Theo dòng thời sự

Cái cắt băng khởi nguồn cho giấc mơ cao tốc phía Nam

Đây là sự kiện rất ý nghĩa khi người dân miền Tây phải chờ đợi tuyến cao tốc này hơn 10 năm qua cùng rất nhiều khó khăn, vất vả của dự án, thậm chí có lúc tưởng chừng không lối ra.

Việc cắt băng thông xe kỹ thuật đã mang theo niềm mong mỏi của 21 triệu người dân miền Tây về một con đường thênh thang, thuận lợi đi lại, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Với cái cắt băng ấy, năm nay, hành trình về miền Tây của người dân đỡ vất vả hơn, thông thoáng hơn, đặc biệt tiết kiệm rất nhiều thời gian.

Thông xe cao tốc càng có ý nghĩa hơn khi nhiều năm nay, cả miền Nam không có thêm cao tốc nào ngoài cao tốc TP.HCM - Trung Lương và cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Mỗi năm trôi qua, niềm mong mỏi về cao tốc càng hiển hiện ngày một lớn với người dân nơi đây.

Còn nhớ vào tháng 4-2019, khi đi thực tế chung với chủ đầu tư mới, đơn vị vừa tiếp nhận dự án sau thời gian công trình này gặp khó khăn, tôi thấy tất cả còn ngổn ngang với hàng “núi” công việc, nào là làm việc với các nhà thầu cũ, nào là giải bài toán vốn thế nào, thi công ra sao… Tuy vậy, chỉ hơn hai năm sau, tất cả ngổn ngang ấy đã được sắp xếp gọn gàng mở ra một tuyến cao tốc huyết mạch.

Bao năm qua, quốc lộ 1A oằn mình gánh hàng trăm ngàn phương tiện mỗi ngày. Điều đó càng thôi thúc những người làm tuyến cao tốc này phải tăng tốc hơn nữa, quyết tâm hơn nữa. “Anh thấy quốc lộ 1A không, quá trời xe, chúng tôi xác định phải làm hết sức để cao tốc nhanh hoàn thành” - lời tâm tư, chia sẻ của một lãnh đạo có mặt ở công trường dự án lúc đó.

Như lời phát biểu của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trong buổi lễ thông xe kỹ thuật cao tốc: “Đây là công trình thắng lợi của ý chí và quyết tâm, tất cả chúng ta đã vượt qua mọi khó khăn, thách thức để hoàn thành công trình này”.

Đặc biệt, trong buổi lễ, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cũng cho biết trong năm năm tới, ngành giao thông cố gắng khởi công nhiều tuyến cao tốc khu vực phía Nam như: Cần Thơ - Cà Mau; Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng và tuyến quốc lộ 30, nối TP Cao Lãnh (Đồng Tháp) - An Hữu (Tiền Giang). Cạnh đó, trong bối cảnh Quốc hội vừa thông qua nghị quyết về chủ trương đầu tư cao tốc Bắc - Nam (giai đoạn 2021-2025), trong đó có cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, giấc mơ cao tốc miền Tây sẽ biến thành hiện thực trong tương lai không xa.

Với niềm tin một năm mới tươi sáng khi vừa bước qua đỉnh dịch COVID-19, lễ thông xe cao tốc cũng như là sự khởi nguồn cho giấc mơ về những con đường huyết mạch tương lai. Hy vọng, cái cắt băng của Chủ tịch nước sẽ là hành động biểu tượng ý nghĩa cho việc xóa “băng” các khó khăn, đẩy “con tàu” phát triển miền Tây tiến về trước mạnh mẽ hơn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm