Để đáp ứng điều kiện giải quyết, chính quyền địa phương yêu cầu người cha phải làm xét nghiệm ADN để chứng minh cha con. Đây là những yêu cầu không dễ với người dân.
Cụ thể như trường hợp anh Nguyễn Hoài Thanh phải chầu chực ở UBND xã Hòa Minh, Châu Thành, Trà Vinh để làm giấy khai sinh cho con với những thủ tục mang theo gồm giấy chứng sinh, CMND của cha mẹ, sổ hộ khẩu của anh Thanh nhưng cán bộ xã yêu cầu phải có giấy chứng nhận kết hôn và sổ tạm trú của người mẹ mới làm được. Mãi đến khi PV làm việc với cấp lãnh đạo thì đứa trẻ mới được làm giấy khai sinh.
Anh Thanh (ảnh trái) phải ngồi chờ cả ngày ở xã mới được cán bộ tư pháp hộ tịch xã (ảnh phải) cấp giấy khai sinh cho con. Ảnh: T.VÂN
Hay như trường hợp của chị Nguyễn Thị Minh Phương (phường Hiệp Phú, quận 9, TP.HCM) và cha đứa trẻ chưa đăng ký kết hôn đi làm khai sinh cho con ban đầu cũng bị cán bộ phường từ chối chỉ vì áp dụng khoản 1 Điều 11 của Thông tư 15 rằng muốn chứng minh quan hệ cha, mẹ, con thì cần phải có văn bản của cơ quan y tế, cơ quan giám định hoặc cơ quan khác có thẩm quyền ở trong nước hoặc nước ngoài xác nhận quan hệ cha con, quan hệ mẹ con (cụ thể là giám định ADN). Nhưng cán bộ này lại quên mất khoản 2 của thông tư này nói rằng nếu không giám định được ADN thì còn có chứng cứ khác như thư từ, phim ảnh, băng đĩa, đồ dùng, vật dụng khác chứng minh mối quan hệ cha con, quan hệ mẹ con và văn bản camđoancủa cha, mẹ về việc trẻ là con chung của hai người, có ít nhất hai người thân thích của cha, mẹ làm chứng. Trường hợp này, PV cũng phải làm việc với lãnh đạo phường thì đứa trẻ mới được làm khai sinh.
Còn mới đây nhất là trường hợp đặc biệt của bà Nguyễn Thị Nga ở Thuận Giao, Thuận An, Bình Dương thì khó để cán bộ phường giải quyết cho làm khai sinh hơn bởi cha mẹ đứa trẻ không đăng ký kết hôn, người mẹ bỏ đi không để lại giấy tờ nào ngoài giấy chứng sinh thì làm sao có văn bản cam đoan của cha, mẹ về việc trẻ em là con chung của hai người. Thư từ, băng đĩa chứng minh mối quan hệ của cha, mẹ, con cũng không có. Riêng với trường hợp hy hữu này, cán bộ phường chỉ nhất nhất làm theo câu chữ của luật, buộc người cha phải đi giám định ADN thì người dân cũng đành chịu vì cán bộ đã làm đúng luật.
Tuy nhiên, gia cảnh người cha này quá nghèo, làm giám định ADN là một số tiền lớn với họ, phường Thuận Giao nên cử cán bộ xuống tận nơi trẻ đang sinh sống để xác minh từ họ hàng, lối xóm về mối quan hệ cha, mẹ, con. Trên cơ sở đó cùng với giấy chứng sinh của mẹ và bản cam kết của người cha thì hoàn toàn có thể làm được giấy khai sinh cho trẻ.
Vấn đề là cán bộ xã, phường cần linh động vận dụng pháp luật để mọi đứa trẻ đều phải có khai sinh, bởi “quyền được khai sinh” là một trong những quyền trẻ em đã được Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em quy định. Luật Trẻ em (có hiệu lực từ ngày 1-6 tới đây) cũng tiếp tục khẳng định điều đó.