽ những sai lệch trong nền kinh tế hiện tại liên quan tới nhau, chúng cần phải được giải quyết đồng bộ trong khi Bắc Kinh lại đang tiếp cận vấn đề cải cách từng bước một. Trong khi đó hai nhà nghiên cứu Andrew Sheng và Xiao Geng đánh giá những cải cách của Tập Cận Bình hiện nay cũng gặp “bế tắc” như của Đặng Tiểu Bình: thiếu hụt những giải pháp thay thế. Vậy nên Bắc Kinh vẫn loay hoay “sản xuất” thật nhiều và “xuất khẩu” thật rẻ nhằm “lấy thịt đè người”, thiếu đi sức sáng tạo và sự bền vững của môi trường sản xuất.
Tự do nửa vời
Nhiều chuyên gia cho rằng mô hình cải cách của ông Tập Cận Bình ngoài một số ít tuyên bố và những động thái “tự do hóa” cho khu vực tư nhân đáng ghi nhận thì phần nhiều ông Tập dường như đang tỏ ra bảo thủ, chuyên quyền. Chiến lược “đả hổ đập ruồi” mà ông Tập sử dụng đã hạ bệ gần như tất cả những người có vị thế chính trị cao nhất trong nội bộ TQ - nguồn gốc của cải cách phân quyền từ thời Đặng Tiểu Bình. Năm 2014 ông Tập “giết gà, giết luôn cả khỉ”, trong khi năm 2015 ông tiếp tục mở rộng “đánh” luôn các phe phái đình đám của nước này, bao gồm Sơn Tây Hội, phe thư ký, hay phe dầu khí. Nhiều người ca ngợi ông Tập “biết đánh kẻ tham”, trong khi người khác cho rằng ông Tập biết “tận dụng thời thế”.
Chỉ trong vòng hơn hai năm nắm quyền, ông Tập đã thâu tóm được quyền kiểm soát đất nước mà ngay cả hai người tiền nhiệm trước đó - ông Giang Trạch Dân và ông Hồ Cẩm Đào chưa hề có được. Ông Tập đứng đầu chín tổ chức quyền lực nhất TQ, bao gồm chủ tịch TQ, tổng bí thư Đảng Cộng sản, chủ tịch Quân ủy Trung ương và là người đứng đầu của ít nhất sáu ủy ban cấp cao giám sát an ninh quốc gia, chính sách đối ngoại, an ninh mạng, cải cách toàn diện, hệ thống phòng thủ và cải tổ quân đội. Chính điều này khiến không ít người hoài nghi ông Tập chỉ “dẹp loạn” cho bản thân chứ không phải để giúp “dân an”. Thậm chí còn có chỉ trích ông Tập tận dụng “đả hổ đập ruồi” trong bối cảnh TQ đang gặp nhiều “vết thương” do bệnh phù thịnh, bất bình đẳng, để vừa triệt hạ đối thủ chính trị, vừa tô điểm hình ảnh cá nhân. Nhưng cái cốt lõi của “vấn đề TQ” chính là giải cứu nền chính trị tham nhũng, nền kinh tế méo mó vẫn còn là dấu chấm hỏi lớn chưa lời giải đáp.
Sự kiện người dân Hong Kong xuống đường biểu tình đòi “lựa chọn đặc khu trưởng thông qua phổ thông đầu phiếu dựa trên đề cử từ một hội đồng mang tính đại diện rộng rãi theo các tiến trình dân chủ”; hay thảm sát tại khu ga tàu; đấu súng tại Tân Cương, bất ổn tại các khu tự trị trong suốt năm 2014; hay mới đây là vụ giẫm đạp khiến ít nhất 36 người chết vào đêm giao thừa 2015 cho thấy những cải cách suốt hơn hai năm qua của ông Tập chưa mang về hiệu quả thuyết phục. Thứ mà ông Tập nói là “tự do” thì dường như đang hiển hiện dưới sự “chuyên quyền”, còn ông Tập thì lại được nhiều người, trong đó có Elizabeth C Economy - thành viên cao cấp của Tập đoàn Bảo hiểm C.V. Starr, Tổng Giám đốc của Nghiên cứu châu Á ở Hội đồng Quan hệ đối ngoại - ví là “chủ tịch hoàng đế” - tức thiên hạ đều phải nằm trong tay ông.
Cam kết “trung thần” với ông Tập Cận Bình Trong bài viết “Chủ tịch Hoàng đế: Tập Cận Bình siết chặt quyền lực” trên tạp chí Foreign Affairs (Mỹ) của nhà nghiên cứu Elizabeth C Economy cho biết không giống các chủ tịch nước trước đây của TQ - thường để thủ tướng nắm thẩm quyền quản lý nền kinh tế quốc gia, Tập Cận Bình lại đứng ra để gánh vác. Năm 2014, ông Tập Cận Bình đã nhận được những tuyên bố công khai về lòng trung thành từ 53 quan chức quân đội cấp cao. Elizabeth C Economy dẫn lời một cựu tướng lĩnh cho hay những cam kết như vậy mới chỉ từng xuất hiện ba lần trong suốt chiều dài lịch sử TQ. |
Đón đọc trên số báo Chủ nhật 18-1
Bài cuối: Cải cách ngoại giao: Trung Quốc hiện hình
Những cải cách nội tại của Trung Quốc dưới thời ông Tập cũng góp phần liên đới đến chính sách ngoại giao của Bắc Kinh - một chính sách đầy tham vọng và mạo hiểm.