Người đàn ông xem sông là nhà
Ông Nguyễn Văn Chứng ngồi cạnh mẹ mình. Tóc mẹ bạc trắng thì mái đầu của ông cũng đã điểm hoa râm…Ảnh: Hồng Trâm
Bè của ông và anh trai mình (ông Ba Chúc) đậu sát bên nhau. Nhiều hôm trên sông có xác người nổi trên sông, ông Ba Chúc liền gọi em trai theo cùng. Nghĩ đến việc cứu người là làm phước, ông Chứng chẳng chút nề hà. Lắm khi, hai anh em ông phải trầm mình dưới nước vài tiếng đồng hồ để có thể đưa thi thể nạn nhân lên ghe.
Thời gian gần đây, bà con làng chài cầu Bình Lợi không còn nhìn thấy bóng ông Chứng trên chiếc bè nhỏ quen thuộc. Hỏi thăm ông Ba Chúc mới biết, ông Chứng đã dọn về ở cùng gia đình em gái út tại căn nhà trọ số 622/47D (đường Thống Nhất, tổ 47, KP.6, P.15, Q.Gò Vấp).
Chiếc bè nhỏ, cũ kĩ là “căn nhà” của ông Nguyễn Văn Chứng trong hơn 50 năm qua. Sau khi bị tai nạn, ông phải dọn về ở nhờ nhà em gái.Ảnh: Hồng Trâm
Chúng tôi đến thăm ông Chứng vào lúc xế chiều. Ngôi nhà trọ tồi tàn, chắp vá bằng những tấm tôn cũ nằm cạnh con kênh nhỏ, bốc mùi…
Ngồi trên chiếc võng, người đàn ông dáng hình nhỏ thó, da đen nhẹm cùng bà cụ tóc đã bạc trắng nở nụ cười hiền chào khách. Vừa bước vào, chúng tôi ngạc nhiên khi nhìn thấy tay và chân ông Chứng bị băng bó. Trên bàn chân, một vết thương hở mưng mủ, sưng tấy, bốc mùi khó chịu, có dấu hiệu hoại tử. Khuôn mặt vốn khắc khổ của người đàn ông này cũng đầy vết trầy xước, thâm tím.
Ông Chứng cho hay: “Cái mạng tôi còn giữ đến hôm nay là nhờ phước đức ông bà”. Giọng ông chậm lại. Đưa đôi mắt nhìn xa xăm, ông thuật lại câu chuyện: “2 giờ sáng ngày 19-6, tôi và đứa em rể đang đánh bắt cá trên sông đoạn gần bến đò Bình Quới (P.28, Q. Bình Thạnh). Bất ngờ, một chiếc sà lan từ xa lao tới đâm trực diện làm chiếc ghe chúng tôi bị chìm. Tôi không còn biết gì nữa cho đến khi tỉnh dậy thấy mình nằm trên bờ phía Bình Thạnh… Bác sĩ chẩn đoán tôi bị gãy tay và lõm một phần thịt mu bàn chân. Tiền viện phí gần hai chục triệu đã khiến gia đình suy kiệt. Vay mượn nhiều nơi vẫn không đủ, tôi đành xuất viện về ở cùng em gái”.
Giấy xuất viện có ghi thương tật do vụ tai nạn gây ra cho ông Chứng.Ảnh: Hồng Trâm.
Vẫn giọng đượm buồn, ông Chứng cho hay: “Vợ chồng em tôi còn 3 đứa con đang tuổi ăn học. Cả nhà nhỏ lớn tới 7 miệng ăn. Bây giờ, chúng tôi không biết phải sống sao trong khi tất cả gia sản đã chìm xuống đáy sông”.
Gánh nặng mưu sinh đè trên vai người phụ nữ Khi được hỏi sao không nhờ anh trai là ông Ba Chúc giúp đỡ trong lúc ngặt nghèo như vậy, ông Chứng cho biết anh trai ông cũng rất vất vả mới chèo chống được gia đình riêng của mình với 7 miệng ăn (vợ chồng ông Ba Chúc có 5 cô con gái -PV). Mấy anh em ông đều sống dựa vào sông Sài Gòn, giờ chiếc ghe bị chìm, người em rể ông Chứng cũng mất luôn kế sinh nhai. Chị Nguyễn Thị Tiếp – trụ cột chính của 7 miệng ăn trong gia đình. Ảnh: Hồng Trâm. Giờ đây, gánh nặng mưu sinh đổ dồn lên đôi vai em gái ông Chứng là chị Nguyễn Thị Tiếp (29 tuổi). Từ lúc mờ sáng đến chập tối, chị mới kiếm được hơn một trăm ngàn bằng công việc bán cá để nuôi cả nhà… Chiếc sà lan sau khi gây tai nạn đã thản nhiên bỏ đi, mặc cho hai con người kêu cứu. Trong khi bàn chân của ông Chứng thì đang bị hoại tử dần mà không có tiền đi viện… Không biết rồi đây số phận của những người tận khổ trong căn nhà trọ tồi tàn ấy rồi sẽ ra sao? |