Cần xem xét bỏ 1 số luật không cần thiết

(PLO)- Việt Nam đã đạt được bước tiến dài và rất căn bản trong tự do kinh doanh. Người dân và doanh nghiệp (DN) đã có quyền tự do kinh doanh trong những nghề mà luật không cấm. Tuy vậy, vẫn còn không ít dư địa mở rộng và phát triển hơn nữa quyền tự do kinh doanh.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Đặc biệt, khi xây dựng luật pháp, phải tiếp cận theo phương pháp “chọn bỏ” trong soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật lĩnh vực kinh tế, dân sự và áp dụng nguyên tắc kể trên để sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật hiện đang theo nguyên tắc “chọn cho”, nhất là các luật chuyên ngành. Qua đó đảm bảo người dân được quyền kinh doanh những gì mà pháp luật không cấm như Hiến pháp 2013 đã định.

Tự do kinh doanh gắn liền với an toàn kinh doanh, giảm rủi ro pháp lý và chi phí tuân thủ. Để làm được như vậy, luật pháp phải rõ ràng, nhất quán, minh bạch và đặc biệt là dự đoán trước được; có hệ thống tài phán cung cấp dịch vụ công lý công bằng, tin cậy và hiệu quả; có thể chế thực thi luật pháp công tâm, công bằng, minh bạch và hiệu quả.

Trong điều kiện hiện nay, các yếu tố nói trên đều thiếu ở mức độ khác nhau. Một số giải pháp, nếu được thực hiện sẽ tăng đáng kể mức độ an toàn trong đầu tư kinh doanh, đồng thời cũng giảm đáng kể rủi ro pháp lý và chi phí tuân thủ cho nhà đầu tư và DN, như một số giải pháp dưới đây.

Bỏ thông tư, quyết định của các bộ như một loại văn bản quy phạm pháp luật trong hệ thống pháp luật nước ta.

Tập trung sửa đổi, bổ sung pháp luật trong lĩnh vực đầu tư, đất đai, xây dựng, môi trường và luật pháp quy định về ngành nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh tương ứng. Pháp luật trong lĩnh vực này còn thiếu cụ thể, thiếu nhất quán, chồng chéo, trùng lặp, mâu thuẫn… tạo chi phí tuân thủ lớn và gây nhiều rủi ro pháp lý cho nhà đầu tư và DN.

Trước hết nên xem xét, bỏ đi một số luật không còn cần thiết, hợp nhất một số luật có phạm vi điều chỉnh chồng lấn. Sau đó mới sửa đổi, bổ sung nâng cao chất lượng các văn bản còn lại.

Hạn chế tối đa và tiến tới loại bỏ hình sự hóa các quan hệ kinh tế dân sự. Các hoạt động kinh tế phát sinh hay dựa trên hợp đồng dưới mọi hình thức giữa các bên đều là việc kinh tế dân sự, không thuộc đối tượng áp dụng của luật hình sự. Bất cứ tranh chấp, hay vi phạm pháp luật trong các quan hệ nói trên đều có thể giải quyết qua tòa kinh tế dân sự.

Trong trường hợp luật pháp chưa rõ ràng, còn có nhiều cách hiểu và có thể áp dụng khác nhau thì sử dụng cách hiểu và cách áp dụng có lợi nhất cho người dân và DN.

Thực hiện cuộc cải cách thủ tục hành chính tư pháp tương tự như cải cách hành chính hành pháp đã thực hiện trong gần 30 năm nay. Từ đó, để quá trình giải quyết tranh chấp thương mại dễ dàng hơn, nhanh hơn, minh bạch hơn, ít tốn kém và đáng tin cậy hơn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm