Ngày 14-3, TAND cấp cao tại TP.HCM xử phúc thẩm tuyên huỷ bản án hành chính giao về cấp sơ thẩm giải quyết lại vụ ông Phạm Hoàng Việt kiện Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Chuyển phát chuyển phát nhanh, Cục Hải quan TP.HCM liên quan đến một cặp đôn gốm mua đấu giá từ Pháp về.
HĐXX nhận thấy cấp sơ thẩm chưa thu thập đầy đủ các tài liệu như Biên bản vi phạm hành chính ngày 15-5-2019 làm căn cứ cho Quyết định xử lý vi phạm hành chính của Hải quan Chuyển phát nhanh tịch thu cặp đôn gốm. Đồng thời, cấp sơ thẩm chưa lấy lời khai của những người chứng kiến khi lập biên bản vi phạm hành chính và cần phải đưa họ tham gia tố tụng.
Đáng chú ý, hồ sơ vụ án có hai bản kết luận giám định đối với tang vật, cổ vật mâu thuẫn nhau. Phòng quản lý di sản thuộc Sở Văn hóa, Thể thao TP.HCM kết luận cặp đôn gốm là vật phẩm văn hóa được phép lưu hành; trong khi Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 cho là hàng hóa đã qua sử dụng, cấm nhập khẩu. Các kết luận này chưa đủ cơ sở để quyết định, nên cần trưng cầu giám định ở cơ quan giám định cấp cao hơn.
Hình ảnh kết quả giám định cặp đôn. Ảnh: HS
Theo hồ sơ, tháng 6-2018, ông Việt mua cặp đôn gốm Cây Mai, thuộc dòng gốm Sài Gòn xưa từ thế kỷ 19 của nhà đấu giá Asium ở Paris (Pháp) và nhờ người thân chuyển về TP.HCM. Việc vận chuyển thông qua Công ty TNHH TNT Express Worldwide, Chi nhánh TP.HCM.
Ngày 13-8-2018, cặp đôn được chuyển về đến sân bay Tân Sơn Nhất, kiểm tra thực tế lô hàng, Chi cục Hải quan Chuyển phát nhanh không cho thông quan do "hàng tiêu dùng đã qua sử dụng, cấm nhập khẩu”.
Kết quả trưng cầu giám định của Phòng kiểm tra Văn hóa phẩm xuất nhập khẩu, Sở Văn hóa - Thể thao TP.HCM xác định "cặp đôn bằng gốm men nhiều màu, kiểu gốm Sài Gòn xưa dùng để trang trí, đồ giả cổ, mô phỏng một ngôi miếu, có thể hiện hình người và tượng thần hộ pháp là hàng hóa được phép nhập khẩu", không vi phạm Nghị định 32/2012 của Chính phủ về quản lý xuất nhập khẩu văn hóa phẩm không nhằm mục đích kinh doanh.
Tuy nhiên sau đó, Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 cho là "hàng đã qua sử dụng, thuộc danh mục cấm nhập khẩu" theo Thông tư 12/2018 của Bộ Công Thương.
Ông Việt khiếu nại việc ra quyết định tạm giữ hai chiếc đôn và kết quả giám định nhưng không được. Theo Chi cục Hải quan, ông Việt đã có hành vi nhập khẩu hàng hóa thuộc danh mục hàng cấm nhập khẩu, vi phạm Khoản 10 Điều 14 Nghị định 127/2013 của Chính phủ.
Sau đó, ông Việt khởi kiện Chi cục trưởng Chi cục Hải quan chuyển phát nhanh ra TAND TP.HCM yêu cầu hủy bỏ các quyết định tạm giữ tài liệu, tang vật; quyết định tịch thu tang vật và yêu cầu cho thông quan cặp đôn.
Theo người khởi kiện, mục đích của việc cấm nhập khẩu hàng hóa ngoại thương đã qua sử dụng là nhằm bảo vệ môi trường và các ngành sản xuất trong nước trước hàng hóa cùng loại, kém chất lượng, giá thành thấp. Trong trường hợp của ông hàng hóa là vật phẩm văn hóa lưu niệm, không có tính thương mại, số lượng chỉ có một nên việc xử lý của cơ quan hải quan không thấu tình, đạt lý và trái pháp luật.
Xử sơ thẩm, tháng 6-2020, TAND TP.HCM bác yêu cầu khởi kiện của ông Việt vì cặp đôn nhập khẩu là "hàng đã qua sử dụng thuộc danh mục cấm".