Cần ‘nhạc trưởng’ cho tiểu vùng Nam Trung bộ

(PLO)- Ông Trần Tuấn Anh cho rằng cần có vai trò của Nhà nước như người “nhạc trưởng” trong việc điều phối cho điều phối vùng, liên kết vùng.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 24-6, lãnh đạo bốn tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận đã cùng ngồi lại tham dự buổi tọa đàm Liên kết phát triển tiểu vùng Nam Trung bộ trong bối cảnh mới.

Liên kết tiểu vùng Nam Trung bộ chưa đạt kỳ vọng

Ông Nguyễn Hữu Thế, Chủ tịch UBND Phú Yên, cho rằng liên kết tiểu vùng rất được kỳ vọng nhưng do nhu cầu phát triển, năng lực có hạn. Vì vậy các địa phương thường lo “gói ghém” cho mình.

Lãnh đạo bốn tỉnh Nam Trung bộ tham gia tọa đàm. Ảnh: HUỲNH HẢI.

Lãnh đạo bốn tỉnh Nam Trung bộ tham gia tọa đàm. Ảnh: HUỲNH HẢI.

Chủ tịch tỉnh Phú Yên cũng cho rằng khâu quy hoạch chưa được chú trọng, tầm nhìn quy hoạch để có không gian xuyên suốt giữa các tỉnh. Các tỉnh tự đi theo thế mạnh của mình.

“Qua quá trình phát triển, mọi người đều nhận diện ra tính cần liên kết, chia sẻ trong quy hoạch và tương hỗ để bổ sung lẫn nhau chứ không dẫm chân nhau”, ông Nguyễn Hữu Thế nói.

Chia sẻ tại tọa đàm, ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, cho hay Ninh Thuận có năm chương trình liên kết với rất nhiều tỉnh. Trong đó, chương trình đặc sắc nhất là liên kết với TP.HCM.

Ông Nam cho biết trước đây Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Thuận rất nhỏ. Tuy nhiên, nhờ sự hỗ trợ đặc biệt của Bộ Y tế và TP.HCM, bệnh viện đã trở thành hạng 1 và năng lực của đội ngũ y, bác sĩ cũng được nâng cao.

Đồng tình với ý kiến của các địa phương, ông Nguyễn Hoài Anh, Phó Bí thư tỉnh Bình Thuận, cho rằng trong quá trình liên kết vùng chưa thật sự gắn kết. Vì vậy, tính phát huy khả năng trong quá trình liên kết vùng chỉ dừng lại ở mức nhất định.

Theo ông Hoài Anh, một trong những hạn chế rõ nét nhất của liên kết tiểu vùng hiện nay là thiếu cơ chế. Phó Bí thư tỉnh Bình Thuận cho rằng thiếu thể chế mang tính ràng buộc nên sự liên kết mang tính lỏng lẽo.

Cần thành lập Hội đồng vùng

Phát biểu tại tọa đàm, ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, thống nhất ý kiến với lãnh đạo các địa phương. Ông Tuân cho rằng nếu không có nhạc trưởng thì liên kết vùng vẫn chỉ là phong trào.

Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: HUỲNH HẢI.

Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: HUỲNH HẢI.

Ông Tuân đề xuất cần Hội đồng vùng làm đầu mối triển khai các chủ trương chính sách phát triển kinh tế xã hội. Trong đó, Chính phủ cử một thành viên tham gia để trực tiếp theo dõi, chỉ đạo phối hợp với bộ ngành.

“Tôi tán đồng việc chúng ta tổ chức Hội đồng vùng căn cứ vào việc triển khai Nghị quyết của Đảng về phát triển kinh tế xã hội ở các vùng”, ông Tuân đề nghị.

Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa phát biểu thêm cần giao cho Ban cán sự Đảng có đủ thẩm quyền để điều phối và tập trung hoạch định phát triển kinh tế của các thành viên trong vùng.

Tham gia tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông, cho rằng các địa phương đã chủ động xác định được tiềm năng lợi thế và liên kết phối hợp để hình thành liên kết vùng, tiểu vùng tạo nên sức mạnh tổng hợp. Các địa phương đã liên kết tổ chức hội thảo xúc tiến đầu tư liên vùng, ít tổ chức riêng lẻ như trước đây.

Thứ trưởng Đông nhận xét liên kết liên vùng đầu tư giao thông, thủy lợi đạt kết quả cao. Các địa phương cũng có sự chia sẻ trong việc góp ý chính sách, quy hoạch vùng, kinh nghiệm xử lý quản lý nhà nước.

Ông Trần Duy Đông cũng đưa ra giải pháp cần lập một quy hoạch vùng là trung tâm để điều tiết liên kết vùng, đồng thời kiện toàn bộ máy chức năng thẩm quyền theo hướng Hội đồng vùng như Vùng Đồng bằng Sông Cửu Long.

Theo Thứ trưởng Đông, vùng kinh tế trọng điểm miền Trung hiện có 14 tỉnh thành, có quá nhiều địa phương, trải dài trên một diện tích lớn. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có kiến nghị Chính phủ xem xét, chia lại thành bảy vùng kinh tế.

“Hiện nay Chính phủ vẫn quyết định đến năm 2030 sẽ tiếp tục duy trì sáu vùng kinh tế trọng điểm. Sau năm 2030, có lẽ chúng ta sẽ tính toán lại”, ông Trần Duy Đông thông tin thêm.

Cần có vai trò của Nhà nước như người “nhạc trưởng”

Phát biểu kết luận tại tọa đàm, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh đánh giá các ý kiến tranh luận tại buổi tọa đàm rất ý nghĩa và quan trọng.

Ông Trần Tuấn Anh nhận xét các tham luận, nội dung tham gia thảo luận rất tập trung và bám sát vào tinh thần Nghị quyết 39. Đây cũng là nội dung, hoạt động trong khuôn khổ Đề án Tổng kết Nghị quyết 39.

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh thảo luận tại tọa đàm. Ảnh: HUỲNH HẢI.

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh thảo luận tại tọa đàm. Ảnh: HUỲNH HẢI.

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương kết luận liên kết phát triển tiểu vùng Nam Trung bộ nói riêng, Vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ đã được các cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai, mang lại kết quả trong thời gian qua.

Liên kết vùng, tiểu vùng bước đầu đã giải quyết được một số mâu thuẫn giữa các địa phương về thu hút đầu tư, xử lý tài nguyên môi trường, các vấn đề xã hội và phối hợp đề xuất chính sách giữa vùng, liên kết vùng.

Cụ thể là các mô hình, thể chế, diễn đàn liên kết phát triển khu vực duyên hải Miền Trung, liên kết hợp tác phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh Lâm Đồng, Khánh Hòa, Bình Thuận, Ninh Thuận… Những liên kết này trên thực tế đã góp phần kết nối được các cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông.

Tuy nhiên, ông Trần Tuấn Anh cũng cho rằng liên kết tiểu vùng Nam Trung bộ vẫn còn rất nhiều hạn chế, bất cập, thiếu hành lang pháp lý, cơ chế phối hợp và chế tài. Thực tiễn của liên kết vùng, tiểu vùng cần có những bước đi mạnh dạn hơn, mạnh mẽ hơn về cơ chế đổi mới, liên kết hiệu quả.

Trong đó, cần có vai trò của Nhà nước như người “nhạc trưởng” trong việc điều phối cho điều phối vùng, liên kết vùng. Nhất là thông qua công cụ quy hoạch và cơ chế chính sách trong quản lý và phân bổ nhân lực.

“Cần phải có vai trò “nhạc trưởng” của Nhà nước như báo cáo của các đồng chí nêu trong điều phối vùng, liên kết vùng”, ông Trần Tuấn Anh phát biểu.

Ông Trần Tuấn Anh thay mặt Ban Kinh tế và Ban Chỉ đạo tiếp thu vấn đề các đại biểu đã phân tích về nguyên nhân dẫn đến liên kết vùng, tiểu vùng chưa thực sự hiệu quả.

Nguyên nhân quan trọng nhất là những hành lang pháp lý và công tác tổ chức, cơ chế liên kết. Những hạn chế về tính định hướng của quy hoạch vùng tiến hành sau quy hoạch tỉnh, thiếu cơ chế phân cấp quản lý quy hoạch. Liên kết mới dừng lại ở cam kết và mang tính tự nguyện, thỏa thuận của lãnh đạo địa phương.

Ông Trần Tuấn Anh cho hay rất nhiều ý kiến rất thực chất, mạnh dạn. Ban Kinh tế Trung ương và Ban Chỉ đạo sẽ tiếp thu, ghi nhận và tiếp tục tập hợp phục vụ cho quá trình Tổng kết Nghị quyết 39.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm