Tại Diễn đàn Doanh nghiệp 2024 "Khơi thông động lực tăng trưởng mới" do VCCI tổ chức chiều 12-4, các chuyên gia nhận định, kinh tế Việt Nam mặc dù có nhiều điểm sáng nhưng cộng đồng doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn.
Do đó, khôi phục các động lực tăng trưởng truyền thống và khơi thông các động lực tăng trưởng mới trở thành yêu cầu vừa mang tính cấp bách vừa mang tính chiến lược lâu dài trong năm 2024 và những năm tiếp theo.
Tăng cường năng lực doanh nghiệp
GS.TS Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính, ngân sách Quốc hội cho biết, quý I tăng trưởng kinh tế đạt kết quả tốt hơn so với cùng kỳ năm trước, với đóng góp lớn từ trụ cột xuất khẩu.
Nhưng để khai thác hiệu quả thị trường thế giới, chính các doanh nghiệp trong nước phải biết hỗ trợ, hợp tác lẫn nhau, cùng vai trò bà đỡ của các cơ quan nhà nước.
Đơn cử, muốn tăng cường xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc, Nhà nước cần có định hướng để doanh nghiệp trong nước bắt tay với nhau lập chuỗi cung ứng. Như thế từng nguồn lực nhỏ sẽ bổ trợ lẫn nhau tạo ra nguồn lực lớn.
Ông Cường cũng nhắc tới những chuyến thăm viếng nhộn nhịp của các tập đoàn đa quốc gia tới Việt Nam thời gian qua. Nhưng câu hỏi là doanh nghiệp trong nước đã đủ năng lực để bắt tay và đồng hành hay chưa? "Doanh nghiệp nội cần hợp tác với nhau, thì chúng ta mới có thể tiếp cận công nghệ, rồi biến những lợi thế của dòng vốn đầu tư nước ngoài thành lợi thế của mình", ông nói.
Tăng cường chất lượng xuất khẩu
Còn ông Ngô Sỹ Hoài - Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) cho rằng, cần quan tâm hơn tới chất lượng của hoạt động xuất khẩu. Hiện nay, các chi phí đầu vào tăng lên, kể cả chi phí nhân công nhưng giá xuất lại tăng không tương xứng.
“Hầu hết doanh nghiệp chúng tôi sản xuất theo mẫu mã đặt hàng của nước ngoài, bị ép giá rất nhiều. Như vậy, công sức, chi phí bỏ ra nhiều nhưng giá trị thu về ít. Về lâu dài, cách làm này không bền vững”, ông Hoài trăn trở.
Phó Chủ tịch VIFOREST đánh giá một số chính sách của Chính phủ đã phát huy hiệu quả với ngành gỗ. Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề tồn tại cần tiếp tục tháo gỡ, chẳng hạn như hoàn thuế GTGT.
Vị lãnh đạo hiệp hội cũng băn khoăn về sức mạnh của chuỗi cung ứng, của ngành gỗ, vì: “Cạnh tranh nước ngoài thì ít, cạnh tranh trong nước thì nhiều. Chính phủ, Quốc hội cần cơ chế nào đó để doanh nghiệp hợp nhất, đồng lòng”.
Xây dựng đội ngũ "sếu đầu đàn" hùng mạnh
Ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội, Viện trưởng Viện Kinh tế và Phát triển Doanh nghiệp - cho rằng, cần tập trung mở rộng thị trường xuất khẩu để khơi thông các đơn hàng. Khơi thông các nguồn vốn bằng cách giải quyết các vấn đề về trái phiếu, vốn ngân hàng, các nguồn vốn từ các quỹ còn chưa hiệu quả.
Đồng thời rà soát, tháo gỡ các thủ tục hành chính còn rườm rà; có các biện pháp củng cố hơn nữa niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp và giới đầu tư tư nhân; khơi thông nguồn nhân lực chất lượng cao.
Ông Quốc Anh cho biết thêm, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được ban hành từ 6 năm trước, nhưng đến nay chưa phát huy hiệu quả. Muốn khắc phục, Chính phủ cần xây dựng đội ngũ doanh nghiệp lớn, “sếu đầu đàn”, vừa tăng cường sức cạnh tranh trên sân chơi toàn cầu, vừa tạo bệ đỡ hỗ trợ, dẫn dắt các doanh nghiệp nhỏ trong nước tham gia cuộc chơi toàn cầu.