Chất vấn ở Quốc hội: Cơ hội để tìm sự đồng thuận

(PLO)- Các đại biểu và cử tri sẽ được nghe các thành viên Chính phủ giãi bày về các vấn đề lớn như giao thông, nông nghiệp, kiềm chế lạm phát...
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Hôm nay, Quốc hội (QH) bắt đầu hoạt động “nóng” của kỳ họp là chất vấn và trả lời chất vấn. “Đây là cơ hội để các trưởng ngành giãi bày, lắng nghe và cùng QH tìm ra sự đồng thuận trong chiến lược phục hồi, phát triển sắp tới” - đại biểu (ĐB) QH Vũ Tiến Lộc (Hà Nội) nói khi trao đổi với Pháp Luật TP.HCM.

Hoạt động của thị trường vốn, chứng khoán cũng như giải pháp về xây dựng, phát triển thị trường tài chính lành mạnh, an toàn trong thời gian tới là một trong những vấn đề được quan tâm trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Ảnh: HOÀNG GIANG

Hoạt động của thị trường vốn, chứng khoán cũng như giải pháp về xây dựng, phát triển thị trường tài chính lành mạnh, an toàn trong thời gian tới là một trong những vấn đề được quan tâm trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Ảnh: HOÀNG GIANG

Lựa chọn những vấn đề nóng để chất vấn

. Phóng viên: Thưa ông, chúng ta cũng phải nhìn nhận lại bối cảnh của đất nước trong năm qua và những tháng đầu năm để hiểu sâu hơn vì sao QH lại chọn các vấn đề để chất vấn?

ĐBQH Vũ Tiến Lộc
ĐBQH Vũ Tiến Lộc

+ ĐBQH Vũ Tiến Lộc: Chúng ta thấy thành công nổi bật nhất trong năm 2021 và những tháng đầu năm nay là những chuyển hướng quyết đoán và kịp thời thực hiện bao phủ vaccine để chủ động sống chung, an toàn với dịch bệnh và mở cửa phục hồi nền kinh tế.

Tôi cho rằng bức tranh kinh tế vĩ mô của Việt Nam đang tốt dần lên nhờ việc tích hợp và cộng hưởng của các chính sách tài khóa và tiền tệ. Chúng ta hiểu tiền bạc là quan trọng nhưng thể chế và thủ tục hành chính an toàn, thuận lợi thậm chí còn quan trọng hơn.

Chúng ta cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn những cải cách đột phá để tiếp sức cho người dân và doanh nghiệp (DN). Vì chỉ bằng cách đó, chúng ta mới có thể đạt được mục tiêu kép: GDP tăng trưởng 6,5% hay 7%, thậm chí cao hơn và CPI được giữ ở mức dưới 4% như nghị quyết của QH đã đề ra.

Cử tri, đại biểu rất muốn nghe bộ trưởng Bộ GTVT nói về vấn đề làm thế nào để thực hiện được các dự án về giao thông, tạo đột phá về cơ sở hạ tầng trong nhiệm kỳ này.

. QH hôm nay sẽ chất vấn Chính phủ và ông thấy các nội dung chất vấn lần này có sát không?

+ Chúng ta thấy đời sống người dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN thời gian qua cũng khó khăn. Kinh tế thế giới đã và đang phục hồi thì chúng ta mới đang trong quá trình phục hồi nên người dân và DN cần được hỗ trợ bằng các giải pháp mạnh.

Chúng ta đã duy trì kinh tế vĩ mô ổn định ngay cả trong đại dịch thì hiện tại, sự phối hợp, cộng hưởng, “chia lửa” giữa chính sách tài khóa và tiền tệ để hỗ trợ người dân, DN là vô cùng cần thiết, quan trọng. Cử tri và nhân dân rất quan tâm đến ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát, hỗ trợ duy trì tăng trưởng, khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội.

Khi chọn hai lĩnh vực tài chính và ngân hàng để chất vấn, hai bộ trưởng, trưởng ngành sẽ được giãi bày cũng như lắng nghe ý kiến của các ĐB, có thêm cơ hội để tìm ra sự đồng thuận.

Bốn bộ trưởng, trưởng ngành sẽ trả lời chất vấn trước Quốc hội

Từ chiều 7-6 đến hết ngày 9-6, QH khóa XV sẽ tiến hành chất vấn các thành viên Chính phủ. Có bốn bộ trưởng, trưởng ngành “đăng đàn” và một phó thủ tướng thay mặt Chính phủ giải đáp rõ những vấn đề ĐBQH đặt ra.

• Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan sẽ tập trung trả lời công tác tổ chức sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; mở cửa, phát triển thị trường nông sản...

• Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trả lời vấn đề liên quan đến chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, các biện pháp chống thất thu thuế, nhất là trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản...

• Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng trả lời nhóm vấn đề chính sách tài khóa về kiểm soát lạm phát, xử lý các ngân hàng thương mại yếu kém, tín dụng đen, tội phạm công nghệ cao trong lĩnh vực tiền tệ, tín dụng...

• Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể trả lời những vấn đề về tiến độ, chất lượng và công tác phòng chống thất thoát, lãng phí trong việc triển khai các dự án, công trình giao thông trọng điểm quốc gia, hệ thống đường cao tốc.

Cử tri và đại biểu sẽ có cái nhìn toàn cảnh về kinh tế

. GTVT và nông nghiệp cũng là hai lĩnh vực được lựa chọn?

+ Không chỉ trong những thời điểm khó khăn mà cả trong giai đoạn phát triển dài hạn của nền kinh tế, nông nghiệp vẫn là trụ đỡ.

Nông nghiệp là một trong những lĩnh vực có tiềm năng bậc nhất của nền kinh tế Việt Nam, đương nhiên đó phải là nền nông nghiệp công nghệ cao, nền nông nghiệp đổi mới sáng tạo, nền nông nghiệp của khởi nghiệp. Qua chất vấn, bộ trưởng Bộ NN&PTNT có thể trao đổi, lắng nghe các vị ĐBQH là điều rất tốt. Tương tự, GTVT đang là vấn đề lớn, nhận được nhiều sự quan tâm của cử tri.

Nhiệm kỳ QH này đưa ra đến năm dự án mới ngoài các dự án đã được thông qua. Có thể nói nhiệm kỳ này là sự “đồng khởi” của các dự án cơ sở hạ tầng lớn, đặc biệt là cơ sở hạ tầng giao thông. Khi cùng thời điểm triển khai rất nhiều dự án về giao thông, việc thu xếp nguồn vốn cũng như nhân lực… là vấn đề quan trọng.

Cử tri, ĐBQH rất muốn nghe ý kiến của bộ trưởng Bộ GTVT về vấn đề này; làm thế nào để thực hiện được các dự án về giao thông, tạo đột phá về cơ sở hạ tầng trong nhiệm kỳ này.

. Ông mong chờ gì vào phần trả lời của các trưởng ngành tại chất vấn kỳ này?

+ Các vị trưởng ngành đã có kinh nghiệm tốt và đã nỗ lực đồng hành với chính quyền địa phương cũng như cộng đồng DN trong phòng chống dịch bệnh COVID-19, nên hy vọng họ tiếp tục phát huy tinh thần đó, thực sự đặt lợi ích của người dân, DN lên hàng đầu, tạo ra sự đồng thuận, phối hợp hài hòa nhằm tạo ra kỳ tích mới trong ổn định, phục hồi nền kinh tế Việt Nam thời gian tới.

Các số liệu kinh tế vĩ mô năm tháng đầu năm cho thấy nền kinh tế nước ta đang được phục hồi qua chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng; hoạt động xuất khẩu... Rồi WB, ADB, IMF... đều đưa ra những dự báo lạc quan về triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Có thể thấy rằng Việt Nam hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6%-6,5% trong năm nay, thậm chí còn cao hơn.

Qua chất vấn và trả lời chất vấn, QH sẽ được lắng nghe trao đổi, giải đáp của các thành viên Chính phủ về bức tranh kinh tế trong thời gian tới.

. Xin cám ơn ông.

.................................................

SỔ TAY

Cao tốc và cái nhìn ở tầm vĩ mô

Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân ở đơn vị bầu cử ra mình và của Nhân dân cả nước. Cũng chính vì vậy mà khi thảo luận các vấn đề trong nghị trình, mỗi ĐBQH luôn nêu ý kiến một cách hài hòa, cả ở tầm vi mô là nơi mình làm việc, được bầu lên và ở tầm vĩ mô là lợi ích quốc gia.

Hôm qua, khi thảo luận về các dự án cao tốc được trình ra QH, nhiều ĐB, nhất là ĐB ở các địa phương có cao tốc đi qua đã không giấu nổi cảm xúc. ĐB Phan Huỳnh Sơn (An Giang), ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum) đều thừa nhận “tâm trạng có nhiều cảm xúc” khi lần đầu tiên địa phương mình có cao tốc đi qua. Các ĐB cũng chung niềm hy vọng rằng các cao tốc này sẽ thúc đẩy kinh tế - xã hội không chỉ cho hai tỉnh nói trên.

Đấy là nói về cái chung - cái riêng, còn ở góc độ lợi ích gần - xa thì cũng có điều nổi bật. Chẳng hạn có ĐB lo lắng rằng: Thời giá, vật giá sẽ tăng, vậy thì vấn đề chi phí làm cao tốc cũng cần quan tâm. Nhưng cũng có ĐB, như Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi hay ĐB Nguyễn Thiện Nhân - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị bày tỏ chút “tâm tư” khi nói về đường vành đai 3, nếu năm 2011 khi được duyệt mà quyết sớm, đầu tư sớm thì chi phí đã rẻ hơn rất nhiều.

Hay cũng có ĐB lo ngại khi làm các tuyến cao tốc này thì sẽ làm giảm lưu lượng các tuyến khác, dẫn đến việc các nhà đầu tư thấy không hiệu quả thì ít tham gia. Rồi từ đó đặt ra vấn đề thu phí hay không thu phí để hoàn trả chi phí đầu tư. Thật ra lo lắng ấy là chính đáng nếu chỉ nghĩ đến lợi ích riêng ngành. Nhưng cũng có ĐB như ông Lê Quang Mạnh - Bí thư Cần Thơ có quan điểm khác.

Ông bảo Nhà nước tự thu phí hay nhượng quyền thu phí thì cả năm cao tốc mà Chính phủ trình QH cũng sẽ là tài sản quốc gia. Cái đáng nói hơn là năm cao tốc này sẽ “mở ra không gian phát triển”. Nhìn một cách biện chứng, nếu không thu phí thì chi phí vận tải sẽ giảm đi, giá thành nông sản miền Tây sẽ cạnh tranh, lợi ích cho nông dân, nông nghiệp sẽ cao hơn rất nhiều.

Ông tiếp: “Có đường thì mới biết bao nhiêu người đi chứ. Nên ta không nên quá quan trọng việc bán quyền thu phí hay tự thu phí. Kiểu gì cũng tốt cả!”. Đó có thể là cái nhìn về lợi ích tầm xa, rất xa của một ĐB từng là lãnh đạo của ngành KH&ĐT.

Và đó cũng là tư duy, tầm nhìn mà các ĐBQH chắc hẳn đều có để hài hòa giữa cái chung - cái riêng, giữa lợi ích ngắn hạn và dài hạn.

Vậy nên các vấn đề hệ trọng của quốc gia mới thực sự được quyết định một cách chính xác, công bằng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm