Cát nhập khẩu đủ cung cấp cho các dự án giao thông phía Nam

(PLO)- Campuchia có chủ trương xuất khẩu cát, với sản lượng đủ cung cấp lâu dài cho các dự án phía Nam, đúng thời điểm các dự án đường cao tốc đang thiếu vật liệu sàn nền, đắp đường.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Bắc

Trong báo cáo kết quả thực hiện hoạt động chất vấn vừa gửi đến Quốc hội, Bộ GTVT cho biết cát nhập khẩu từ Campuchia có thể là giải pháp cho tình trạng một số dự án giao thông phía Nam thiếu cát đắp nền đường.

Báo cáo cho biết trước tình trạng thiếu cát cho các dự án hạ tầng lớn, Thủ tướng giao các bộ, ngành nghiên cứu phương án nhập khẩu cát từ Campuchia. Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan tổ chức đoàn công tác đi Campuchia.

cát nhập khẩu từ Campuchia.jpeg
Campuchia có nguồn cát dồi dào và sẵn sàng xuất khẩu cát, đáp ứng nhu cầu lâu dài của các dự án hạ tầng phía Nam. Trong ảnh là dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau. Ảnh: CHÂU ANH

Kết quả làm việc cho thấy trữ lượng cát của Campuchia phục vụ san lấp, xây dựng là dồi dào, cung cấp đủ cho nhu cầu trước mắt và lâu dài của các tỉnh phía Nam. Hoạt động cung cấp cát không có vướng mắc về chủ trương, chính sách của Chính phủ hai nước, và đây là nguồn cung lớn cho các dự án.

Về phía Hiệp hội bất động sản TP.HCM cũng đã khảo sát, theo đó phía Campuchia có thiện chí xuất khẩu cát sang Việt Nam với trữ lượng khoảng 100 triệu m3 thời gian khai thác trong 1 năm.

Để huy động nguồn cát nhập khẩu từ Campuchia, Hiệp hội đề nghị UBND TP.HCM làm đầu mối làm việc với phía bạn để thực hiện các thủ tục, đồng thời giao cho một doanh nghiệp quân đội phía Nam làm đầu mối ký hợp đồng để phân phối.

Về giải pháp cát biển, Bộ GTVT cho biết đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành thí điểm sử dụng cát biển làm nền đường, kết quả đã được báo cáo Thủ tướng. Trên cơ sở đó, bộ đã có văn bản hướng dẫn các địa phương trong việc sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường cho các dự án giao thông.

Tuy nhiên, việc thí điểm sử dụng cát biển làm nền đường mới chỉ thực hiện với quy mô nhỏ, cấp thiết kế thấp hơn đường bộ cao tốc, chất lượng cát biển mới được nghiên cứu cho một khu vực (mỏ cát biển tỉnh Trà Vinh).

Vì vậy Bộ GTVT đề nghị và được Chính phủ cho phép tiếp tục thí điểm mở rộng. Hiện nay, Bộ GTVT đang triển khai thí điểm mở rộng sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường tại dự án thành phần đoạn Hậu Giang - Cà Mau thuộc tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam, với lượng cát biển dự kiến sử dụng 2 triệu m3 cát.

Cạnh đó, Quảng Ninh, Hải Dương cũng đang thí điểm sử dụng cát biển làm đường giao thông, san nền.

Từ kết quả ban đầu này, Bộ GTVT đang tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, các đơn vị liên quan đẩy nhanh việc thí điểm cát biển làm nền đường. Tập trung thí nghiệm chỉ tiêu cơ lý, hoá học của cát biển tại một số khu vực khác như Hải Phòng, Vũng Tàu… và tổ chức thi công thí điểm mở rộng tại một số dự án tại các khu vực này, như dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng.

Cạnh đó, bộ sẽ phối hợp với Bộ KH&CN, Bộ NN&PTNT hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn về ngưỡng chịu mặn của cây trồng vật nuôi để áp dụng thí điểm mở rộng phù hợp với điều kiện thực tế tại các địa phương. Đồng thời phối hợp với Bộ Xây dựng trong xây dựng định mức để áp dụng.

Ngoài ra, Bộ GTVT có văn bản gửi các chủ đầu tư rà soát, tổng hợp nhu cầu sử dụng cát biển gửi UBND tỉnh Sóc Trăng để triển khai các thủ tục theo quy định.

Hiện các khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đang triển khai nhiều dự án đường bộ cao tốc và cần khối lượng lớn cát để gia cố nền đường.

Cụ thể, dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng có tổng nhu cầu cát khoảng 29 triệu m3. Hiện nay, các địa phương đã xác định nguồn cung 23 triệu m3 còn lại khoảng 6 triệu m3 chưa xác định được nguồn.

Dự án đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu có tổng nhu cầu cát khoảng 3,2 triệu m3. Hiện nay, tỉnh Đồng Tháp cam kết cung ứng và đã xác định nguồn khoảng 2,8 triệu m3, đang hoàn thiện các thủ tục để khai thác; còn thiếu 0,4 triệu m3.

Dự án đường bộ cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh có tổng nhu cầu cát khoảng 3,1 triệu m3. Hiện nay, tỉnh Đồng Tháp đã có kế hoạch cung ứng, tuy nhiên chưa xác định được nguồn cụ thể.

Dự án Vành đai 3 TP.HCM có tổng nhu cầu cát khoảng 9,3 triệu m3, UBND TP.HCM và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An đã phối hợp rà soát, điều phối nguồn vật liệu để thực hiện.

Trước tình trạng nguồn cát sông ở các tỉnh phía Nam không đủ cung ứng cho các dự án hạ tầng lớn, vấn đề thí điểm sử dụng cát biển và tìm kiếm nguồn cát nhập khẩu từ Campuchia được đặt ra.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm