Theo số liệu từ Ban An toàn giao thông TP Cần Thơ, từ ngày 15-12-2018 đến 14-12-2019, trên địa bàn TP xảy ra 101 vụ tai nạn giao thông, làm chết 105 người, bị thương 27 người. Trong đó, số vụ tai nạn giao thông liên quan đến nồng độ cồn là 26 vụ (chiếm 25,7%).
Số liệu từ Phòng CSGT đường bộ, đường sắt (Công an TP Cần Thơ) cho biết tính từ ngày 12-12-2018 đến ngày 14-12-2019 qua tuần tra, kiểm soát đơn vị đã phát hiện và xử lý hơn 43.000 trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Trong đó, vi phạm về nồng độ cồn là gần 5.500 trường hợp (xe ô tô tải là 15 trường hợp, xe ô tô con là 119 trường hợp, còn lại là xe mô tô).
Ngành chức năng Cần Thơ thường xuyên tuần tra, kiểm soát, xử lý các vi phạm liên quan đến sử dụng rượu bia lái xe. Ảnh: CHÂU ANH
Từ các số liệu trên cho thấy dù chế tài xử lý người điều khiển phương tiện tham gia giao thông có sử dụng rượu bia đã có từ lâu nhưng chưa đủ sức răn đe, vẫn còn nhiều người vi phạm.
Đồng hành cùng Đội CSGT số 1 thuộc Phòng CSGT đường bộ, đường sắt Công an TP Cần Thơ, tối 30-12 chỉ trong khoảng 3 giờ tuần tra, kiểm soát, đã phát hiện và lập biên bản năm trường hợp có vi phạm nồng độ cồn. Trong đó, có trường hợp khi tiến hành đo nồng độ, kết quả cho ra là hơn 1,2 mg/1 lít khí thở.
Lý giải cho hành vi vi phạm của mình, những người vi phạm đều có lý lẽ riêng, như mới uống, uống ít, vì cả nể bạn bè nên uống vài ly,... Tuy nhiên, lực lượng chức năng vẫn kiên quyết xử lý nghiêm để răn đe.
Một trường hợp vi phạm về nồng độ cồn. Ảnh: CHÂU ANH
Người vi phạm nồng độ cồn ký biên bản. Ảnh: CHÂU ANH
Mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ký ban hành Nghị định số 100/2019 (thay thế Nghị định số 46/2016) quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Nghị định chính thức có hiệu lực từ ngày 1-1-2020, sửa đổi 21 điều với 39 hành vi và nhóm hành vi được sửa đổi, mô tả lại, bổ sung 55 hành vi, nhóm hành vi.
Nghị định số 100/2019 tăng mức xử phạt tối đa đối với các hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn, ma túy.
Cụ thể: Đối với người điều khiển xe ô tô vi phạm về nồng độ cồn ở mức 3 (mức cao nhất) có thể bị phạt tiền từ 30-40 triệu đồng, đồng thời tước giấy phép lái xe từ 22 tháng đến hai năm đối với người điều khiển phương tiện.
Lực lượng CSGT Công an TP Cần Thơ xử lý vi phạm. Ảnh: CHÂU ANH
Nhận định về nghị định mới, anh Lâm Chí Dũng (36 tuổi, ngụ huyện Châu Thành A, Hậu Giang), cho rằng nghị định mới về xử phạt hành vi uống rượu bia mang tính chất răn đe, hạn chế tình trạng tai nạn giao thông do say sỉn. Mức hình phạt mới tuy cao nhưng so với các vụ tai nạn thảm khốc có nguyên nhân từ bia rượu thì mức phạt này không quá nặng.
“Bản thân tôi, mai mốt khi có đi tiệc đám hay đi nhậu với bạn bè nếu gần nhà thi đi bộ, còn nếu đi xa thì sẽ đi xe ôm, taxi để không vi phạm” - anh Dũng cho biết.
Còn theo anh Nguyễn Đức Trung (34 tuổi, ngụ huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang), mức hình phạt quy định tại Nghị định 100/2019 là quá nặng. Anh Trung bày tỏ mỗi người có một sức uống khác nhau, nếu như sức uống khá nhưng chỉ dùng 1, 2 ly bia hay rượu là vẫn còn khả năng điều khiển tốt hành vi cá nhân và phương tiện giao thông.
“Nếu sức người ta uống được năm chai bia nhưng vì lịch sự nên uống 1, 2 ly bia thì thấm vào đâu. Nhưng là Nhà nước đã quy định thì sau này cũng phải chấp hành, tuy nhiên cái khó là lỡ đang đi làm mà có người mời vài ly thì gửi xe đi bộ về” - anh Trung bày tỏ quan điểm.
Cần Thơ kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm liên quan đến nồng độ cồn. Ảnh: CHÂU ANH
Ông Mai Minh Ngoan, Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông TP Cần Thơ, cho hay để tuyên truyền về nghị định mới của Chính phủ, văn phòng, ban đã khẩn trương biên soạn tờ rơi, pano, áp phích, đĩa CD với nội dung là các quy định trong công tác xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ, đường sắt theo Nghị định số 100/2019.
“Dự kiến đầu tháng 1-2010, sẽ tổ chức lễ ra quân năm an toàn giao thông, đồng thời tổ chức các hoạt động tuyên truyền diễu hành, thực hiện thông điệp đã uống rượu bia là không lái xe” - ông Ngoan thông tin thêm.