Thứ trưởng Bộ NN&PT NT Phùng Đức Tiến:

‘Chạy đua’ gỡ thẻ vàng, giúp ngư dân an tâm vươn khơi

(PLO)- 2023 là một năm bận rộn đối với Chính phủ và nhiều bộ, ngành, chính quyền địa phương, đặc biệt trong đó là Bộ NN&PTNT, trong việc triển khai đồng loạt các giải pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Bộ NN&PTNT đã thực hiện hàng loạt chương trình kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn triển khai các quy định chống khai thác IUU ở nhiều tỉnh, TP có biển từ Nam chí Bắc. Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng làm việc với các ngành, các cấp, cơ quan, tổ chức liên quan để dốc sức gỡ khó cho ngành thủy sản trong bối cảnh thẻ vàng của Ủy ban châu Âu (EC) vẫn chưa được tháo gỡ.

Chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM nhân dịp đầu năm mới 2024, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến khẳng định: Bộ sẽ cùng tất cả đơn vị liên quan “tranh thủ từng ngày, từng giờ”, dốc toàn tâm, toàn sức để hành động nhằm sớm gỡ thẻ vàng trong năm 2024, giúp nâng cao đời sống, sinh kế, từ đó khuyến khích hàng triệu ngư dân an tâm bám biển, làm giàu từ biển.

Đau đáu với những khó khăn chung

. Phóng viên: Thưa Thứ trưởng, năm 2023 ông đã đến làm việc với nhiều địa phương. Ông nhìn nhận như thế nào về đời sống của bà con ngư dân trong bối cảnh EC gắn thẻ vàng với hải sản Việt Nam (VN) từ cuối năm 2017 đến nay?

10-11-Tien.jpg
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến.

+ Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Tôi đến làm việc ở một số nơi và thấy bà con than phiền đánh bắt về không có lãi hoặc có cũng rất ít, nhiều hộ còn bị lỗ do giá cả hải sản thấp, chi phí ra khơi thì tăng. Đó là chưa kể thiên tai, địch họa, ra khơi không may gặp nạn có khi còn mất trắng. Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều bà con ngư dân chưa chuyển đổi nghề phù hợp khi bỏ nghề biển, vì vậy đời sống đã khó nay còn khó hơn. Điều đó khiến chúng tôi rất day dứt, tìm kiếm mọi cách và dồn hết tâm sức gỡ khó để ngư dân an tâm bám biển.

EU là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn thứ hai của VN, luôn chiếm trên 17% tổng kim ngạch xuất khẩu trong nhiều năm qua. Việc EC gắn thẻ vàng đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động xuất khẩu thủy sản khai thác của VN sang thị trường châu Âu (giảm liên tục qua các năm: Giảm 6% năm thứ nhất, 5% năm thứ hai, 10% năm thứ ba và 16% năm thứ tư). Hải sản do bà con đánh bắt về khó xuất khẩu hơn hoặc thậm chí không được xuất khẩu nên giá trị giảm. Cùng với những khó khăn về kinh tế vĩ mô, đặc biệt là dư âm sau đại dịch COVID-19, đời sống của bà con ngư dân gặp nhiều khó khăn hơn.

Thực tế nhiều năm qua, Chính phủ luôn triển khai nhiều giải pháp, thực hiện nhiều khuyến nghị của EC để bà con ngư dân bám biển đúng luật, đúng cách. Tuy nhiên, thực tế triển khai vẫn còn phát sinh nhiều vấn đề đòi hỏi chúng ta phải linh hoạt, tìm thêm nhiều giải pháp mới. Bên cạnh đó, phải có những giải pháp mang tính đột phá trong thực thi chính sách để mang về hiệu quả cao. Đó cũng là điều mà chúng tôi luôn đau đáu khi đi thực tế, chứng kiến những khó khăn chung của bà con.

Những hạn chế cần giải quyết

. Chính phủ đã thể hiện quyết tâm gỡ thẻ vàng từ giai đoạn 2018-2019, đến nay đã qua sáu năm, vì sao EC vẫn chưa đồng ý gỡ thẻ vàng cho hải sản VN?

+ Phía EC đã có những khuyến nghị tương đối rõ ràng, có thể định lượng được, bao gồm bốn nhóm: (i) Hoàn thiện khung pháp lý; (ii) Theo dõi, kiểm tra, kiểm soát hoạt động của tàu cá, quản lý đội tàu; (iii) Chứng nhận sản lượng và truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác; (iv) Thực thi pháp luật.

Đến nay, quan điểm của Chính phủ và các bộ, ngành, nhiều địa phương là đồng nhất và rõ ràng từ trên xuống dưới, gỡ thẻ vàng là nhiệm vụ trước mắt, mục tiêu lâu dài là phát triển nghề cá bền vững. Chính phủ và các bộ, ngành cũng triển khai các đầu việc cụ thể, rõ ràng, mạch lạc. Ví dụ, về hoàn thiện khung pháp lý, từ năm 2019 Chính phủ đã ban hành Nghị định 26/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản và Nghị định 42/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản. Đến nay, các đoàn thanh tra của EC cơ bản đã đồng thuận với hành lang pháp lý của VN xây dựng và triển khai.

Hay như vấn đề theo dõi, kiểm tra, kiểm soát hoạt động của tàu cá, quản lý đội tàu, Chính phủ quán triệt và thường xuyên kiểm tra, đôc đốc, giám sát các bộ, ngành và địa phương thi hành; không phải chỉ áp đặt chỉ đạo hành chính mà còn động viên, tư vấn, hướng dẫn, đồng hành để làm sao cho các chủ tàu gắn các thiết bị theo quy định, thực hiện quy trình theo dõi, kiểm tra tàu theo hướng dẫn của EC...

Thế nhưng có quy định của pháp luật rồi, những công việc cơ bản cũng triển khai rồi, các lực lượng chức năng cũng rất sát sao với ngư dân nhưng “độ chín” của việc thực thi các khuyến nghị từ EC vẫn chưa tới. Hồi tháng 10-2023, đoàn thanh tra của EC sang VN chỉ ra: (i) Vẫn còn tình trạng tàu cá khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài; (ii) Việc thực thi pháp luật ở các địa phương còn chưa đồng đều, trong đó một số tổ chức, cá nhân còn thiếu trách nhiệm khi thực thi công vụ, chậm xác minh và xử lý các hành vi phạm pháp; (iii) Vẫn thiếu quyết liệt trong việc quản lý đội tàu, theo dõi, kiểm soát hoạt động của tàu cá; (iv) Việc truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác vẫn còn nhiều thiếu sót...

Tất cả hạn chế nói trên đã được nêu rõ trong công điện của Thủ tướng Chính phủ hồi đầu tháng 11-2023 đến các bộ, ban ngành và các địa phương.

10-11-Anh-1.jpg
Năm 2024, các lực lượng chức năng sẽ quyết liệt giám sát, xử lý, hướng đến xóa bỏ hoạt động đánh bắt cá trái phép, gỡ thẻ vàng để ngư dân an tâm vươn khơi. Trong ảnh: Tàu Kiểm ngư KN290 của Việt Nam. Ảnh: ĐT

Đột phá trong thực thi pháp luật

. Công điện của Thủ tướng hồi tháng 11-2023 và các chỉ đạo của Chính phủ sẽ ở tầm vĩ mô và hàm chứa nhiều nhiệm vụ. Làm sao để việc thực thi chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ nói chung và của Bộ NN&PTNT nói riêng một cách hiệu quả khi về đến các làng chài, cảng cá?

+ Tôi đi kiểm tra thực tế ở nhiều nơi, thấy hầu hết chính quyền địa phương, các cơ quan, lực lượng chức năng (biên phòng, cảng cá, chi cục thủy sản…) tranh thủ từng ngày, từng giờ để giúp đỡ ngư dân, để họ hiểu luật và thực thi luật. Họ còn “cà phê sáng” rồi nhắn tin với nhau qua nhiều kênh để phổ biến thông tin cho nhau. Ngư dân hầu hết đã nắm được các quy định của pháp luật, có những chủ tàu U-70, U-80 vẫn có thể theo dõi hành trình của tàu qua điện thoại thông minh, nói rành rọt các quy định của pháp luật khi tham gia đánh bắt hải sản…

Vậy vấn đề chính nằm ở đâu? Đó là vẫn còn chủ tàu biết luật nhưng cố tình vi phạm hoặc tìm cách lách luật; còn chính quyền chưa kiên quyết xử lý hoặc xử lý chưa nghiêm. Tôi biết vẫn còn nhiều nơi có tâm lý dễ dãi, thiếu trách nhiệm; có những nơi có tâm lý “du di” khi xử phạt ngư dân vì thấy họ làm ăn khó khăn…

Vấn đề khác tôi rất lưu tâm từ các chuyến đi thực tế đó là: Thời gian tới chúng ta phải quan tâm sâu sắc hoạt động khai thác vùng bờ, vùng lộng; khu vực này nếu không kiểm soát tốt các hoạt động khai thác, ảnh hưởng rất lớn đến ngư trường nguồn lợi. Vì vậy, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền song song với giám sát, gỡ vướng khó khăn, mở ra nhiều hướng sinh kế khác nhau để bà con ngư dân khu vực ven bờ tuân thủ “đánh cá có trách nhiệm”, bảo vệ nguồn lợi bền vững.

Tôi cũng muốn nhắn nhủ: VN có đến khoảng 86.000 tàu thuyền, cùng vươn khơi ở một vùng biển khiêm tốn trong bối cảnh nguồn lợi hải sản ngày càng cạn kiệt. Vậy nên mình không thể nghĩ rằng đi biển là chỉ khai thác mà cần có giải pháp bảo vệ nguồn lợi tài nguyên cho thế hệ sau. Trong tâm thế đó, cần cấu trúc lại ngành thủy sản VN, không phải chỉ để gỡ thẻ vàng mà vì phát triển cuộc sống của người dân vùng biển bền vững.

10-11-Anh-3.jpg
Việt Nam quyết tâm gỡ cảnh báo thẻ vàng không phải chỉ để đối phó với châu Âu mà vì lợi ích lâu dài của hàng chục triệu ngư dân, của ngành kinh tế biển Việt Nam. Ảnh: HUỲNH HẢI
10-11-Anh-2.jpg
Thời gian tới chúng ta phải quan tâm sâu sắc hoạt động khai thác vùng bờ, vùng lộng. Ảnh: HUỲNH HẢI

. Vậy thời gian tới có những nhóm nhiệm vụ cụ thể nào sắp được triển khai, thưa ông?

+ Về tổng thể từ nay đến đợt thanh tra lần thứ năm của đoàn thanh tra của EC (dự kiến cuối quý II-2024), các bộ, ngành và địa phương phải thực hiện nghiêm 10 nhiệm vụ mà Thủ tướng đề ra trong công điện vừa rồi. Mỗi bộ, ngành và các địa phương phải vạch ra danh sách các đầu việc cụ thể, có thể định lượng được, có lộ trình và người chịu trách nhiệm rõ ràng để thực thi và giám sát thực hiện các nhiệm vụ đề ra.

Nói tóm lại, dù còn một số quy định của pháp luật cần được điều chỉnh thì vấn đề gỡ thẻ vàng của EC nằm ở chỗ “đột phá công tác thực thi chính sách và pháp luật”. Không còn thời gian để bàn lùi, để kể khó mà bây giờ cả bộ máy phải dồn hết tâm huyết, sức lực, chạy đua với thời gian để làm đến nơi đến chốn những đầu việc đã được EC và Chính phủ, bộ, ngành, địa phương chỉ ra rõ ràng.

Tôi muốn nhấn mạnh chúng ta quyết tâm gỡ cảnh báo thẻ vàng không phải chỉ để đối phó với EC, mà vì lợi ích lâu dài của hàng chục triệu ngư dân, của ngành kinh tế biển VN. Không chỉ EU mà hiện nay các thị trường giàu có và khó tính khác như Mỹ, Nhật Bản cũng đã có quy định tương tự như EC, rồi họ cũng sẽ áp “thẻ vàng”, “thẻ đỏ” với các thị trường thiếu tính thượng tôn pháp luật, thiếu các tiêu chuẩn chung của nền kinh tế có mức độ toàn cầu hóa cao. Vì vậy, làm tốt việc gỡ thẻ vàng của EC cũng tức là đang tự cứu mình khỏi những thách thức, thiệt hại có thể xảy ra trong tương lai ở thị trường khác.

. Xin cảm ơn ông.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm