Trao đổi tại đây, bà Thu cho rằng TP cấm dạy thêm, học thêm trong nhà trường là quá máy móc.
Theo bà Thu, đứng ở góc độ nhà giáo, dạy thêm, học thêm có hai mặt của nó. Có những giáo viên dạy không hết chương trình, tìm cách kéo học sinh về nhà mình để học hoặc ra đề na ná nội dung học thêm hay cho điểm thiếu công bằng giữa các em... với mục đích để HS đi học thêm. Đó rõ ràng là tiêu cực, không đúng với đạo đức nghề giáo.
Bà Nguyễn Thị Yến Thu, Chủ tịch Hội Cựu giáo chức TP.HCM, phát biểu tại hội nghị sáng 18-8. Ảnh: P.Anh
Tuy nhiên, theo bà Thu, chúng ta cũng phải nhìn nhận rằng dạy thêm còn giúp cho nhiều em học yếu tiến bộ hơn, HS được nâng cao kiến thức hơn. "Tại sao chúng ta lại cấm dạy thêm trong nhà trường, như thế là quá máy móc. Tại sao chúng ta không tìm giải pháp để nhà trường có thể làm tốt hơn mà lại tạo cơ hội cho các cơ sở bên ngoài mọc lên. Các cơ sở bên ngoài chủ yếu là hoạt động vì mục đích kinh tế, lợi ích là chính thì làm sao họ có thể làm tốt được" - bà Thu nói.
Theo bà Thu, chúng ta phải tìm cách làm sao để dạy thêm, học thêm cho thích hợp, dạy như thế nào để hạn chế tiêu cực chứ không phải cứ cấm là tốt. "Nên chăng để công đoàn, nhà trường theo dõi việc học của các em, quản lý việc giảng dạy của giáo viên để làm sao hạn chế tiêu cực xảy ra.
Nhiều em học yếu, giáo viên có thể sắp xếp dạy thêm sau giờ học chính khóa khi phụ huynh chưa đến đón con. Nhiều cái nên để cho nhà trường làm sẽ tốt hơn. Các em được nâng cao kiến thức, được giáo viên quan tâm tận tình và theo dõi sát hơn, tận dụng được cơ sở vật chất của trường, giáo viên có thêm thu nhập thì cũng tốt hơn" - bà Thu góp ý.
Tại đây, nhiều đại biểu cũng bày tỏ ý kiến về vấn đề này. Bà Hoàng Thị Khánh, Chủ tịch Hội bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi TP.HCM cũng cho rằng sau khi tổng hợp ý kiến từ các cơ sở thì hầu hết đều cho rằng cấm dạy thêm trong trường là vô lý vì nó xuất phát từ nhu cầu có thật trong thực tế.
Theo bà, dạy thêm là cần nhưng phải xác định được ai là người được học thêm và ai được dạy thêm. Nếu có dạy thêm thì nên dạy thêm trong nhà trường nhưng phải lựa chọn để dạy thêm đáp ứng đúng nhu cầu của người học chứ không phải nhu cầu của người dạy, giáo viên cũng dạy trong đúng cái tâm của mình.
Trường phải cân nhắc chọn ai cần học thêm và ai dạy thêm chứ không nên dạy một cách đại trà. Trường chỉ nên dạy thêm cho những em còn yếu, hổng kiến thức. Còn những em đã học giỏi rồi thì không nên học thêm nữa mà nên hướng cho các em tăng cường rèn luyện thể dục thể thao, hoạt động phong trào....
Và để dạy thêm đúng nghĩa và hiệu quả, Sở ngành nên tăng cường quản lý tốt chất lượng dạy học trong giờ chính khóa của các trường mới là quan trọng. "Nếu một trường có quá nhiều HS đi học thêm thì chứng tỏ việc học chính khóa ở trường đó không chất lượng. Chúng ta phải theo dõi và quản lý chặt những trường như thế. Không thể để các trường dạy lơ mơ, rồi HS học cũng lơ mơ nên học xong rồi lại phải đi học thêm, rất tốn kém" - bà Khánh nói.