Cảnh sát thông báo thủ đoạn lừa đảo trên mạng, đường dây đưa người sang Campuchia

(PLO)- Các nạn nhân xuất cảnh trái phép đều bị đưa vào tổ chức hoạt động lừa đảo, bị cưỡng ép lao động, nếu muốn về thì gia đình nộp tiền từ 3.000 - 20.000 USD.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Bình Thuận vừa có thông báo về hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng và chỉ ra những thủ đoạn, phương thức tội phạm để người dân cảnh giác.

Hình ảnh các bé gái chuẩn bị lên xe khách từ Bắc Giang vào Nam chuẩn bị sang Campuchia được Công an Bình Thuận giải cứu vào tháng 6-2022. Ảnh trích xuất từ camera.
Hình ảnh các bé gái chuẩn bị lên xe khách từ Bắc Giang vào Nam chuẩn bị sang Campuchia được Công an Bình Thuận giải cứu vào tháng 6-2022. Ảnh trích xuất từ camera.

Thủ đoạn không mới, cách tiếp cận ngày càng tinh vi

“Thời gian qua, hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản tiếp tục diễn biến phức tạp, mặc dù thủ đoạn không mới song cách thức tiếp cận ngày càng tinh vi, chuyên nghiệp, nhất là lừa đảo qua mạng Internet, mạng viễn thông gây thiệt hại lớn về tài sản, với số lượng lớn bị hại tham gia tại nhiều địa phương, gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng an ninh trật tự, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống nhân dân” - Phòng Cảnh sát hình sự cho biết.

Gần đây, hoạt động lừa đảo trên không gian mạng có chiều hướng gia tăng, nổi lên với các thủ đoạn như thông qua hoạt động của các sàn đầu tư chứng khoán quốc tế, giao dịch vàng, ngoại hối, quyền chọn nhị phân, giao dịch tiền ảo, dự án bất động sản...

Đối tượng lừa đảo luôn tạo các trang cá nhân bán hàng online để rao bán những mặt hàng và yêu cầu người mua hàng phải chuyển khoản trước tiền đặt cọc, sau khi nhận được tiền, đối tượng không giao hàng hoặc giao hàng giả, hàng kém chất lượng, sau đó khóa trang của mình, bỏ số điện thoại liên lạc để xóa dấu vết và chiếm đoạt tiền.

Đăng tin tuyển cộng tác viên bán hàng online trên các trang mạng xã hội (Facebook, Zalo, Tiktok...), nhận làm việc tại nhà, không mất thời gian di chuyển, bỏ tiền tạm ứng hoặc thanh toán trước đơn hàng khoảng vài trăm nghìn để đặt hàng.

Sau đó, nhận tiền công kèm theo lãi đơn hàng và tiền thưởng, tuy nhiên sau khi thanh toán đơn hàng và đặt hàng, nạn nhân bị chiếm đoạt số tiền tạm ứng hoặc thanh toán đơn hàng.

Tạo các Website hoặc ứng dụng vay tiền online, khi nạn nhân hoàn tất thủ tục, đối tượng gửi cho nạn nhân đường link để tạo tài khoản vay tiền, sau đó đối tượng thông báo tài khoản lập bị lỗi đề nghị nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản của chúng, khi nhận được tiền bọn chúng chặn liên lạc với nạn nhân...

Người anh trai đưa thi thể em ruột là anh Nguyễn Xuân Được (bị dụ dỗ sang Campuchia sau đó phải tự tử) đi hỏa táng đưa tro cốt về La Gi, Bình Thuận. Ảnh: PHONG BỤI

Người anh trai đưa thi thể em ruột là anh Nguyễn Xuân Được (bị dụ dỗ sang Campuchia sau đó phải tự tử) đi hỏa táng đưa tro cốt về La Gi, Bình Thuận. Ảnh: PHONG BỤI

Những đường dây tội phạm có tổ chức tại Việt Nam và Campuchia

Đặc biệt là thủ đoạn lừa đưa người qua nước ngoài làm việc nhẹ lương cao với những đường dây phạm tội có tổ chức, thực hiện tại Việt Nam và Campuchia, được chia nhỏ từng khâu công việc khác nhau.

Các đối tượng dùng mạng xã hội đăng các bài quảng cáo, tuyển lao động với nội dung cam kết “việc nhẹ, lương cao” hoặc làm quen thông qua bạn bè, người quen để rủ rê, giới thiệu sang Campuchia làm việc.

Nạn nhân mà các đối tượng nhắm vào có độ tuổi từ 18 đến 35 tuổi. Khi đăng ký xin việc thì các đối tượng dụ dỗ, lôi kéo hướng dẫn, đón người hỗ trợ làm thủ tục xuất cảnh sang Campuchia hoặc qua các đường tiểu ngạch khác để xuất cảnh trái phép.

Sau khi các nạn nhân đã qua Campuchia thì bị đưa vào làm việc tại các cơ sở, tổ chức hoạt động lừa đảo như: Đánh bạc trực tuyến, kinh doanh tiền ảo... trên không gian mạng.

Trong quá trình làm việc, các nạn nhân bị quản lý chặt chẽ, cưỡng ép lao động từ 12 - 16 giờ mỗi ngày. Nếu không thực hiện theo yêu cầu thì nạn nhân sẽ bị nhốt, đánh đập, bỏ đói và yêu cầu gọi điện về cho gia đình nộp tiền “chuộc” từ 3.000 - 20.000 USD mới cho về nước.

Các đối tượng cầm đầu hoạt động cưỡng bức và đòi tiền chuộc, cưỡng đoạt tài sản là các đối tượng người nước ngoài tại Campuchia, có sự tham gia, giúp sức của các đối tượng người Việt Nam hoạt động tại Campuchia.

Người mẹ lập bàn thờ cúng vọng con trai sau khi con bị lừa sang Campuchia và phải tự tử. Ảnh: NL

Người mẹ lập bàn thờ cúng vọng con trai sau khi con bị lừa sang Campuchia và phải tự tử. Ảnh: NL

Các loại tội phạm trên tuy có nhiều phương thức, thủ đoạn khác nhau nhưng cách thức để chiếm đoạt tiền đều thông qua tài khoản ngân hàng (sau khi nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản do chúng yêu cầu thì các đối tượng nhờ người khác đến ngân hàng hay ra trụ ATM để rút tiền hoặc sử dụng dịch vụ Internet Banking để chuyển tiền qua các tài khoản trung gian rồi chiếm đoạt).

Quá trình hoạt động phạm tội, các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản thường xuyên thay đổi thông tin điện thoại, tài khoản mạng xã hội, tài khoản ngân hàng, sử dụng tài khoản ảo, thay đổi địa bàn hoạt động, nơi cư trú nhằm đối phó với công tác phòng ngừa, xử lý của cơ quan chức năng.

Hành vi của loại tội phạm này rất tinh vi, sử dụng công nghệ cao, chiếm đoạt số tiền rất lớn, gây hoang mang trong quần chúng nhân dân, ảnh hưởng đến tình hình ANTT tại địa phương. Do đó người dân phải hết sức cảnh giác, tỉnh táo để không trở thành nạn nhân của các thủ đoạn lừa đảo vừa nêu.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm