BS CKII Phạm Thị Ngọc Quyên, khoa Thần kinh BV ĐH Y Dược TP.HCM, cho biết bình thường trung tâm điều nhiệt tự nhiên ở não sẽ điều chỉnh (co giãn mạch máu, đào thải mồ hôi, tỏa nhiệt) để thân nhiệt luôn duy trì ở mức 37°C cho dù nhiệt độ môi trường bên ngoài có thay đổi như thế nào.
Sốc nhiệt nặng dễ đột quỵ nhiệt
“Khi hoạt động quá lâu dưới nắng nóng, con người dễ ngất xỉu. Ngất xỉu là một trong những dấu hiệu của sốc nhiệt do cơ thể bị mất nước và muối nhưng không được bù đủ kịp thời, cộng với việc cơ chế điều nhiệt bị trục trặc khiến thân nhiệt vượt quá ngưỡng cho phép. Ngoài ra, mặc quá nhiều lớp quần áo không thấm hút mồ hôi, dính bết trên da cũng làm nhiệt độ và mồ hôi không thoát ra được, dễ dẫn đến sốc nhiệt” - BS Quyên lý giải.
Theo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, tình hình thời tiết nắng nóng đang diễn ra rất gay gắt tại Nam Bộ và sẽ giảm sau ngày 8-5. Tuy nhiên, trong tháng 5 vẫn có những ngày xuất hiện nắng nóng 35-36°C.
Cũng theo BS Quyên, khi rơi vào tình trạng sốc nhiệt, trung tâm điều nhiệt lúc này bị tổn thương và biểu hiện thành các triệu chứng từ nhẹ đến nặng. Ban đầu thường khó chịu, mệt mỏi, vã mồ hôi nhiều, khát nước, tiếp theo phù chân, da nổi mẩn, ngất xỉu... “Tuy nhiên, được uống nước bù đủ lượng dịch, muối đã mất và nghỉ ngơi thì người bệnh sẽ tỉnh táo, cơ thể tự hồi phục mà không cần can thiệp y tế” - BS Quyên nói.
BS CKII Nguyễn Viết Hậu, Trưởng khoa Cấp cứu BV ĐH Y Dược TP.HCM, lưu ý một khi tế bào thần kinh bị tổn thương sẽ dẫn đến tình trạng sốc nhiệt nặng hơn. “Lúc này người bệnh có triệu chứng buồn nôn, nôn, chóng mặt, đau đầu, rối loạn tri giác, co giật, thậm chí hôn mê... có thể đã đột quỵ nhiệt, một bệnh lý nguy hiểm tính mạng. Chưa hết, tình trạng mất nước, mất muối, tụt huyết áp kéo dài sẽ gây thiếu máu gan, thận, tim mạch, ảnh hưởng đến chức năng nội tạng” - BS Hậu chia sẻ.
Làm gì để tránh sốc nhiệt?
Theo BS Quyên, để ngừa sốc nhiệt và đột quỵ nhiệt, những người thuộc nhóm nguy cơ cao nên hạn chế ra ngoài khi trời đang nắng nóng. Nếu buộc phải ra ngoài thì phải mặc áo quần dài thấm hút mồ hôi tốt kèm áo chống nắng, chống tia UV, đeo kính râm. “Đặc biệt khi mới ở ngoài trời nắng về không nên bật điều hòa quá lạnh hoặc tắm nước lạnh ngay. Nên nghỉ ngơi 13-15 phút để cơ thể điều chỉnh lại thân nhiệt ổn định, bớt mồ hôi” - BS Quyên khuyên.
Những ngày qua TP.HCM và các tỉnh Nam Bộ nắng nóng gay gắt, nhất là vào buổi trưa. Ảnh: TRẦN MINH |
Với người buộc phải lao động nhiều giờ ngoài trời, ngoài những chuẩn bị trên nên chủ động uống nước để bù lại lượng nước, muối đã mất qua mồ hôi. Hạn chế uống cà phê, rượu trước và trong khi làm việc, tránh gia tăng khả năng mất nước. Người quản lý lao động cần sắp xếp luân phiên để không ai phải làm việc quá lâu trong môi trường nắng nóng. Những người đã từng bị sốc nhiệt cần luôn mang theo một lọ muối hoặc đường để pha nước uống khi có dấu hiệu thiếu nước, sốc nhiệt.
BS Hậu cũng khuyến cáo để tránh nguy hiểm tính mạng khi sốc nhiệt, người bệnh cần được sơ cấp cứu kịp thời và đúng cách. Cần di chuyển ngay người bệnh ra khỏi vùng nhiệt độ cao và làm mát cơ thể càng nhanh càng tốt bằng cách tưới nước hoặc đặt người bệnh vào chậu nước lạnh. Ngoài ra, cũng có thể dùng khăn ướt đắp lên những chỗ tỏa nhiệt nhiều như nách, bẹn, trán để hạ nhiệt cấp tốc.
“Nếu người bệnh còn tỉnh táo, không nôn ói quá nhiều thì cho uống nước lọc, nước bù điện giải và gọi xe cứu thương. Riêng những bệnh nhân đã hôn mê, lơ mơ, không được cho uống nước để tránh hít sặc, tổn thương phổi. Trên xe cấp cứu, người bệnh cần được truyền bù dịch, nới lỏng quần áo. Xe cấp cứu cần mở cửa sổ để gió lùa vào thông thoáng, giúp người bệnh tránh bị tụt huyết áp sâu, dẫn đến tổn thương não, hủy cơ” - BS Hậu chia sẻ.
Những ai dễ có nguy cơ sốc nhiệt?
Người trên 65 tuổi, người có cơ địa yếu, có bệnh nền nặng, ung thư, đang dùng thuốc suy tim, lợi tiểu (giảm chức năng điều nhiệt); trẻ dưới bốn tuổi (chức năng điều nhiệt chưa hoàn chỉnh); công nhân, nông dân, vận động viên… thường xuyên hoạt động cường độ cao dưới nắng nóng hoặc trong môi trường nhiệt độ cao kéo dài; người sống trong khu vực đô thị ít cây cối và bóng râm; người uống không đủ nước, có thói quen uống rượu bia hoặc hút thuốc quá nhiều.
BS CKII PHẠM THỊ NGỌC QUYÊN,
khoa Thần kinh BV ĐH Y Dược TP.HCM