Bộ Công thương chủ trì hội nghị bàn giải pháp phát triển thương mại, xuất nhập khẩu vùng ĐBSCL

(PLO)- Bộ Công thương tổ chức Hội nghị để cùng 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL bàn giải pháp đưa các hoạt động thương mại nội vùng, thương mại trong nước và xuất nhập khẩu của vùng khởi sắc mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam

Ngày 6-9, tại Cần Thơ, Bộ Công thương phối hợp với UBND TP Cần Thơ tổ chức Hội nghị xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Thứ trưởng Bộ Công thương Phan Thị Thắng.
Thứ trưởng Bộ Công thương Phan Thị Thắng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: NHẪN NAM

Hội nghị có sự tham gia của 200 đại biểu là lãnh đạo UBND các tỉnh, thành trong vùng, lãnh đạo các đơn vị liên quan thuộc Bộ Công thương, các Hiệp hội ngành hàng, đại diện các cơ quan, tổ chức hỗ trợ kinh doanh, các doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu, thương mại, dịch vụ logistic…

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công thương Phan Thị Thắng cho biết, khu vực ĐBSCL là một trong những đồng bằng lớn, phì nhiêu nhất Đông Nam Á và thế giới, là vùng sản xuất, xuất khẩu lương thực, vùng cây ăn trái nhiệt đới lớn nhất Việt Nam.

Với thế mạnh chủ yếu là sản xuất và chế biến thực phẩm, ĐBSCL đã trở thành trung tâm công nghiệp thứ ba của cả nước. Đây cũng là vùng đất quan trọng đối với Nam Bộ và cả nước trong phát triển kinh tế, hợp tác đầu tư và giao thương với các nước trong khu vực và thế giới.

Thời gian qua, chất lượng tăng trưởng của vùng được nâng lên với tỉ trọng công nghiệp và dịch vụ tăng nhanh. Tốc độ tăng GRDP sáu tháng đầu năm 2024 toàn vùng ước đạt 6,12%. Một số địa phương trong vùng đạt mức khá như Trà Vinh tăng 10,27%, Hậu Giang tăng 8,04%, Cà Mau tăng 6,96%.

Nửa đầu năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của vùng ĐBSCL đạt 19,5 tỷ USD, ghi nhận xuất siêu 6,6 tỉ USD. Trong đó, xuất khẩu hàng hóa đạt 13,1 tỉ USD, tăng 12,8% so với cùng kỳ năm trước. Ba địa phương có kim ngạch tỉ USD lần lượt là Long An, Tiền Giang và Đồng Tháp.

Về nhập khẩu, vùng ĐBSCL nhập khẩu hàng hóa đạt 6,48 tỉ USD trong nửa đầu năm 2024, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm trước. Hai địa phương có kim ngạch nhập khẩu tỉ USD của vùng là Long An và Tiền Giang.

Tuy nhiên, quy mô kinh tế của vùng chỉ chiếm hơn 12% so cả nước. Tăng trưởng kinh tế tại một số địa phương trong vùng còn chậm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế chưa đạt yêu cầu.

Cạnh đó, hoạt động liên kết vùng còn hạn chế, chưa đi vào chiều sâu; một số thỏa thuận liên kết còn mang tính hình thức; chưa hình thành được các cụm sản xuất, dịch vụ liên kết ngành. Hạ tầng giao thông kết nối liên vùng, hạ tầng kinh tế kỹ thuật cấp vùng chưa phát triển đồng bộ; khả năng thu hút nguồn lực đầu tư thấp, chất lượng nguồn nhân lực cải thiện chậm, chưa đáp ứng yêu cầu.

Theo Thứ trưởng Thắng, để ĐBSCL phát triển xứng tầm thì một trong những giải pháp quan trọng là thúc đẩy liên kết vùng trong xúc tiến thương mại và xuất nhập khẩu nhằm quy tụ và tối ưu các nguồn lực của các địa phương trong vùng phục vụ phát triển bền vững.

Từ đó, Thứ trưởng Bộ Công thương đề nghị các địa phương trong vùng cùng trao đổi và bàn thảo giải pháp tăng cường các mặt mạnh, giảm thiểu các mặt yếu nội tại của vùng để góp phần đưa các hoạt động thương mại nội vùng, thương mại trong nước và xuất nhập khẩu của vùng khởi sắc mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.

Theo đó, hội nghị sẽ cùng trao đổi về sáu nhóm vấn đề như phương hướng phát triển các nhóm ngành có lợi thế xuất khẩu của vùng về nông nghiệp, công nghiệp; Xây dựng thương hiệu hàng hóa chất lượng cao, tham gia sâu vào mạng lưới phân phối và chuỗi giá trị toàn cầu, phát triển thị trường xuất khẩu cho các sản phẩm thế mạnh của vùng; Phát triển dịch vụ logistics và sự phối hợp của doanh nghiệp phân phối trong hoạt động xuất nhập khẩu của vùng…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm