Cảnh giác với cuộc gọi của CSGT dỏm lúc nửa đêm

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
 Video: Cảnh giác với cuộc gọi của CSGT dỏm lúc nửa đêm

Thời gian gần đây, nhiều bạn đọc phản ánh về việc bị nhiều số điện thoại lạ gọi đến tự xưng là số tổng đài CSGT, thông báo họ có biên lai “phạt nguội” do vi phạm luật giao thông hoặc liên quan đến các vụ tai nạn nghiêm trọng.

Điển hình, anh LVT (trú quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết cách đây ít ngày, lúc 22 giờ, anh bị đánh thức bởi cuộc điện thoại có đầu số +1844498… Người bên kia đầu dây xưng là tổng đài viên của Cục CSGT, đề nghị anh cung cấp họ tên, số CCCD…

Người dân cần cảnh giác với những cuộc gọi lúc nửa đêm báo có vi phạm
pháp luật. Ảnh: TUYẾN PHAN

Sau khi cung cấp các thông tin cá nhân, anh T được thông báo mình vượt đèn đỏ, gây tai nạn rồi bỏ chạy ở Đà Nẵng, đang bị cơ quan công an điều tra.

Bất ngờ và lo lắng, anh T nói mình không hề di chuyển vào Đà Nẵng nên không thể vi phạm, đầu dây bên kia liền cho rằng có thể anh làm rơi giấy tờ nên bị giả mạo. Sau một lúc trao đổi, trước thái độ kiên quyết của anh T, đối phương chủ động dập máy.

Tương tự, ông NMS (trú quận Thanh Xuân, Hà Nội) cũng nhận được cuộc điện thoại từ số +16554690…, thông báo ông vi phạm lỗi vượt đèn đỏ, gây tai nạn và bị phạt đến 16 triệu đồng. Hỏi qua đáp lại khoảng 15 phút, ông S nhận thấy nhiều điểm vô lý, nghi là lừa đảo nên kết thúc cuộc thoại.

Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông, Cục CSGT, Bộ Công an, cho biết đây là chiêu thức lừa đảo không mới nhưng vẫn có nhiều người nhẹ dạ cả tin bị mắc lừa.

Theo quy định, tất cả trường hợp vi phạm trật tự, an toàn giao thông được phát hiện thông qua hệ thống giám sát hoặc các thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ (còn gọi là “phạt nguội”), CSGT sẽ gửi thông báo bằng văn bản tới chủ phương tiện hoặc người điều khiển phương tiện vi phạm và đề nghị tới đơn vị phát hiện vi phạm để xử lý.

Ngoài ra, khi đi đăng kiểm phương tiện, nếu có vi phạm, người vi phạm sẽ được cơ quan đăng kiểm thông tin về trường hợp vi phạm của mình và đề nghị tới đơn vị CSGT phát hiện vi phạm để xử lý.

Do vậy, khi nhận được giấy thông báo vi phạm của cơ quan chức năng, đến ngày hẹn, chủ xe hoặc người điều khiển phương tiện mang đầy đủ giấy tờ cần thiết đến trụ sở đơn vị CSGT ra thông báo để làm việc.

Cũng theo Cục CSGT, với chiêu thức cuộc gọi mạo danh trên, nếu nạn nhân không tỉnh táo, các đối tượng sẽ yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản hoặc cung cấp mã OTP để chuyển tiền vào tài khoản của chúng với vỏ bọc xác minh, điều tra, xử lý “phạt nguội”. Nạn nhân còn được yêu cầu giữ bí mật với gia đình, kể cả nhân viên ngân hàng về mục đích chuyển tiền, nhằm che giấu mục đích chiếm đoạt.

Cục CSGT khẳng định các đơn vị CSGT không gọi điện thoại thông báo vi phạm trật tự, an toàn giao thông, không yêu cầu người vi phạm chuyển tiền nộp phạt vào bất kỳ tài khoản nào.

Trường hợp nào người dân nhận được tin nhắn
của cơ quan chức năng?

Trường hợp người dân nhận được tin nhắn thông báo số biên bản xử phạt vi phạm hành chính, điều này chỉ xảy ra khi người vi phạm chủ động sử dụng Cổng dịch vụ công quốc gia.

Theo đó, khi bị lập biên bản vi phạm, người dân cung cấp số điện thoại cho cán bộ CSGT. Số biên bản xử phạt sẽ được gửi qua tin nhắn cho người vi phạm, người vi phạm có thể dễ dàng kiểm tra lại biên bản vi phạm của mình trên Cổng dịch vụ công quốc gia và thực hiện các dịch vụ trực tuyến.

Cục CSGT 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm