Cần giám định lại kẻ chủ mưu truyền HIV con tình địch

Như Pháp Luật TP.HCM đã thông tin, Đào Thị Thu Thảo (giám đốc chi nhánh một công ty) đã thuê người cố ý truyền HIV cho cháu bé con của tình địch nhưng được đình chỉ điều tra nhờ có giấy chứng nhận bị bệnh tâm thần. Thảo là chủ mưu nhưng thoát tội, vụ án chỉ còn hai người mà Thảo thuê bị VKSND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu truy tố về tội cố ý truyền HIV cho người khác theo khoản 2 Điều 149 BLHS 2015.

Chiều 5-12, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Thanh Sơn (Chánh án TAND TP Vũng Tàu) cho biết: Ngày 16-11, TAND TP Vũng Tàu đã tiếp nhận hồ sơ vụ án do VKSND tỉnh chuyển và ủy quyền cho VKSND TP Vũng Tàu thực hành quyền công tố. Hiện lãnh đạo tòa đã phân công thẩm phán nghiên cứu vụ án nhưng do còn một số vấn đề cần xem xét kỹ nên chưa xếp lịch xét xử.

Chưa rõ tòa nào xử

Theo ông Sơn, TAND TP Vũng Tàu đang nghiên cứu về mặt thẩm quyền xét xử vụ án này thuộc về TAND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu hay TAND TP Vũng Tàu, nếu cần thì TAND TP Vũng Tàu sẽ xin ý kiến của tòa cấp trên.

Ông Sơn cho biết tại thời điểm khởi tố (tháng 4-2016), các bị can bị khởi tố về tội cố ý truyền HIV cho người khác theo khoản 2 Điều 118 BLHS hiện hành với khung hình phạt cao nhất là tù chung thân nên thuộc thẩm quyền xét xử của tòa cấp tỉnh. Nhưng tới giai đoạn truy tố là thời điểm chuyển giao giữa BLHS hiện hành và BLHS 2015. Trong BLHS 2015, trường hợp phạm tội của các bị can được quy định tại khoản 2 Điều 149. Theo điều khoản này thì khung hình phạt cao nhất chỉ là 15 năm tù nên VKSND tỉnh áp dụng quy định có lợi cho người phạm tội theo luật mới và cho rằng với khung hình phạt này thì thẩm quyền xét xử là của tòa cấp huyện. “Tuy nhiên, nếu xét tổng thể quy định của điều luật thì mức án của tội cố ý truyền HIV cho người khác ở luật mới không nhẹ hơn luật cũ” - ông Sơn nói.

Nếu có nghi ngờ, sẽ xem xét về giám định

Một vấn đề khác, cho tới trước khi bị bắt, Thảo vẫn làm việc bình thường, lãnh đạo, quản lý chi nhánh của công ty chủ quản, tham gia nhiều hoạt động của công ty chủ quản. Việc Thảo thuê người theo dõi gia đình tình địch, nhiều lần lên kế hoạch hại cháu bé con của tình địch diễn ra trong một thời gian dài (từ đầu năm 2014 cho đến tháng 6-2015). Vì thế, việc Viện Pháp y tâm thần Trung ương Biên Hòa (thuộc Bộ Y tế) có kết luận giám định “trước, trong và sau khi gây án đương sự bị bệnh trầm cảm nặng có triệu chứng loạn thần... Tại thời điểm gây án và hiện nay đương sự không có năng lực nhận thức và điều khiển hành vi” đang gây nhiều nghi ngờ.

Chưa kể, bệnh nặng đến mức “không có năng lực nhận thức và điều khiển hành vi” nhưng chỉ sau gần hai tháng chữa trị tại Viện Pháp y tâm thần Trung ương Biên Hòa, Thảo đã được kết luận tình trạng bệnh ổn định, không cần thiết điều trị bắt buộc nữa. Một ngày sau, VKSND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có quyết định đình chỉ áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh với Thảo. Từ đó đến nay Thảo quay lại làm giám đốc chi nhánh, có lần còn đại diện công ty chủ quản tham gia hội nghị... Từ đó đã có những ý kiến cho rằng TAND TP Vũng Tàu cần phải trưng cầu giám định lại về tình trạng tâm thần của người chủ mưu này.

Về vấn đề này, ông Sơn cho biết: Về nguyên tắc, nếu trong quá trình nghiên cứu hồ sơ, tòa thấy kết luận giám định có sự nghi ngờ, mâu thuẫn hoặc người bị hại có yêu cầu, tòa sẽ ra quyết định trả hồ sơ để yêu cầu làm rõ, giám định lại hoặc giám định bổ sung. Nếu giám định lại thì hội đồng giám định cũ sẽ không được trưng cầu nữa mà phải là một hội đồng giám định khác.

Trong một diễn tiến khác, để xác định Thảo có thật sự bị bệnh như kết luận giám định thể hiện và có chữa bệnh hay không, từ ngày 2-12, PV Pháp Luật TP.HCM đã đến Viện Pháp y tâm thần Trung ương Biên Hòa tìm hiểu thông tin. Ông Nguyễn Văn Đức (Trưởng phòng Hành chính - Quản trị) hướng dẫn PV viết yêu cầu, sau đó lãnh đạo viện sẽ trả lời bằng văn bản cho báo. Chiều 5-12, ông Đức cho biết giữa tuần này Viện Pháp y tâm thần Trung ương Biên Hòa sẽ có văn bản hồi đáp.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin khi vụ việc có diễn tiến mới.

Tòa tỉnh xử sơ thẩm mới đúng luật

Việc VKSND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu chuyển hồ sơ vụ án đến TAND TP Vũng Tàu để xét xử sơ thẩm, theo tôi là hiểu sai luật.

Đúng là khoản 2 Điều 118 BLHS hiện hành có khung hình phạt đến tù chung thân, còn khoản 2 Điều 149 BLHS 2015 có khung hình phạt đến 15 năm tù nhưng không vì thế mà cho rằng tội cố ý truyền HIV cho người khác trong BLHS 2015 nhẹ hơn BLHS hiện hành vì khoản 3 Điều 149 BLHS 2015 vẫn quy định hình phạt tù chung thân. Chỉ có điều trong BLHS 2015, nhà làm luật chia tội này ra thành bốn khoản thay vì ba khoản như BLHS hiện hành. BLHS không có quy định so sánh giữa hai tội để xem tội nào nặng hơn nhưng các hướng dẫn của liên ngành thì quy định rất rõ là việc so sánh giữa hai tội không căn cứ vào khoản mà phải căn cứ vào mức hình phạt cao nhất.

VKS truy tố khoản nào là quyền của VKS nhưng tòa có thể xét xử bị cáo về khoản có khung hình phạt cao hơn, thậm chí BLTTHS 2015 còn cho phép tòa xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn tội danh mà VKS truy tố. Bây giờ VKSND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu truy tố bị cáo khoản 2 nhưng TAND TP Vũng Tàu thấy phải áp dụng khoản 3 Điều 149 BLHS 2015 thì sao? Chẳng lẽ lúc đó phải hoãn phiên tòa để chuyển vụ án lên TAND tỉnh cho đúng thẩm quyền?

Về kết luận giám định đối với Thảo cũng cần phải xem xét lại. Một người bị tâm thần như kết luận giám định chỉ có thể là người thực hành chứ khó có thể là người chủ mưu, tổ chức. Đã bị tâm thần mà còn biết thuê người khác theo dõi gia đình tình địch, nhiều lần lên kế hoạch hại con của tình địch trong một thời gian dài, trong thời gian đó vẫn công tác, làm việc bình thường thì thực tiễn chưa xảy ra bao giờ.

Vì vậy, tôi cho rằng TAND TP Vũng Tàu nên trả hồ sơ vụ án cho VKSND tỉnh để yêu cầu giám định tâm thần lại đối với Thảo và truy tố ra TAND tỉnh xét xử sơ thẩm.

Ông ĐINH VĂN QUẾ,
nguyên Chánh Tòa Hình sự TAND Tối cao

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm