Chậm thu hoạch hành lá, bị chủ ruộng kiện ra tòa

Ông L. nói sẽ mua giá 620.000 đồng/tạ và hứa sẽ nhổ hành trong vòng ba ngày và ông L. đã đặt cọc 6 triệu đồng.

Sau đó ông L. đến nhổ hành nhưng kéo dài từ ngày 19 đến 29-6-2018 mà chỉ nhổ 110 líp hành được 1.430 kg, tương đương với gần 14,8 triệu đồng, rồi bỏ ngang không nhổ hết số hành còn lại. Khi ông U. gọi điện thoại thì ông L. đến đưa cho ông 8,9 triệu đồng và thông báo không nhổ hành nữa. Thời điểm này hành đã xuống lá nhưng vì ông đã thỏa thuận bán cho ông L. nên không thể bán cho người khác. Ông U. cho rằng nguyên nhân dẫn đến thiệt hại là do lỗi của ông L. nên khởi kiện ra tòa yêu cầu bồi thường gần 24,2 triệu đồng (180 líp tương đương 2.340 kg x 620.000 đồng).

Ông L. thừa nhận là có thỏa thuận như ông U. đã trình bày nhưng sau khi nhổ xong 110 líp hành thì phần hành còn lại bị sâu ăn lá nhiều nên ông có báo và yêu cầu ông U. phải xịt thuốc trừ sâu. Ông U. có xịt nhưng sâu không chết nên số hành còn lại không đủ tiêu chuẩn. Sau đó ông có bắt mối cho người khác đến mua hành giống với giá 300.000 đồng/tạ nhưng ông U. không bán. Theo ông L., việc hành lá của ông U. bị thiệt hại không phải do lỗi của mình nên không đồng ý bồi thường.

Cuối năm 2018, TAND huyện Bình Tân (Vĩnh Long) xử sơ thẩm, tuyên chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông U. nên ông L. đã kháng cáo.

HĐXX phúc thẩm TAND tỉnh Vĩnh Long nhận định ông L. thỏa thuận mua của ông U. 290 líp hành nhưng chỉ nhổ được 110 líp thì ngưng. Còn lại 180 líp do ông L. chậm thu hoạch nên bị sâu bệnh tấn công, hành bị đỏ lá ông U. không thể thu hoạch được dẫn đến bị thiệt hại toàn bộ. Ông L. thừa nhận ông nhổ hành của ông U. có chậm hơn thời hạn thỏa thuận và hai ông đều thừa nhận hành là loại hoa màu thời gian thu hoạch ngắn ngày.

Điều 359 BLDS 2015 quy định: Bên có quyền chậm tiếp nhận việc thực hiện nghĩa vụ làm phát sinh thiệt hại cho bên có nghĩa vụ thì phải bồi thường thiệt hại cho bên đó... Như vậy, ông L. đã thỏa thuận sẽ nhổ hành của ông U. trong vòng ba ngày kể từ ngày giao kết và đặt cọc 6 triệu đồng. Nhưng sau đó ông L. chậm nhổ hành dẫn đến hành của ông U. bị sâu hại tấn công gây thiệt hại nên ông L. phải có trách nhiệm bồi thường.

Tuy nhiên, tại tòa ông U. thừa nhận biết rõ đặc tính của hành là loại hoa màu thu hoạch ngắn ngày, nếu để lâu sẽ bị hư hỏng và thiệt hại toàn bộ. Khi ông L. không tiếp tục nhổ 180 líp hành còn lại thì ông có dẫn người mua hành giống để ông U. hạn chế phần nào thiệt hại. Từ đầu đến cuối ông U. thừa nhận là mình không bán vì người mua trả giá quá thấp. Xét theo khoản 3 Điều 355 của BLDS 2015: Đối với tài sản có nguy cơ bị hư hỏng thì bên có nghĩa vụ có quyền bán tài sản đó và phải thông báo ngay cho bên có quyền... Do đó, việc ông U. cố tình để hành trên líp không cho thu hoạch dẫn đến bị thiệt hại toàn bộ mà không áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại cho mình là lỗi của ông U.

Theo HĐXX, ông U. phải chịu phần thiệt hại 180 líp hành, tương đương 39 tạ theo giá hành giống 300.000 đồng bằng 11,7 triệu đồng. Còn ông L. thì phải bồi thường cho ông U. phần thiệt hại do chậm thực hiện hợp đồng dẫn đến hành bị giảm giá từ 620.000 đồng/tạ xuống còn 300.000 đồng/tạ là gần 12,5 triệu đồng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm