Trước đây, bà Nguyễn Thị Minh được thừa kế 7.000 m2 đất tại phường Long Bình, quận 9 (TP.HCM) và được UBND quận 9 cấp giấy đỏ. Sau đó, bà Minh san lấp một phần mặt bằng để làm nhà xưởng, kho bãi. Năm 2004, đất của bà Minh bị quy hoạch làm dự án khu dân cư.
Bà Nguyễn Thị Minh đang trình bày sự việc. Ảnh: TT
Ký quyết định năm 2008 nhưng áp giá năm 2004
Tháng 10-2008, UBND quận 9 ra quyết định áp giá bồi thường toàn bộ diện tích đất cho bà Minh nhưng lại áp giá thời điểm năm 2004 (với giá 150.000 đồng/m2, tương đương hơn 1 tỉ đồng). Bà Minh khiếu nại vì cho rằng quận áp giá như vậy là sai và chưa tính giá trị phần bà đã san lấp mặt bằng nhưng bị UBND quận bác đơn. Giữa năm 2011, quận lập đoàn cưỡng chế buộc bà Minh phải giao đất cho dự án.
Bà Minh khởi kiện, yêu cầu tòa tuyên bố hành vi cưỡng chế thu hồi đất của UBND quận là sai, hủy các quyết định cưỡng chế, áp giá bồi thường và quyết định giải quyết khiếu nại. Tháng 6-2014, TAND quận 9 xử sơ thẩm tuyên bác hai yêu cầu của bà Minh về việc hủy quyết định áp giá bồi thường và tuyên bố hành vi cưỡng chế giao đất là sai. Tòa đình chỉ hai yêu cầu khởi kiện yêu cầu đòi hủy quyết định cưỡng chế giao đất và quyết định giải quyết khiếu nại của UBND quận. Bà Minh kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.
“Lỡ có án giám đốc thẩm thì khó đòi lại tiền” (!?)
Sau khi có bản án phúc thẩm, bà Minh có đơn kiến nghị đến Ban Giải phóng mặt bằng quận 9, yêu cầu thi hành án (THA) theo bản án của tòa đã có hiệu lực pháp luật. Tuy nhiên, ban này trả lời là UBND quận đang xin ý kiến thực hiện. Tại những lần yêu cầu mới đây, lãnh đạo ban giải phóng mặt bằng quận trả lời bà Minh cứ về chờ UBND quận xin ý kiến của UBND TP.HCM về việc thi hành bản án.
Bà Minh gửi đơn yêu cầu UBND quận thực hiện bản án đã có hiệu lực gần nửa năm. Ngày 1-10, chủ tịch UBND quận 9 ký văn bản trả lời rằng quận đã có đơn kiến nghị giám đốc thẩm xin hủy bản án phúc thẩm đến viện trưởng VKSND Tối cao và chánh án TAND Tối cao. Do đó, UBND quận sẽ xem xét đơn yêu cầu của bà Minh sau khi có kết luận của viện và TAND Tối cao.
Thứ hai, tiền bồi thường trong dự án này là tiền ngân sách, nếu lỡ sau này TAND Tối cao có giám đốc thẩm hủy án phúc thẩm thì quận sẽ khó đòi lại tiền của bà Minh do đã áp giá bồi thường mới. “Để tạo sự chắc chắn và cũng vì quyền lợi của bà Minh, UBND quận quyết định chưa THA mà chờ ý kiến của chánh án TAND Tối cao và viện trưởng VKSND Tối cao xem có kháng nghị hay không” - ông Lâm nói.
“Pháp luật quy định UBND có quyền kiến nghị giám đốc thẩm nhưng không quy định đó là lý do để hoãn THA. Việc bà Minh có lợi hay thiệt cũng không là lý do để UBND quận hoãn THA trái luật, vì bản án phúc thẩm có hiệu lực thi hành ngay, ai cũng phải có nghĩa vụ chấp hành” - PV nêu vấn đề. Cuối cùng, ông Lâm cho biết Ban Bồi thường sẽ mời bà Minh lên vận động, giải thích. Nếu bà đồng ý rút đơn yêu cầu THA và đồng ý giá bồi thường cũ cộng hai loại lãi suất thì tốt. Còn không thì quận sẽ lên dự toán thay đổi phương án bồi thường mới và trình UBND TP xem xét.