Cần tẩy chay kiểu buôn bán lườm nguýt, hét giá

(PLO)- Không chỉ chợ Bến Thành mà trên bình diện cả nước, cần có các giải pháp quyết liệt để giảm thiểu tình trạng nói thách, ảnh hưởng chung đến du lịch
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Nhiều du khách than phiền về tình trạng nói thách, hét giá tại chợ Bến Thành - điểm đến không thể thiếu của không ít du khách quốc tế khi đến TP.HCM. Tuy nhiên, thực tế tình trạng “chặt chém”, nói thách là vấn đề nan giải không chỉ xảy ra tại chợ này…

Những người buôn bán thường “trông mặt mà bắt hình dong”, tức hễ nhìn thấy du khách đi một mình hoặc nhìn bề ngoài phán đoán là khách lần đầu đến du lịch… thì người bán sẽ hét giá trên trời. Thậm chí còn có tình trạng bắt tay giữa một số hướng dẫn viên du lịch tự do với tiểu thương để “chặt chém” du khách.

Xin kể một câu chuyện có thật: Có lần tôi tư vấn cho du khách đến ăn món bánh đa cua ở một quán tại Hải Phòng. Khi du khách hỏi chủ quán thì được trả lời 30.000 đồng/tô nhưng lúc tính tiền lại đòi… 60.000 đồng/tô. Khách thắc mắc, chủ quán nói như quát rằng “bánh đa 30.000 đồng, cua 30.000 đồng, cả bánh đa và cua là 60.000 đồng”. Thấy thái độ của chủ quán dữ dằn, vị khách đành trả tiền nhưng cảm thấy ấm ức, buồn trong suốt chuyến đi.

Quan sát các chợ ở một số nước như Campuchia, Thái Lan…, tôi nhận thấy ít có chuyện họ đốt phong long, lườm nguýt, hét giá trên trời, ép khách mua mở hàng và chửi khách nếu không mua. Tiểu thương nào vi phạm, đồng nghiệp sẽ tẩy chay, bị cơ quan quản lý xử phạt nặng và bị khách hàng quay lưng.

Có thể cộng đồng tiểu thương ở những chợ này có quy ước riêng và bảo vệ nhau nên đã hình thành văn hóa mua bán thật thà, không “chặt chém”. Mặt khác, người Thái Lan quan niệm du khách đến Thái Lan ăn ngủ, giải trí, mua sắm… ở đâu cũng làm giàu cho người Thái. Vì vậy, họ ra sức niềm nở, chiều chuộng, dù khách không mua hàng hay sử dụng dịch vụ của mình.

Việt Nam thì khác, nhiều nơi xảy ra tình trạng nói thách, “chặt chém”. Do đó, chúng ta không nhìn riêng chợ Bến Thành mà cần nhìn chung để xây dựng văn hóa mua bán lịch sự, văn minh, hiện đại ở tất cả điểm đến. Thực tế những tiểu thương niêm yết giá rõ ràng, bán đúng giá niêm yết thì thường được khách tin tưởng, quay lại mua nhiều hơn.

Tuy nhiên, riêng với chợ Bến Thành - một địa điểm du lịch nổi tiếng không chỉ tại TP.HCM mà còn của cả nước thì cần có ngay các giải pháp quyết liệt để giảm thiểu tình trạng nói thách, ảnh hưởng chung đến du lịch. Theo đó, tôi đề xuất bên cạnh việc yêu cầu các quầy, sạp niêm yết, bán đúng giá, ban quản lý chợ cần lắp camera giám sát để kịp thời hỗ trợ tiểu thương, phát hiện gian lận và xử lý vi phạm. Đồng thời cần đưa ra cam kết như “Hàng mua ở chợ Bến Thành nếu bị lỗi được hoàn trả tiền theo quy định”. Quầy, sạp nào vi phạm thì rút giấy phép kinh doanh 3-6 tháng. Nếu tái phạm, cấm kinh doanh và truy tố theo luật định.

Đặc biệt, cần xây dựng văn hóa chợ Bến Thành theo hướng hàng chất lượng, giá hợp lý; thái độ, tinh thần phục vụ của tiểu thương phải tốt. Khi đó, khách vào chợ Bến Thành ai cũng được niềm nở chào đón, được tặng những nụ cười thân thiện, không lo bị hét “giá trên trời”. Nếu làm được như vậy thì chợ Bến Thành nói riêng và ngành du lịch nói chung mới phát triển bền vững, mới thu hút được khách du lịch, nhất là khách quốc tế.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm