Chánh thanh tra: 'Không biết nhờ xem điểm trước là vi phạm'

Sáng 17-10, phiên xét xử vụ án gian lận điểm thi tại Sơn La bước sang ngày làm việc thứ ba. Người được xét hỏi đầu tiên là ông Phan Ngọc Sơn, Chánh Thanh tra Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La.

Ông Phan Ngọc Sơn, Chánh Thanh tra Sở GD&ĐT, được triệu tạp tới tòa với tư cách người làm chứng.

Ông Sơn cho hay có con tham gia kỳ thi THPT quốc gia năm 2018. Do biết Trần Xuân Yến (cựu phó giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La) nằm trong hội đồng thi, ông Sơn đã nhờ bị cáo này xem điểm giúp cho con mình. Mục đích là để có cơ hội vào được trường mong muốn.

“Với tâm lý người làm cha mẹ có con dự thi đều rất mong muốn biết được kết quả như vậy, chứ trước khi nhờ tôi cũng không suy nghĩ việc đó có thể vi phạm quy định” - Chánh Thanh tra Sở GD&ĐT trả lời như vậy.

Ông Sơn cũng cho hay tại kỳ thi năm 2018, con ông đạt 27 điểm, trúng tuyển vào Trường ĐH Kinh tế Quốc dân. Tuy nhiên, sau khi chấm thẩm định, số điểm bị giảm 7,45 điểm. Kết quả, con ông chủ động không tiếp tục theo học vì “áp lực dư luận xã hội”.

Tương tự, ông Đỗ Kim Quang (giám đốc VNPT Sơn La) cương quyết khẳng định chỉ nhờ ông Hoàng Tiến Đức (nguyên giám đốc Sở GD&ĐT) xem giúp kết quả trước cho con để có thể thay đổi nguyện vọng kịp thời. Kết quả, điểm công bố lần đầu của con ông Quang là 24,4 điểm, sau thẩm định giảm xuống còn 19 điểm.

Một người làm chứng đáng chú ý được triệu tập tới tòa khác là ông Lê Trọng Bình (phó chủ tịch UBND TP Sơn La). Kỳ thi năm 2018, ông Bình có con và cháu ruột dự thi. Ông nhờ Nguyễn Minh Khoa (nguyên phó trưởng Phòng PA03 Công an tỉnh Sơn La) và Nguyễn Ngọc Hà (trưởng Phòng Giáo dục THPT) xem giúp điểm, mong muốn biết trước kết quả để chọn trường phù hợp cho các cháu. Kết quả, cả con và cháu của ông Bình đều được nâng điểm.

HĐXX tiếp tục thẩm vấn nhiều phụ huynh cũng như người trung gian khác. Tuy nhiên, tất cả đều có chung “điệp khúc” chỉ nhờ xem điểm nhưng thực tế lại trở thành nâng điểm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm