Mới đây, UBND TP Cần Thơ có văn bản gửi cho Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp về việc tham gia ý kiến hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi dự án Nhà máy nhiệt điện Ô Môn IV.
Theo đó, TP có ý kiến về các vấn đề như sự phù hợp của dự án với quy hoạch tổng thể và quy hoạch sử dụng đất của địa phương; tác động hiệu quả kinh tế- xã hội; tác động môi trường; kết nối hạ tầng khu vực…
Đánh giá về tác động môi trường của dự án, cụ thể về khí thải, nhà máy sử dụng nhiên liệu là khí thiên nhiên, do đó khí thải của nhà máy được đánh giá là thấp hơn nhiều so với các loại nhà máy nhiệt điện khác.
Về nước làm mát, tổng lưu lượng nước làm mát của nhà máy khoảng 21 m3/giây. Theo tính toán của đơn vị tư vấn, trong trường hợp cả Trung tâm điện lực Ô Môn (gồm bốn nhà máy nhiệt điện) cùng vận hành thì nhiệt độ nước làm mát thải ra sông Hậu cao nhất là 38oC, thấp hơn nhiệt độ cho phép là 40oC theo quy định.
Một nhà máy nhiệt điện Ô Môn đang hoạt động. Ảnh: Internet
Về nước thải, Nhà máy nhiệt điện Ô Môn IV được trang bị hệ thống xử lý nước thải tập trung để xử lý nước thải nhiễm dầu, nhiễm hóa chất và hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt trước khi thải ra bên ngoài. Nước thải sau khi xử lý đạt quy chuẩn môi trường theo quy định.
TP đánh giá dự án Nhà máy nhiệt điện Ô Môn IV phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội, quy hoạch sử dụng đất của TP Cần Thơ, phù hợp với quy hoạch phát triển ngành của Bộ Công Thương và quy hoạch phát triển điện lưới quốc gia.
Dự án sẽ có những tác động, hiệu quả kinh tế-xã hội theo chiều hướng tích cực, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, tạo công ăn việc làm và tăng thu ngân sách. Dự án sẽ sử dụng công nghệ tiên tiến có công suất và hiệu suất cao, đồng thời đáp ứng tất cả tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường theo quy định hiện hành của Việt Nam.
Từ đó, UBND TP Cần Thơ đề nghị Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp xem xét phê duyệt dự án Nhà máy nhiệt điện Ô Môn IV với công suất khoảng 1.050 MW.