Cha đẻ của những linh vật đường hoa Nguyễn Huệ

(PLO)- Mỗi năm đường hoa Nguyễn Huệ (TP.HCM) đều có những linh vật làm điểm nhấn. “Cha đẻ” của những linh vật này là ai?

Nhắc đến tết Sài Gòn, người người sẽ nghĩ ngay đến đường hoa Nguyễn Huệ với rất nhiều loài hoa được bài trí bắt mắt, mang đầy sắc xuân. Cùng với đó, linh vật tượng trưng mỗi năm là một điểm nhấn quan trọng không thể thiếu.

Linh vật đường hoa được sáng tạo để thể hiện niềm tin về sức mạnh tinh thần của con người. Hơn thế, linh vật còn phản ánh khả năng cảm thụ nghệ thuật của người Việt ở mỗi vùng, miền khác nhau. Để các linh vật truyền tải được cái hồn như vậy, đòi hỏi nghệ nhân không chỉ có bàn tay khéo léo mà phải có chiều sâu văn hóa cùng tâm hồn phong phú và khoáng đạt.

Nghệ nhân mê sáng tạo

Vừa bước chân vào xưởng làm linh vật cho đường hoa Nguyễn Huệ, chúng tôi đã gặp ngay người đàn ông có khuôn mặt phúc hậu, dễ gần. Ông liên tục đi tới đi lui, “cầm tay chỉ việc” cho các công nhân. Đó chính là nghệ nhân Văn Tòng - người được TP.HCM gửi gắm tạo tác linh vật cho đường hoa Nguyễn Huệ từ năm 2016 đến nay.

Nghệ nhân Văn Tòng xuất thân trong gia đình có truyền thống làm nghệ thuật. Cha là một nghệ nhân nên từ nhỏ ông đã được tiếp xúc với nghề, dần dần niềm đam mê ăn vào máu thịt. “Tôi thấy ba làm từ nhỏ, sở thích được hình thành từ đó. Lúc nhỏ tôi cũng được học nhiều bộ môn liên quan đến mỹ thuật. Đến bây giờ hơn 70 tuổi, tôi thấy mình chọn nghề này là quá đúng” - ông Tòng tự hào kể.

Bao năm làm linh vật cho đường hoa Nguyễn Huệ, vui có, buồn có, do việc cảm thụ tác phẩm nghệ thuật ở mỗi người mỗi khác. Nhiều tác phẩm được chế tác ra, có nhiều người khen nhưng cũng không ít ý kiến cho rằng có điểm chưa đặc sắc, nghệ nhân tiếp thu hết những nhận xét đó làm kinh nghiệm để hoàn thiện hơn cho những tác phẩm sau.

“Ngoài kinh nghiệm cá nhân qua nhiều năm, tôi luôn tìm tòi, học hỏi những cái mới hiện nay, nếu không học thì chúng ta sẽ bị thụt lùi. Khi sáng tác những tác phẩm nghệ thuật, ngoài cặp mắt nhà nghề, chúng tôi phải biết tiếp thu ý kiến của người xung quanh để có được tác phẩm đẹp nhất” - ông Tòng nói.

Trong suốt bảy năm thực hiện linh vật cho đường hoa Nguyễn Huệ, ông Tòng không cho phép bản thân và những công nhân trong xưởng có bất cứ sơ suất nào từ chi tiết nhỏ nhất. Những công nhân trong xưởng đánh giá ông tỉ mỉ đến từng bộ râu, móng vuốt… của linh vật. Việc phối màu ông thử đi thử lại đến khi nào thật sự hài lòng mới thôi.

Ở cái tuổi mà nhiều người đã nhàn hạ an hưởng điền viên cùng con cháu, ông Tòng vẫn miệt mài nghiên cứu về linh vật. Nhìn ngón tay ông thoăn thoắt với máy tính, lướt đọc tin tức trên mạng, cập nhật thông tin về các tác phẩm nghệ thuật… không ai nghĩ ông đã quá tuổi hưu nhiều năm.

Với ông, sáng tác được một tác phẩm như ý cũng như mình sinh được một đứa con ngoan hiền, xinh đẹp. “Tôi làm việc không coi trọng giờ giấc mà phải coi công việc của mình xong hay chưa, tác phẩm làm ra hoàn hảo hay chưa, khuyết chỗ nào thì phải chỉnh sửa liền. Không ít lần phải thức thâu đêm cho công trình gấp gáp, tôi và những công nhân trong xưởng vẫn không thấy mệt. Sáng tác được một tác phẩm hoàn mỹ cũng như trời ban cho mình đứa con như ý” - ông Tòng tâm sự.

Với ông, công trình mình thực hiện không chỉ để lại ấn tượng đẹp trong lòng người dân mà nó còn phải để lại ấn tượng tuyệt vời trong mắt du khách nước ngoài.

Mỗi năm là một làn gió mới

Mỗi độ tết đến, nghệ nhân Văn Tòng luôn mang đến cho đường hoa Nguyễn Huệ một làn gió xuân mới mẻ, hấp dẫn du khách. Người dân vẫn thích thú tạo dáng check in bên những tác phẩm mới lạ trên con đường quen mỗi dịp xuân về. Theo ông, thành công của nghệ nhân ngoài việc tạo ra tác phẩm đẹp còn phải mang lại sự bất ngờ, thích thú cho người xem.

Về thiết kế linh vật cho đường hoa Nguyễn Huệ năm nay, ông Tòng bật mí: Những linh vật ở đường hoa năm nay sẽ có một chú mèo lớn và năm chú mèo nhỏ. Sáu chú mèo này được thể hiện với từng màu sắc khác nhau. Mỗi sắc màu đều tượng trưng cho sự vui tươi mang đầy sắc xuân đến với người chiêm ngưỡng. Hơn thế, những hoa văn trên những chú mèo sẽ là điểm nhấn ấn tượng của năm.

“Đây là ý tưởng của chọn lựa từ nhà thiết kế được UBND TP.HCM phê duyệt. Sau đó dựa trên ý tưởng này, chúng tôi sẽ tạo tác. Trong quá trình tạo hình cho linh vật, nếu thấy những điểm chưa hợp lý thì nghệ nhân sẽ đóng góp để tác phẩm đưa ra trình làng được hoàn chỉnh nhất, đẹp nhất có thể” - ông Tòng cho hay.

Nói về đời và nghề, ông Tòng chia sẻ: “Một người nghệ sĩ làm nghề có hư, có được, từ những cái hư ấy mới đúc kết được nhiều kinh nghiệm. Hằng năm khi báo chí phê bình những đường hoa khác thì mình cũng rút kinh nghiệm để những tác phẩm của mình đưa ra được nhiều người đón nhận. Làm nghề nào cũng vậy, phải luôn học tập và học tập suốt đời. Thắng không kiêu, thua không nản, người đã làm nghệ thuật thì không được ngủ quên với những chiến thắng…”.

Kỷ niệm khó quên với nghề

Nghệ nhân Văn Tòng kể năm 2017, ông là người thiết kế và thực hiện tạo hình mô hình con King Kong để ra mắt phim Kong: Đảo đầu lâu tại TP.HCM.

Điểm đặc biệt là ngoài hình dáng bắt mắt, con King Kong này còn có thể chớp mắt tạo sự bất ngờ cho người đến xem. Thời điểm đó, con King Kong đã gây được ấn tượng cho người xem và được cả những người nước ngoài đánh giá cao. Đó là kỷ niệm mà ông không thể nào quên.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm