Chẳng kiểm tra gì vẫn thu tiền tỉ!

Cuộc hội thảo góp ý dự luật chăn nuôi ngày 6-12 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp với Bộ NN&PTNT đã trở thành dịp để doanh nghiệp (DN) nêu nhiều bất hợp lý.

Mất gần 1 tỉ chi phí kiểm tra

Ông Lê Giang, Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh An, đã 16 năm sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi. Dù đôi lúc cũng gặp khó khăn nhưng từ năm 2013, những khó khăn mới thực sự… chồng chất khi công ty ông bắt buộc phải đóng phí kiểm tra chất lượng nguyên liệu đầu vào.

Bởi vậy, góp ý cho dự luật chăn nuôi, ông Giang đề nghị: “Nên có một quy định thống nhất về nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. Vì nếu không có thì các quy định sẽ nằm rải rác ở các văn bản khác, nhiều cơ quan cùng quản lý sẽ gây tốn kém, mất thời gian cho người kinh doanh”.

Kể câu chuyện của chính mình, ông Giang nói từ năm 2013 tới nay, công ty nhỏ của ông tốn gần 1 tỉ đồng chỉ để kiểm định, kiểm tra chất lượng nguyên liệu đầu vào. “Chúng tôi nhập nguyên liệu ở các nước G7. Quy chuẩn của họ rất nghiêm ngặt nhưng ngay cả với những nguyên liệu đã được kiểm nghiệm, xác nhận từ Mỹ hay G7, cơ quan quản lý Việt Nam cũng không công nhận, bắt buộc phải kiểm định ở các cơ sở mà Bộ NN&PTNT chỉ định” - ông Giang bức xúc.

Chi tiết hơn, ông Giang cho hay khi kiểm nghiệm DN phải mất thêm 72 giờ để có chứng thư, tốn thêm tiền lưu kho, lưu bãi. “Mỗi năm chúng tôi trả chi phí mấy trăm triệu cho các cơ quan kiểm định mà Bộ NN&PTNT chỉ định. Nhưng các ông ấy chẳng kiểm tra cái gì cả, vẫn lấy tiền” - ông Giang khẳng định.

Không nói suông, ông Giang lấy ví dụ: “Chẳng hạn kiểm tra chỉ tiêu về protein, chỉ cần lệch nhau nửa độ đạm thì các DN đã khổ rồi nhưng kết quả kiểm tra có khi lệch tới 3 độ. Khi chúng tôi khiếu nại thì các ông ấy mới chỉnh sửa cho đúng. Ngoài phí kiểm định chất lượng mất 1 tỉ đồng, từ đầu năm tới nay riêng DN chúng tôi mất khoảng 1 tỉ đồng chi phí lưu kho, lưu bãi”. Ông Giang cũng đặt vấn đề không biết những phí này chảy vào đâu.

PGS Nguyễn Thị Lương Hồng, người từng nhiều năm giảng dạy về dinh dưỡng gia súc ở ĐH Nông nghiệp 1, Hà Nội, cũng đồng tình việc phải quy định rõ ràng và giảm thiểu các chỉ tiêu kiểm tra nguyên liệu.

“Chỉ nên phân tích các chỉ tiêu cần thôi, chẳng hạn những nhóm chất độc, chất tạo nạc sabutamol. Mặt khác, đạt được chứng chỉ chất lượng của Mỹ, châu Âu không dễ dàng, rất nghiêm ngặt mà về Việt Nam lại không đạt yêu cầu thì vô lý” - PGS Hồng nói.

Ông Trần Quang Kỳ, Giám đốc Công ty Thức ăn chăn nuôi Đức Minh, Hưng Yên, cũng băn khoăn vấn đề kiểm định chất lượng. “Nếu các nước đã công nhận chỉ tiêu chất lượng thì mình nên công nhận để giảm chi phí, giải phóng hàng hóa cho DN. Chứ mấy vạn tấn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi mà lưu kho thì rất tốn kém”, ông Kỳ nói và đồng ý rằng: Quy định ba ngày mới có kết quả kiểm định gây nhiều phiền toái cho DN.

Tàu vào cảng nhưng giám đốc lại đi chơi

Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh An, ông Lê Giang, kể về những vô lý khi DN phải chờ đợi thủ tục thực hiện tại cảng và chi phí lưu kho, lưu bãi của các DN là “khủng khiếp”.

“Phí kiểm tra chất lượng tính trên trị giá lô hàng. Ví dụ kiểm tra chỉ tiêu đạm chỉ mất 350.000 đồng nhưng người ta lại tính chi phí theo trị giá lô hàng. Chẳng hạn lô hàng trị giá nửa triệu USD, chi phí hết 9 triệu đồng. Chưa hết, nếu một tàu có 60 chủ hàng, mấy ông ấy lấy một vài mẫu nhưng lại tính chi phí cho 60 chủ hàng. Nhiều trường hợp chi phí cả tàu lên tới 1 tỉ đồng” - ông Giang dẫn chứng.

Về thời hạn, quy trình thông quan cũng rất nhiêu khê. Một lô hàng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi sẽ phải chịu kiểm tra chuyên ngành và kiểm định thực vật. Thế vẫn chưa xong. Ông Giang kể: “Như ở cảng Hải Phòng, sáng đăng ký thì phải chiều mới bố trí người kiểm tra. Nếu kiểm dịch không có vấn đề mới cấp chứng thư. Thời gian kéo dài lê thê, mệt mỏi vô cùng, chưa kể nếu dính vào ngày thứ Bảy, Chủ nhật”.

Kiểm tra hàng hóa có quá nhiều tiêu cực

Dù là trưởng phòng Pháp chế, Cục Chăn nuôi Bộ NN&PTNT nhưng ông Nguyễn Thanh Tuấn, thành viên ban soạn thảo dự luật chăn nuôi, vẫn rất thẳng thắn khi phản hồi ý kiến của một số DN. “Kiểm tra hàng hóa có quá nhiều tiêu cực. Tôi đề nghị chỉ kiểm tra những chỉ tiêu gây mất an toàn mà thôi, việc gì Nhà nước phải kiểm tra tất cả. Tôi kiên quyết phản đối. Chúng ta phải nhìn thẳng vào sự thật, không được chiều theo những tổ chức bất chính” - ông Tuấn nói.

Cũng theo ông Tuấn, mục đích của dự luật chăn nuôi là để điều chỉnh, phục vụ DN. Do vậy phải tạo điều kiện cho DN tự do kinh doanh nhất.

Ông Giang dẫn chứng đã từng mời nhà báo xuống cảng Hải Phòng để chứng kiến. Có những con tàu nằm chờ 30 ngày, mỗi ngày tốn chi phí 7.000 USD. Khi vào được cảng thì giám đốc “dính” thứ Bảy và ông giám đốc đi đánh Tennis nên rốt cuộc hàng hóa cũng không được thông quan sớm.

PGS Nguyễn Thị Lương Hồng cho biết thêm có khi chi phí lưu kho một container lên tới 20 triệu đồng/ngày, lại phải chờ nhiều ngày và chi phí vận chuyển cũng gây tốn kém cho DN. Mà cái tốn kém nhất là cơ hội kinh doanh.

“Chi phí kiểm tra mỗi container mất 5 triệu hoặc 7 triệu đồng cũng không hẳn là quá nhiều. Nhưng chi phí về thời gian là rất lớn. Đôi khi chỉ vì thời gian chậm mà DN không thể đáp ứng được hợp đồng với đối tác” - PGS Hồng nói.

Trả lời những bức xúc của DN, bà Nguyễn Thị Kim Anh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ NN&PTNT, thừa nhận: “Lĩnh vực kiểm tra chuyên ngành của Bộ còn nhiều chồng chéo. Chúng tôi đã làm việc với các cơ quan và sẽ giải quyết theo phương án chỉ có một đơn vị đầu mối chủ trì và các đơn vị phối hợp. Đơn vị chủ trì sẽ lấy mẫu một lần, sau đó các cơ quan dùng chung kết quả chứ không bắt DN phải qua đến hai, ba ông khác nhau vào những thời gian khác nhau”.

Bà Kim Anh cũng hứa ngay trong tuần tới sẽ làm việc với các DN như của ông Lê Giang để tìm hiểu và nắm thêm tình hình. “Nếu đúng như DN phản ánh thì chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm, chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm. Bộ hứa là sẽ làm để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh” - bà Kim Anh nói với vẻ chân tình.

Không được phép nhập khẩu heo, bò… già

Những điểm chú ý của dự luật chăn nuôi gồm: Muốn nuôi chó phải đăng ký với UBND xã; tiêm phòng bệnh dại theo quy định; nuôi trong nhà phải có xích, khi đi ra ngoài phải đeo rọ mõm và phải có người dắt; có triệu chứng bệnh dại phải báo ngay cho chính quyền và thực hiện tiêu hủy ngay.

Không cho phép nhập khẩu nội tạng, phủ tạng các loại động vật từ nước ngoài vào Việt Nam dưới bất kỳ hình thức nào; không cho phép nhập gia súc, gia cầm sống già, loại thải từ nước ngoài nhập khẩu vào Việt Nam với mục đích giết mổ lấy thịt. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới