Gây mất an toàn xã hội: Cần chế tài mới! - Bài 4

Cân nhắc xử phạt cầm cố, thế chấp CMND hoặc CCCD

Những ngày trước khi TP.HCM áp dụng Chỉ thị 16, chúng tôi đã có những ghi nhận thực tế từ hoạt động cầm cố, thế chấp CMND, CCCD để phản ánh, góp ý cho dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội; phòng chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy và phòng chống bạo lực gia đình. 

 Dự kiến nghị định mới sẽ thay thế Nghị định 167/2013, quy định cùng về các nội dung nêu trên.

Thực tế cho thấy nhiều người công nhân, sinh viên, lao động tự do vẫn cầm cố, thế chấp CMND, CCCD, thẻ sinh viên, giấy tờ xe...để có số tiền nhỏ xoay sở lúc rơi vào tình cảnh bí bách. 

Cầm CMND, CCCD để đóng tiền trọ, đổ xăng

Anh Nguyễn Khánh (ngụ huyện Bình Chánh, TP.HCM) làm nghề thợ hồ, thường xuyên rơi vào cảnh túng thiếu. Những lúc cạn tiền, anh thường chọn cách cầm CMND và giấy tờ xe máy để có được món tiền nhỏ đủ xoay xở đủ vài ngày.

Anh Khánh chia sẻ: “Tôi thường xuyên cầm CMND kèm giấy tờ xe ở các tiệm cầm đồ vào những lúc thắt ngặt như: xe hư, hết xăng hoặc đóng tiền trọ. Khi nào có tiền thì đến lấy lại”.

Một tiệm cầm đồ ở quận 6 đề bảng nhận cầm giấy tờ nhưng khi PV hỏi có nhận cầm CMND thì chủ tiệm từ chối. Ảnh: NGỌC LÀI

Cũng theo anh Khánh, ngoài chấp nhận cầm cố các loại giấy tờ tùy thân, nhiều tiệm cầm đồ còn nhận cầm cố giấy tờ có giá trị như sổ đỏ, sổ BHXH… Tuy nhiên, chủ tiệm thường xem xét rất kỹ lưỡng, giấy tờ và tài sản gắn liền phải chính chủ.

Em Hồ Hưng, sinh viên một trường đại học trên địa bàn quận 5, TP.HCM chia sẻ: “Xung quanh khu vực ký túc xá của tụi em có nhiều tiệm cầm đồ chấp nhận cầm giấy CMND và cà-vẹt xe máy. Việc sinh viên cầm tạm CMND và giấy tờ xe để có tiền đóng trọ, tiền ăn…để có món tiền nhỏ xoay sở lúc kẹt là rất bình thường”.

Có chuyện trục lợi sau khi cầm CMND

Tại tiệm cầm đồ X.H gần khu công nghiệp Tân Tạo, quận Bình Tân, TP.HCM, chủ tiệm này cho biết: “Công nhân ở khu công nghiệp Tân Tạo và công ty Pouyen thường cầm CMND và giấy tờ xe vào những ngày gần cuối tháng. Lúc này chưa có lương mà tiền thì hết, cho nên, họ cầm tạm rồi chuộc lại, lãi suất cũng không bao nhiêu, cũng không bị giữ xe”.

Người đàn ông này cho biết thêm, việc cầm cố bắt buộc phải có CMND và một loại giấy tờ có giá trị khác. Ví dụ, CMND kèm giấy tờ xe sẽ được cầm 1 triệu đồng, CMND kèm bằng lái xe máy, cà-vẹt xe thì được 1,5 triệu đồng.

Nhiều tiệm cầm đồ đã không còn mặn mà với dịch vụ cầm CMND, CCCD. Ảnh: NGỌC LÀI

Nghe đến việc dự thảo mới quy định không được cầm cố CMND, CCCD, chủ tiệm X.H tỏ ra ngạc nhiên: “Nếu quy định như thế thì tiệm tôi chỉ thể cầm cố xe máy, chẳng dại cầm CMND để bị phạt nặng như vậy. Nhưng như vậy, người túng thiếu càng thêm khổ. Có khi, họ chấp nhận “vay nóng” hơn là đi cầm cố xe máy, điện thoại…Theo tôi thì nên phạt những trường hợp nào cầm CMND/CCCD để làm bậy bạ gì đó thôi”.

Trong khi đó, anh M.H.H, chủ tiệm cầm đồ trên đường Bà Hạt, phường 8, quận 10, TP.HCM, lại thẳng thắn từ chối giao dịch cầm cố CMND.

“Từ trước giờ, tiệm tôi không cầm cố CMND bởi tiền lời không bao nhiêu mà dễ gặp rắc rối. Tôi nghe thông tin có tiệm trục lợi từ CMND, CCCD của người đến cầm, thanh lý CMND của khách bỏ lại không đến chuộc. Nếu CMND này được tẩy xóa, hoặc dùng vào các hành vi phạm tội thì hậu quả thật sự khó lường. Nhiều người mua lại CMND cũ để đi vay tiền qua app hoặc vay tín dụng”.

Theo anh H., tiệm nào cầm giấy tờ tùy thân thì sẽ thông báo trên bảng hiệu. Tuy nhiên, dịch vụ này gặp nhiều rủi ro, bởi thực tế, có nhiều người cầm tiền, để lại CMND rồi biến mất.

Sợ phiền phức, nhiều tiệm khác ghi rõ trên bảng hiệu “Không nhận cầm cố CMND, CCCD, thẻ sinh viên, hộ khẩu”.

Cân nhắc lợi-hại khi cấm triệt để

Bộ Công an đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội; phòng chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy và phòng chống bạo lực gia đình.

Dự kiến nghị định mới sẽ thay thế Nghị định 167/2013, quy định cùng về các nội dung nêu trên.

Trong đó, Bộ Công an đề xuất xử phạt 4-6 triệu đồng đối với nhóm hành vi sau: Thế chấp, cầm cố, nhận cầm cố, hủy hoại CMND hoặc CCCD; mua, bán, thuê, cho thuê CMND hoặc CCCD. Ngoài ra, người vi phạm còn buộc phải nộp lại CMND, CCCD hoặc số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm nêu trên.

Trong khi đó, Nghị định 167/2013 (đang có hiệu lực) quy định xử phạt 1-2 triệu đồng đối với hành vi thuê, mượn hoặc cho thuê, cho mượn CMND để thực hiện hành vi trái quy định của pháp luật; xử phạt 4-6 triệu đồng đối với hành vi thế chấp CMND để thực hiện hành vi trái quy định của pháp luật.

Như vậy, Nghị định 167/2013 quy định chỉ xử phạt các hành vi trên nếu mục đích là “để thực hiện hành vi trái quy định của pháp luật”, còn dự thảo bỏ cụm từ này, nghĩa là chỉ cần thuê, cho thuê,  cầm cố, thế chấp CMND hoặc CCCD là sẽ bị phạt.

Luật sư Bùi Quốc Tuấn, Đoàn luật sư TP.HCM, cho rằng việc cầm cố CMND đôi lúc giúp giải quyết khó khăn tạm thời của người dân trong lúc bí bách. Vì vậy, dự thảo nên xem xét những tình huống phát sinh trong thực tiễn, kế thừa quy định tại Nghị định 167/2013, nghĩa là chỉ xử phạt việc cầm cố, thế chấp CMND hoặc CCCD nhằm thực hiện một hành vi vi phạm pháp luật nào đó.

Tuy nhiên, Ls. Ths. Trần Thị Phương Dung, Đoàn luật sư TP.HCM thì ban soạn thảo dự thảo nên cân nhắc thực tế của mặt được và mặt trái trong việc cầm cố CMND, CCCD. Thực tế đã có tình trạng để lộ lọt thông tin cá nhân, dùng CMND, CCCD người khác đề vay tiền qua app gây nhiễu loạn xã hội. Nếu mặt trái quá nhiều thì cũng nên cấm triệt để hành vi cầm cố CMND, CCCD vì khó khăn trước mắt thì giải quyết bằng nhiều cách nhưng những hệ lụy của nó mang lại thì nặng nề.

Từng có tiệm cầm đồ bán lại CMND cũ

Trong đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm (từ 15-7 đến 14-9-2020) của Công an TP.HCM, Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an TP.HCM phối hợp với Công an xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh kiểm tra cơ sở cầm đồ DHP trên địa bàn. Thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện cơ sở này cầm cố 230 giấy tờ tùy thân các loại, gồm: CMND, CCCD, hộ chiếu, giấy đăng ký xe....

Cửa hàng cầm đồ này để rõ biển cầm CMND và hộ khẩu với giá 1 triệu đồng. Hết thời hạn cầm CMND, CCCD theo thỏa thuận, nếu khách cầm không mang tiền đến chuộc lại CMND, CCCD, cơ sở này sẽ bán lại những giấy tờ cá nhân trên để thu tiền.

Một số đối tượng, đặc biệt là ở các tỉnh thành đã lợi dụng sự dễ dàng trong thủ tục xin cấp lại CMND, CCCD bị mất để cầm cố CMND, CCCD lấy tiền sau đó bỏ luôn để xin cấp mới.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm