Cảnh giác các cuộc gọi lạ làm “bốc hơi” hàng chục triệu đồng

(PLO)- Việc gọi điện thoại để lừa đảo tuy không mới nhưng các đối tượng luôn dùng những chiêu trò mới với thủ đoạn tinh vi để lừa đảo.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Thời gian qua đã có nhiều vụ việc lừa đảo thông qua gọi điện thoại thông báo người dân có khoản nợ cần thanh toán, gọi thông báo có con bị tai nạn, cần chuyển tiền để cấp cứu… Đã có nạn nhân bị lừa đảo mất hàng trăm triệu đồng.

Thực tế các cơ quan công an đã nhiều lần thông tin, khuyến cáo người dân cảnh giác trước những cuộc gọi lạ, tránh bị lừa đảo. Tuy nhiên, các đối tượng lừa đảo luôn dùng những chiêu trò mới với thủ đoạn tinh vi khiến nhiều người phải “tiền mất, tật mang”.

Dù không vay tiền nhưng chị NTH vẫn bị gọi điện thoại đòi nợ. Ảnh: HUỲNH THƠ

Dù không vay tiền nhưng chị NTH vẫn bị gọi điện thoại đòi nợ. Ảnh: HUỲNH THƠ

Gọi điện thoại thông báo có khoản tiền cần thanh toán

Chia sẻ với PV, chị NTH, sinh viên năm nhất của một trường ĐH tại TP.HCM, cho biết vừa qua chị nhận được cuộc gọi từ một số điện thoại lạ thông báo chị có một khoản nợ 8 triệu đồng, yêu cầu phải thanh toán gấp.

Theo chị H, người đó tự xưng là bên tín dụng, nói chị thiếu tiền họ, phải chuyển khoản trả ngay. Khi chị giải thích mình không thiếu nợ bất kỳ ai thì họ đọc rõ ràng họ tên, thông tin cá nhân, chị rất ngạc nhiên không biết vì sao họ có những thông tin này.

“Tôi liên tục khẳng định mình không vay mượn tiền thì họ chửi bới với những lời lẽ thô tục. Tôi tắt máy thì hôm sau họ lại gọi liên tục hù dọa, nói sẽ báo cơ quan công an truy bắt, khởi tố vụ án... Quá sợ hãi nên tôi phải vay mượn đủ 8 triệu đồng chuyển cho họ. Sau khi chuyển tiền, tôi mới bình tĩnh, suy nghĩ lại và hỏi bạn bè thì mới biết mình bị lừa” - chị H nói.

Cũng với chiêu trò gọi điện thoại thông báo có khoản tiền cần thanh toán nhưng thủ đoạn này không phải để thanh toán nợ mà thanh toán biên bản vi phạm giao thông. Anh TTK ở TP.HCM cho biết anh nhận được cuộc gọi thông báo có một biên lai vi phạm giao thông, số tiền cần nộp phạt là 3 triệu đồng.

“Họ gọi nói tôi có biên bản vi phạm, tôi nói mình không có vi phạm gì hết. Lúc này họ yêu cầu tôi cung cấp thông tin cá nhân để họ kiểm tra lại. Khi tôi không cung cấp, họ đe dọa sẽ xử lý theo quy định của pháp luật. Trước đây, tôi đã từng xem qua báo chí các trường hợp lừa đảo này nên cảnh giác không bị mất tiền” - anh K nói.

Gọi điện thoại thông báo học sinh bị tai nạn

Chị CTTN có con đang học tại trường tiểu học ở TP Thủ Đức cho biết chị cũng vừa bị lừa mất 100 triệu đồng. Cụ thể, chị nhận được cuộc gọi của một phụ nữ, tự xưng là nhân viên y tế trường nơi con chị đang học. Người này thông báo con chị vừa bị té, tình trạng đang nguy kịch tại bệnh viện (BV) và cần tiền phẫu thuật gấp.

Theo chị N, lúc nhận tin chị rất hoảng loạn và hoàn toàn tin tưởng lời họ nói là sự thật vì nói đúng họ tên của con mình, tên trường con đang học. Lúc này chị chỉ biết làm theo hướng dẫn của người gọi, chuyển ngay 50 triệu đồng vào tài khoản người này để họ đóng tạm ứng viện phí.

Sau đó, chị lập tức đến BV, trên đường đi người này tiếp tục gọi điện thoại và yêu cầu chuyển thêm 50 triệu đồng để chụp CT, xét nghiệm…

“Lúc đó, tâm trí tôi cũng còn quá hoảng loạn, chỉ lo cho con nên chuyển thêm 50 triệu đồng. Khi đến BV, tôi tìm không thấy con nên gọi lại số điện thoại trên thì máy đã bị khóa. Lúc này tôi mới nhớ đến giáo viên chủ nhiệm và gọi điện thoại để hỏi, giáo viên cho biết con tôi vẫn đang sinh hoạt bình thường. Lúc này tôi mới biết mình đã bị lừa” - chị T kể.

Tuyệt đối không chuyển tiền theo yêu cầu của ai, dù họ tự xưng đại diện cho bất cứ cơ quan nào.

Làm gì khi nhận được cuộc gọi lạ?

Trao đổi với PV, luật sư Trịnh Công Minh, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho biết khi nhận được các cuộc gọi như trên, người dân phải hết sức bình tĩnh, xác minh rõ vấn đề mình đang gặp để giải quyết.

Ví dụ như thông báo có khoản vay thì nên kiểm tra trên hệ thống CIC của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (https://cic.gov.vn), xem mình có khoản nợ nào không. Nếu báo thông tin có biên bản vi phạm giao thông thì truy cập địa chỉ http://www.csgt.vn để kiểm tra.

Gần đây nhất là một số vụ lừa đảo gọi cho người nhà thông báo có con đang học ở trường bị tai nạn. Người nhà cần chuyển tiền gấp để cấp cứu… Gặp trường hợp này, người dân cần bình tĩnh gọi ngay cho giáo viên chủ nhiệm, nhà trường, BV... hoặc đến trực tiếp trường học, BV để xác minh thông tin.

Cũng theo luật sư Trịnh Công Minh, khi có dấu hiệu nghi ngờ bị lừa đảo, người dân không được cung cấp thông tin cá nhân như CMND/CCCD, số tài khoản ngân hàng cho bất kỳ ai. Tuyệt đối không chuyển tiền theo yêu cầu của ai, dù họ tự xưng đại diện cho bất cứ cơ quan nào.

Nếu thấy bản thân có dấu hiệu bị lừa đảo nên thu thập toàn bộ chứng cứ như biên lai chuyển tiền, ảnh chụp tin nhắn, sao kê tài khoản để tố giác hành vi lừa đảo đến cơ quan có thẩm quyền kịp thời xử lý.•

Mức phạt với hành vi chiếm đoạt tiền

Ở mức độ xử phạt hành chính, căn cứ điểm c khoản 1 Điều 15 Nghị định 144/2021, phạt tiền 2-3 triệu đồng với hành vi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản… Ngoài ra còn bị áp dụng xử phạt bổ sung tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm.

Ở mức độ xử lý hình sự, căn cứ theo Điều 174 BLHS năm 2015, sửa đổi năm 2017, người có hành vi chiếm đoạt tài sản trị giá từ 2 triệu đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc trong trường hợp (bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm…) thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm; chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50 triệu đến dưới 200 triệu đồng sẽ bị phạt tù 2-7 năm; chiếm đoạt tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên thì bị phạt tù 12-20 năm hoặc tù chung thân…

Luật sư TRỊNH CÔNG MINH, Đoàn Luật sư TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm