Cần Thơ thực hiện giải phóng mặt bằng cho cao tốc chậm nhất so các tỉnh

(PLO)- Trong khi các tỉnh  Hậu Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang và Cà Mau đã hoàn thành 100% việc đo đạc thực địa, kiểm kê tài sản trên đất, TP Cần Thơ chỉ mới đạt 49%.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Bộ GTVT vừa có Báo cáo về tình hình triển khai công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) và nguồn vật liệu xây dựng phục vụ cho dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021-2025.

Đối với đoạn Cần Thơ - Cà Mau (cao tốc Cần Thơ - Cà Mau), Bộ GTVT cho biết các tỉnh Hậu Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang và Cà Mau đã hoàn thành 100% việc đo đạc thực địa, kiểm kê tài sản trên đất. Chỉ riêng TP Cần Thơ chỉ mới đạt 49%. Theo Bộ GTVT, tỉnh Cà Mau đã hoàn thành phương án GPMB một số đoạn và đã trình Bộ GTVT trong tháng 9-2022.

Về mỏ cát đắp nền đường cho hai dự án thành phần thuộc cao tốc Cần Thơ - Cà Mau Bộ GTVT cho hay giai đoạn 2021-2025 và các giai đoạn tiếp theo, vùng ĐBSCL dự kiến triển khai đồng loạt nhiều công trình hạ tầng giao thông trọng điểm.

Theo số liệu tính toán, tổng nhu cầu cát đắp nền đường của các dự án khoảng 39 triệu m3, chưa kể các dự án giao thông khác do các địa phương đầu tư. Do đó, việc cung ứng nguồn cát tại khu vực ĐBSCL cho các dự án giao thông tại khu vực rất hạn chế.

Nhu cầu cát đắp nền đường cho cao tốc Cần Thơ - Cà Mau khoảng 18,5 triệu m3.

Cũng theo Bộ GTVT, nguồn cát sông phục vụ công trình xây dựng trong vùng chủ yếu tập trung tại các tỉnh có sông Tiền và sông Hậu đi qua. Tổng trữ lượng các mỏ đang khai thác khoảng 23 triệu m3, công suất khai thác hàng năm là 5,7 triệu m3. Theo nghiên cứu, trữ lượng dự kiến còn lại các mỏ trên khá lớn, tuy nhiên chất lượng cát kém và lẫn nhiều tạp chất, không bảo đảm các tiêu chuẩn của vật liệu cát đắp nền đường.

Đối với nguồn cát biển, theo khảo sát, hiện tỉnh Trà Vinh đã cấp phép khai thác một mỏ với trữ lượng còn lại hơn 1,1 triệu m3, sản lượng khai thác là 0,4 triệu m3/năm. Ngoài ra, còn có ba vị trí mỏ quy hoạch, trong đó, tỉnh Sóc Trăng có trữ lượng khá lớn với khoảng 13,9 tỉ m3, vị trí nằm cách bờ biển khoảng 40km.

“Bộ GTVT đã đề nghị tỉnh Sóc Trăng cho phép các đơn vị khai thác khoảng 5.000 m3 cát biển để thi công thí điểm. UBND tỉnh Sóc Trăng chưa cho phép với lý do: chưa có cơ sở để thực hiện công tác quản lý, quy hoạch và cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản, nên việc triển khai thi công thí điểm gặp nhiều khó khăn” - Báo cáo của Bộ GTVT nêu.

Từ các vấn đề vướng mắc trong quá trình triển khai, Bộ GTVT kiến nghị ông Lê Văn Thành, Phó Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các địa phương đẩy nhanh tiến độ công tác kiểm đếm, lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, hoàn thiện các thủ tục để thực hiện di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật...

Đồng thời, chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu dự án “Đánh giá tài nguyên khoáng sản phục vụ khai thác cát biển, đáp ứng nhu cầu san lấp các dự án đường cao tốc và hạ tầng giao thông, đô thị vùng ĐBSCL”, hoàn thành trong năm 2023. Cạnh đó, rà soát lại quy hoạch mỏ cát sông trong khu vực ĐBSCL bảo đảm nguồn cung cấp cho các dự án.

Bộ GTVT cũng kiến nghị Phó Thủ tướng chủ trì cùng với Bộ làm việc với các địa phương khu vực ĐBSCL để giải quyết nguồn cung cấp cát đắp cho các dự án trong khu vực, đặc biệt là dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Cần Thơ - Cà Mau

Cao tốc Cần Thơ - Cà Mau có tổng chiều dài tuyến gần 111km, với tổng mức đầu tư hơn 28.520 tỉ đồng, do Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (Bộ GTVT) làm chủ đầu tư. Đây là công trình giao thông đường bộ cấp I, đi qua địa bàn TP Cần Thơ và các tỉnh Hậu Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang và Cà Mau.

Điểm đầu cao tốc giao với tuyến nối đường Nam Sông Hậu - Quốc lộ 1 (thuộc quận Cái Răng, TP Cần Thơ), điểm cuối giao với đường hành lang ven biển phía Nam (thuộc huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau). Vận tốc thiết kế 100km/giờ, riêng tuyến nối theo quy mô đường cấp III đồng bằng, vận tốc thiết kế 80km/giờ.

Theo dự kiến, giai đoạn chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án từ năm 2022, cơ bản hoàn thành vào năm 2025 và đưa vào khai thác, vận hành từ năm 2026.

Cao tốc Cần Thơ - Cà Mau hoàn thành đưa vào khai thác góp phần đồng bộ tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Đồng thời, kết nối các trung tâm kinh tế, chính trị, các khu kinh tế, khu công nghiệp trọng yếu.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm