Sự thờ ơ của giới điện ảnh trước giải Cánh diều vàng (CDV) 2013 là điều có thể nhìn thấy trước, bắt đầu từ cách vận hành có nhiều bất ổn.
Những tín hiệu xuống dốc nhìn thấy trước
Đã có một thời ban tổ chức giải CDV tự hào đây chính là Oscar của Việt Nam. Chỉ từ năm 2006, lần đầu tiên các hãng phim tư nhân mới được đứng chung chiếu với các hãng phim nhà nước tranh giải CDV, thoát khỏi những dè bỉu về loại phim thương mại thuần giải trí. Và mới CDV 2012, gần như tất cả phim đình đám của các hãng phim nhà nước hoặc tư nhân đều có mặt tại giải thưởng này. Nhưng đến CDV 2013 lần này, tình thế hoàn toàn đảo ngược. Ban tổ chức phải gửi thư mời, thuyết phục, gia hạn thời gian tham dự giải mà vẫn chỉ có 10 trong khoảng 20 phim nhựa sản xuất trong năm gửi phim dự giải, trong đó vắng mặt nhiều bộ phim gây được sự chú ý như Ngọc Viễn đông, Mùa hè lạnh, Mỹ nhân kế…
Nếu nhớ lại việc ban giám khảo của giải CDV 2012 đã biến giải thưởng thành trò cười và những lời đàm tiếu thì sẽ không ngạc nhiên lắm với sự thờ ơ của giới làm phim dành cho giải CDV năm nay. Trước hết là việc những bộ phim dạng hài nhảm như Hello cô Ba, Lệnh xóa sổ… cũng lọt vào danh sách tranh giải năm ngoái. Sau đó là vô số lời chỉ trích từ dư luận khi hạng mục Diễn viên nữ chính phim truyền hình xuất sắc nhất được trao cho Elly Trần - một “hot girl” diễn xuất chưa tròn vai. Chưa hết, Tina Tình với diễn xuất vai nữ chính trong phim Long ruồi, bị truyền thông đánh giá là vừa cứng vừa đơ cũng ẵm giải Diễn viên nữ phụ xuất sắc nhất phim điện ảnh. Rồi CDV hạng mục Đạo diễn phim truyện điện ảnh xuất sắc nhất trao cho Charlie Nguyễn với phim Long ruồi - một phim hài nhiều sạn, thể hiện sự xuống tay nghề của vị đạo diễn này so với chính mình ở các phim Dòng máu anh hùng, Để mai tính cũng khiến dư luận trong và ngoài giới hụt hẫng, thất vọng sâu sắc với CDV 2012.
Phim Nhà có năm nàng tiên với tiêu chí gây cười giải trí trong dịp tết bị đánh giá là chất lượng làng nhàng cũng có mặt trong danh sách tranh giải CDV 2013.
Năm nay, ban tổ chức giải CDV có phần dễ dãi hơn. Có đến năm bộ phim được xem là “thảm họa điện ảnh” là Gia sư nữ quái, Đam mê, Cát nóng, Nhà có năm nàng tiên và Cưới ngay kẻo lỡ vẫn đường hoàng có tên trong danh sách tranh giải.
Các hãng phim tư nhân thờ ơ với giải thưởng
Trong sự dễ dãi của ban tổ chức CDV khi đã không kiên quyết loại bỏ những phim kém chất lượng, có thể thấy giải thưởng này còn gặp khó ở bối cảnh phim Việt đang đi theo mục đích kiếm tiền.
Đã qua lâu rồi cái thời các hãng phim nhà nước được rót ngân sách tiền tỉ để làm những bộ phim không bán được vé nhưng giành đủ các loại giải thưởng trong nước và gọi đó là phim nghệ thuật. Các hãng phim nhà nước bây giờ ra phim nhỏ giọt hằng năm vì không chạy đâu ra kinh phí nên các giải thưởng điện ảnh như CDV không thể trông chờ vào nguồn phim này nữa. Cũng đã qua rồi cái thời phim tư nhân, phim thị trường bị coi rẻ nên các hãng phim tư nhân bỗng đâm ra không mặn mà lắm việc làm những bộ phim nghệ thuật để chứng tỏ sự tồn tại hay vị thế của mình. Thậm chí cả một lớp đạo diễn Việt kiều từng hăm hở đổ về nước làm phim với tinh thần sáng tạo nghệ thuật ngày nào cũng xoay ra làm phim thị trường. Sau Dòng máu anh hùng hào hùng và hoành tráng, Charlie Nguyễn liền chạy theo những phim hài dễ dãi như Long ruồi, Cưới ngay kẻo lỡ. Sau Mùa len trâu công phu và đậm chất hoài cổ, Nguyễn Võ Nghiêm Minh gây thất vọng với bộ phim thị trường doanh thu kém Khi yêu đừng quay đầu lại. Sau Áo lụa Hà Đông trau chuốt và đậm chất thơ, Lưu Huỳnh có Lấy chồng người ta với công thức ăn khách sex và hở. Sau sự trong trẻo, hăm hở Chuyện tình xa xứban đầu, Victor Vũ lao vào những bộ phim đề tài thời thượng, ướt át như Cô dâu đại chiến, Scandal - Bí mật thảm đỏ…, may ra gỡ gạc một phần tiêu chí nghệ thuật bằng Thiên mệnh anh hùng.
Từ nhiều năm qua, số lượng các đầu phim trong nước hằng năm đang phụ thuộc phần lớn vào các hãng phim tư nhân. Song các phim tư nhân lại đặt mục tiêu làm phim ăn khách lên hàng đầu nên phim Việt chủ yếu vẫn là phim hài giải trí, rất khó tìm ra những vai diễn có giá trị sáng tạo nghệ thuật thật sự. Tình trạng này dẫn đến việc phim Việt ngày càng mất chất điện ảnh, nhiều phim bị biến thành phim truyền hình hay kịch pha tấu hài.
Với những thực tế đó, cộng thêm sự điều hành còn nhiều bất cập của cơ quan quản lý điện ảnh trong nước thì giải thưởng danh giá CDV năm nay thất bát là điều khó tránh khỏi.
Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát: Gửi giấy mời rồi mà một số hãng phim không trả lời Chúng tôi đã gửi giấy mời, thuyết phục rất nhiều nhưng một số nhà sản xuất phim vẫn không trả lời, không tham gia vào CDV 2013. Không hiểu giải thưởng này có gì khiến họ e ngại hay họ tự ti về phim của mình với những sự khen chê của dư luận? Chúng tôi đang so bó đũa chọn cột cờ bởi số lượng phim có hạn. |
HÒA BÌNH