Cảnh báo trẻ mắc viêm não Nhật Bản do muỗi đốt

(PLO)- Các bệnh viện đang tiếp nhận một số trẻ mắc viêm não Nhật Bản do muỗi đốt - căn bệnh có thể để lại những di chứng thần kinh nặng nề và nguy cơ tử vong cao.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo các chuyên gia y tế, năm nay mùa mưa đến sớm hơn mọi năm, đây là điều kiện để muỗi sinh sôi phát triển, bùng phát các dịch bệnh nguy hiểm do muỗi truyền.

BS. Trương Hữu Khanh - Phó Chủ tịch Liên chi hội Truyền nhiễm TP HCM cho biết, bên cạnh sốt xuất huyết, viêm não Nhật Bản là căn bệnh có tỷ lệ tử vong cao do muỗi đốt. Trong tuần qua, TP HCM đã ghi nhận 3 trường hợp nhập viện vì viêm não cấp tính, trong đó có 1 ca dương tính với virus viêm não Nhật Bản. Phần lớn các ca mắc sống ở vùng nông thôn - nơi số lượng muỗi sinh sôi nhiều do năm nay miền Nam bắt đầu mùa mưa sớm. Tỉnh Nghệ An cũng phát hiện một trường hợp bị viêm não Nhật Bản ở huyện Thanh Chương vào ngày 25-5.

Cũng theo BS. Khanh, các năm trước, nhiều trẻ bị viêm não Nhật Bản diễn tiến nặng, phải thở máy, điều trị tích cực. Với cao điểm của bệnh viêm não Nhật Bản vào các tháng 5, 6, 7 hàng năm, nguy cơ dịch chồng dịch là rất lớn.

Người dân đưa trẻ đến VNVC tiêm vaccine phòng bệnh viêm não Nhật Bản. Ảnh: Ming Ngọc

Người dân đưa trẻ đến VNVC tiêm vaccine phòng bệnh viêm não Nhật Bản. Ảnh: Ming Ngọc

Bệnh viêm não Nhật Bản gây ra do virus viêm não Nhật Bản (Japanese encephalitis virus - JEV) truyền qua đường muỗi đốt, thường là muỗi Culex tritaeniorhynchus. Virus JEV tấn công khiến các mô não bị viêm. Bệnh diễn tiến nhanh, trẻ rơi vào lơ mơ, nôn ói, cứng cổ, đau đầu, co giật, toàn thân gồng duỗi hoặc ưỡn người, hôn mê, suy hô hấp.

Người chưa có miễn dịch với virus JEV đều có thể mắc bệnh, phổ biến ở trẻ dưới 15 tuổi, chiếm hơn 90% số ca mắc, đa số là trẻ 2-8 tuổi. Khoảng 30-50% trường hợp bị bệnh sẽ có di chứng thần kinh và tâm thần vĩnh viễn như: liệt nửa người, mất ngôn ngữ, động kinh, nghe kém hoặc điếc, rối loạn tâm thần, sống thực vật…

“Khu vực dân cư nuôi nhiều heo hoặc chim, có nhiều đồng ruộng là những nơi nguy cơ cao bùng phát các dịch bệnh do muỗi truyền vì đây là nguồn chứa virus và là khu vực muỗi sinh sôi phát triển. Muỗi Culex gây viêm não Nhật Bản có thể bay rất xa vào thành thị. Phòng ngừa bệnh chỉ có 2 cách. Cách thụ động là ngủ mùng, diệt muỗi nhưng cách này không thật sự hiệu quả vì không thể đảm bảo cả cuộc đời trẻ không tiếp xúc với nguồn lây. Cách phòng ngừa tốt nhất cho trẻ là chủng ngừa vaccine”, BS. Khanh nhấn mạnh.

Theo BS. Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC, hiện nay, nhiều dịch bệnh truyền nhiễm vào mùa cao điểm nhưng tỷ lệ tiêm chủng cho trẻ lại thấp, khiến trẻ không đủ miễn dịch chống lại các mầm bệnh. Đặc biệt nhiều gia đình cho biết trẻ đã được tiêm phòng vaccine theo Chương trình Tiêm chủng mở rộng nhưng không rõ đã tiêm vaccine viêm não Nhật Bản hay chưa, nên trẻ sẽ mắc bệnh khi chưa tiêm vaccine hoặc tiêm không đủ số mũi.

Việt Nam có 2 loại vaccine ngừa viêm não Nhật Bản gồm Jevax (Việt Nam) và Imojev (Nhật Bản). Đối với vaccine Jevax cần tiêm 3 mũi và nhắc lại mỗi 3 năm cho đến khi qua 15 tuổi. Vaccine Imojev tiêm 2 mũi cho trẻ em từ 9 tháng tuổi đến dưới 18 tuổi. Người từ 18 tuổi trở lên chỉ cần tiêm 1 mũi.

Trước nhu cầu tiêm chủng tăng cao do nhiều bệnh truyền nhiễm bùng phát, ngày 29/5/2022, Hệ thống VNVC khai trương Trung tâm tiêm chủng thứ 67 tại số 61 quốc lộ 1A, khu phố 4, thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức, Long An. VNVC Bến Lức là trung tâm VNVC thứ 2 tại Long An, giúp người dân huyện Bến Lức và các vùng lân cận như Đức Hòa, Cần Giuộc, Cần Đước... có thể trải nghiệm dịch vụ tiêm chủng vaccine cao cấp, an toàn với chi phí hợp lý. Đây là những nỗ lực liên tục của VNVC nhằm rút ngắn khoảng cách địa lý, hạn chế đi lại xa, tạo tâm lý thoải mái cho người dân tiêm vaccine phòng bệnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm