Thời gian gần đây đã xảy ra nhiều vụ học sinh (HS) ngộ độc thực phẩm. Nguyên nhân được xác định bắt nguồn từ các loại thức ăn được chế biến sẵn, thức ăn bày bán trước cổng trường.
Dù các bậc phụ huynh và các đơn vị chức năng đã ra sức chấn chỉnh nhưng đến nay tình trạng này vẫn còn tồn tại rất công khai.
Đồ ăn, thức uống bao vây cổng trường
Theo ghi nhận của PV, tại Trường THCS Tôn Thất Tùng, phường Sơn Kỳ, quận Tân Phú, TP.HCM, trước cổng trường vào giờ tan học có các xe hàng rong bày bán nhan nhản với đủ loại thực phẩm. Từ các loại nước uống có màu sắc sặc sỡ được đựng trong các chai nhựa không có nhãn mác, đến những món bánh kẹo không rõ xuất xứ. Những món như xoài lắc, bánh tráng trộn cùng các loại khô bò, khô gà, hành phi... không rõ nguồn gốc bán với giá 10.000-15.000 đồng/ly được các em HS tụm ba, tụm năm để mua.
Đang đợi rước con trước cổng trường, chị Nguyễn Hồng Đào (ngụ quận Tân Phú) cho biết dù đã nhiều lần dặn dò các con không được ăn uống các loại thức ăn trước cổng trường nhưng khó có thể quản lý được. Khi được hỏi tại sao mua thì các con cho biết những loại thức ăn này ngon, giá lại rẻ. Do đó chị chỉ nhắc nhở các con hạn chế, đối với các sản phẩm bánh kẹo lạ mắt tuyệt đối không sử dụng.
Còn tại Trường THCS Huỳnh Văn Nghệ, phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân, những xe chở bánh kẹo, đồ chơi bán cho HS được bày bán giữa thời tiết nắng nóng và bụi bặm. Dù cho nhiều năm nay, phía trước cổng trường học luôn có bảng cấm hàng rong nhưng bên hông trường có đến 2-3 điểm bán hàng rong, chờ các HS tan học đến mua hàng.
Trao đổi với PV, đại diện lãnh đạo UBND phường Bình Hưng Hòa B cho biết vấn đề bán hàng rong trước cổng trường được UBND phường siết chặt, thường xuyên tuyên truyền đến phụ huynh, HS. Đồng thời, kết hợp với các trường học trên địa bàn phường vận động bằng các hình thức phù hợp, áp dụng việc ký cam kết bằng văn bản cho phụ huynh, HS không mua hàng hóa, thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ của người bán hàng rong xung quanh trường học.
Cũng theo vị lãnh đạo này, để tăng tính răn đe thì UBND phường tăng cường kiểm tra, xử lý triệt để các trường hợp buôn bán lấn chiếm lòng lề đường, vỉa hè khu vực trước cổng trường, xung quanh trường. Trong quá trình kiểm tra, nếu phát hiện HS mua hàng hóa của người vi phạm thì ghi nhận bằng hình ảnh, thông tin của HS và cung cấp cho nhà trường để xem xét và đánh giá thi đua.
“Đối với trường học nào có nhiều HS thường xuyên vi phạm cam kết, không có chiều hướng giảm thì báo cáo, kiến nghị UBND quận, phòng GD&ĐT quận có chỉ đạo giải quyết” - vị đại diện phường khẳng định.
Bữa ăn bán trú cũng được siết chặt
Trước băn khoăn về thực trạng an toàn thực phẩm (ATTP) trước cổng trưởng, nhiều bạn đọc cũng bày tỏ sự quan ngại đối với vấn đề ATTP trong trường học.
Theo quan sát của PV, tại khu vực bếp ăn của Trường Tiểu học Ngô Quyền, quận Bình Tân, TP.HCM được chia rõ ràng thành từng khu vực, nhân viên chế biến đều đảm bảo trang bị đầy đủ đồ bảo hộ như khẩu trang, găng tay, mũ trùm đầu, tóc được buộc gọn gàng theo quy định, không được đeo trang sức...
Bà Đồng Thị Miền, Chủ tịch Công đoàn Trường Tiểu học Ngô Quyền, quận Bình Tân, cho biết hiện trường có khoảng 5.000 HS, trong đó có 2.000 HS bán trú tại trường. Bà Miền khẳng định nhà trường rất chú trọng vấn đề ATTP. Thường xuyên phát động tuyên truyền ngay trong nhà trường từ HS đến cả phụ huynh. Quán triệt việc không ăn uống hàng rong bên ngoài nhà trường trong các cuộc họp phụ huynh và trong những buổi sinh hoạt.
Bà Miền cho biết vào buổi sáng, nhà trường sẽ có một bộ phận kiểm tra việc nhập nguyên liệu đầu vào, giám sát quy trình sơ chế, chế biến. Gần trưa, lãnh đạo và nhân viên y tế của trường đi kiểm tra, ăn trước xem có vấn đề gì bất thường không, rồi sau đó lưu mẫu. Đồng thời, phụ huynh HS cũng có thể đến bất cứ giờ nào để kiểm tra ATTP trong nhà trường.
“Số lượng HS rất lớn nên chất lượng bữa ăn và công tác đảm bảo ATTP cho HS luôn được chúng tôi đặt lên hàng đầu. Trường phối hợp với một công ty cung cấp suất ăn công nghiệp thực hiện công tác nấu và chế biến ngay tại trường, để các suất ăn đến HS luôn nóng, đảm bảo chất lượng cao nhất” - bà Miền cho hay.
Liên quan đến vấn đề trên, bà Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở ATTP TP.HCM, cho biết trong thời gian vừa qua, sở đã có rất nhiều hoạt động rà soát, giám sát và kiểm tra về vấn đề ATTP. Tuy nhiên, với thời tiết nắng nóng như hiện nay, nguy cơ tiềm ẩn mất ATTP trong các bếp ăn tập thể, căn tin và bên ngoài trường học vẫn còn tồn tại.
“Chúng ta chỉ cần lơ là, mất cảnh giác là có thể xảy ra nguy cơ ngộ độc thực phẩm bất cứ lúc nào. Đặc biệt, HS là nhóm đối tượng có nguy cơ xảy ra ngộ độc thực phẩm rất cao” - bà Lan cảnh báo.
Trước nguy cơ mất ATTP như hiện nay, sở đã lên kế hoạch tăng cường thanh tra, kiểm tra từ những đội quản lý ATTP. Các đơn vị sẽ trực tiếp đến 21 quận, huyện và TP Thủ Đức. Đồng thời cũng có sự ra quân của các đoàn kiểm tra liên ngành của các quận, huyện và những lực lượng khác như quản lý thị trường, công an kinh tế.
Sở sẽ không thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch, mà tập trung nhiều hơn vào thanh tra, kiểm tra đột xuất, nhất là tại các bếp ăn tập thể, căn tin trong trường học, doanh nghiệp, khu chế xuất...
Thời gian vừa qua, sở đã đề nghị phụ huynh tham gia việc theo dõi chi tiết bữa ăn của HS. Cụ thể, phụ huynh sẽ cùng giám sát từ khâu nhập nguyên liệu (nguyên liệu có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng), khâu chế biến đến giai đoạn ăn uống, trở về nhà liệu có những dấu hiệu bất thường nào không để kịp thời báo cho hội phụ huynh và cơ quan chức năng
Bà Lan cũng lưu ý các phụ huynh, khi con em mình gặp những vấn đề liên quan đến ATTP thì nên báo ngay cho Sở ATTP TP để có phương án xử lý kịp thời. “Trước đây, có một số trường hợp HS gặp rắc rối liên quan đến ATTP, về nhà nói với phụ huynh. Phụ huynh đến trường quay phim và đưa lên các hội nhóm, trang mạng xã hội. Khi cơ quan quản lý nắm được thông tin, đến trường làm việc thì đã dọn dẹp xong nên không có đủ căn cứ để xử phạt” - bà Lan nói.
Không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm: Bị phạt đến 3 triệu đồng
Luật sư Nguyễn Đức Thắng Ý, Đoàn Luật sư TP.HCM, thông tin hành vi buôn bán hàng rong không đảm bảo vệ sinh ATTP, vi phạm quy định về điều kiện đảm bảo ATTP là hành vi trái pháp luật.
Cá nhân, tổ chức nào có hành vi vi phạm nêu trên có thể bị xem xét xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 16 Văn bản hợp nhất 02/VBHN-BYT Quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm của Bộ Y tế, với mức phạt lên đến 3 triệu đồng.
Ngoài ra, người thực hiện hành vi vi phạm còn bị buộc khắc phục hậu quả là buộc tiêu hủy thực phẩm đối với hành vi vi phạm.