Với số tiền trên, cán bộ này chỉ nộp về cho ngân sách nhà nước khoảng 25.000 đồng/người. Số tiền còn lại được cho là dùng để chi trong buổi tập huấn, tuy nhiên địa điểm tập huấn tại trung tâm, còn cán bộ giảng dạy cũng là cán bộ của trung tâm thì sẽ không tốn phí, tiền phôtô tài liệu cho người tham gia cũng chẳng là bao.
Như vậy, số tiền thu phí tập huấn của người dân đóng đi đâu, liệu có vào túi riêng của cán bộ tên T.?
BS Nguyễn Văn Dũng, Trưởng khoa An toàn vệ sinh thực phẩm, Trung tâm Y tế dự phòng quận 12, trả lời: Những thông tin mà người dân phản ánh và thắc mắc là chưa đúng. Bởi theo kế hoạch thì trung tâm tổ chức buổi tập huấn khoảng hai tuần/lần, mỗi lần tập huấn có từ 20 đến 30 người tham gia. Mức phí thu đối với những người tham gia chỉ 100.000 đồng/người. Với số tiền thu được, trung tâm sẽ nộp về Phòng Tài vụ quận là 30.000 đồng/người. Số tiền còn lại dùng để mua nước uống, tiền bồi dưỡng cho cán bộ tập huấn và dùng phôtô tài liệu cho người tập huấn để tham khảo. Việc thu tiền là do trung tâm thu chứ khoa không cử cán bộ nào đi thu. Những khoản thu chi đều có báo cáo cụ thể đến trung tâm. Như vậy, không có chuyện một cán bộ đứng ra thu tiền và bỏ túi riêng tiền phí tập huấn của dân.