Chạy nước rút ôn thi tốt nghiệp THPT

(PLO)- Kỳ thi tốt nghiệp THPT đang đến gần. Thời điểm này, học sinh lớp 12 tăng tốc luyện đề, tổ chức học nhóm trong khi các trường tăng cường kiểm tra, tổ chức thi thử, phân hóa học sinh để ôn tập.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 sẽ diễn ra trong hai ngày 28 và 29-6. Từ ngày 4-5, thí sinh bắt đầu đăng ký dự thi trực tuyến. Thí sinh sẽ có 10 ngày để đăng ký.

Dồn sức cho kỳ thi tốt nghiệp

“Năm nay, kỳ thi tốt nghiệp diễn ra sớm hơn so với mọi năm, đồng nghĩa thời gian ôn thi của chúng em sẽ bị rút ngắn. Tuy nhiên, nhà trường đang đẩy nhanh tiến độ ôn tập nên em không lo lắng lắm” - Phan Quỳnh Như, học sinh (HS) lớp 12 Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3, bộc bạch.

Đăng ký dự thi tổ hợp khoa học xã hội, từ đầu tháng 5, Như đã phân chia lại thời khóa biểu. Môn giáo dục công dân yêu cầu đọc hiểu kết hợp với vận dụng lý thuyết nên Như dành 2 tiếng/ngày để học. Trong khi đó, lịch sử và địa lý 100% lý thuyết, yêu cầu số liệu chính xác nên Như thường học bằng phương pháp vẽ sơ đồ tư duy, cố gắng học mỗi ngày một ít. Thời gian còn lại trong ngày, Như tập trung cho ba môn văn, toán, tiếng Anh phục vụ xét tuyển vào đại học.

Ngoài thời gian học chính khóa hai buổi ở trường, Như còn đăng ký học thêm toán, tiếng Anh vào buổi tối. “Một tuần, em học thêm ba buổi toán, hai buổi tiếng Anh. Thời gian rảnh em sẽ tự ôn tập, hệ thống lại kiến thức” - Như nói.

Tương tự, Nguyễn Thanh Diễm, HS lớp 12 Trường THPT Trần Nhân Tông, quận Bình Tân, miệt mài ôn thi suốt ba tháng nay cho kỳ thi quan trọng diễn ra vào cuối tháng 6.

Bên cạnh việc ôn tập và kiểm tra khảo sát ở trường, vào buổi tối Diễm thường học tới 23 giờ để giải đề. “Hiện lịch học trên lớp và kế hoạch tự học đã chiếm gần hết thời gian biểu mỗi ngày nên khá căng thẳng. Em cũng cắt giảm thời gian cho các hoạt động giải trí để ưu tiên cho việc học và sưu tầm đề thi” - Diễm bày tỏ.

Để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT, từ đầu năm học lớp 12, Nguyễn Minh Quang, HS Trường THPT Nguyễn Hữu Cầu, huyện Hóc Môn, đã dành thời gian hệ thống lại kiến thức lớp 11.

Không sử dụng phương thức xét tuyển ĐH bằng học bạ, Minh Quang đã tham dự kỳ thi đánh giá năng lực đợt 1 của ĐH Quốc gia TP.HCM, tuy nhiên kết quả không như mong đơi. “Mục tiêu của em là đậu vào ngành khoa học máy tính Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, do đó em sẽ dồn sức cho kỳ thi sắp tới” - Minh Quang nói và cho biết ngoài học thêm, học trên lớp, em còn học nhóm với bạn để bổ sung kiến thức.

Trong khi nhiều bạn cùng trường áp lực trước kỳ thi thì Nguyễn Hoàng Khang, HS huyện Hóc Môn, lại tỏ ra tự tin khi một tay đã chạm vào ngưỡng cửa của ĐH.

Trong kỳ thi đánh giá năng lực vừa rồi, Khang đạt được 1.005 điểm, số điểm giúp Khang có thể đậu vào nhóm ngành công nghệ thông tin Trường ĐH Khoa học tự nhiên. Tuy nhiên, nam sinh vẫn muốn đậu vào ngành khoa học máy tính ĐH Bách khoa bằng điểm thi tốt nghiệp.

“Từ sau tết, em vừa học trên lớp, về nhà tự ôn lại kiến thức học kỳ 1 lớp 12 và lớp 11. Ngoài thời gian học ở trường, em còn học nhóm với bạn một lần/tuần. Ba môn dùng để xét tuyển ĐH gồm toán, lý, hóa kiến thức khá vững nên em không quá lo lắng” - Khang chia sẻ.

Phân hóa HS, tổ chức thi thử

Giai đoạn này, các trường đẩy nhanh việc hoàn thành chương trình, tập trung ôn cho HS lớp 12.

Bà Nguyễn Thị Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, cho biết nhà trường đang tập trung cho HS khối 12 ôn thi tốt nghiệp. Sau khi kết thúc năm học, trường sẽ tổ chức ôn thi theo hình thức tự nguyện. Cao điểm ôn tập trong bốn tuần, từ ngày 29-5 đến 24-6.

Tại Trường THPT Trần Nhân Tông, ông Đinh Đức Thịnh, Phó Hiệu trưởng nhà trường, cho hay để đảm bảo việc giảng dạy, ôn tập cho HS khối 12 đạt kết quả tốt nhất, ban giám hiệu nhà trường đã chỉ đạo các tổ nhóm chuyên môn xây dựng nội dung chương trình bám theo chuẩn kiến thức kỹ năng để tổ chức ôn tập.

Hằng tuần, nhà trường tổ chức cho HS khối 12 làm bài kiểm tra khảo sát ở tất cả môn thi. Từ đó, trường phân loại HS theo trình độ và có phương án ôn tập thích hợp với năng lực, kiến thức của các em.

Vào đầu tháng 4, trường đã tổ chức họp phụ huynh toàn khối 12 để cùng trao đổi, thống nhất kế hoạch phối hợp giữa gia đình và nhà trường trong việc ôn tập, động viên, khích lệ các em cố gắng hết mình trong thời gian quan trọng này.

Trong khi đó, tại Trường THPT Phú Nhuận, quận Phú Nhuận, ông Trần Công Tuấn, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết sau khi hoàn thành chương trình, dựa trên kết quả học tập của HS cũng như nguyện vọng của các em, nhà trường sẽ xếp lại các lớp ôn tập để phù hợp với năng lực của các em. Trường tổ chức ôn từ ngày 24-5 đến 20-6.

“Ngày 29 và 30-5, trường sẽ tổ chức đợt thi thử tốt nghiệp. Đề thi sẽ do các tổ chuyên môn bám sát theo đề mẫu của Bộ GD&ĐT. Tuy nhiên, nội dung tập trung vào kiến thức học kỳ 2 để kiểm tra kiến thức của các em. Việc tổ chức thi nhằm giúp HS làm quen với cường độ thi mỗi buổi ba môn. Sau khi chấm thi, dựa trên kết quả, trường sẽ có kế hoạch ôn tập phù hợp trong tháng 6” - bà Hoàng Thị Hảo, Hiệu trưởng Trường THPT Đào Sơn Tây, TP Thủ Đức, nói.•

Kết quả thi tốt nghiệp THPT sẽ được công bố lúc 8 giờ ngày 18-7

Bộ GD&ĐT quy định rõ điểm thi tốt nghiệp THPT sẽ được công bố đồng loạt vào 8 giờ ngày 18-7.

Chậm nhất ngày 20-7 xét công nhận tốt nghiệp THPT.

Chậm nhất ngày 24-7 cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời, trả học bạ và các loại giấy chứng nhận liên quan (bản chính) cho thí sinh, in và gửi giấy chứng nhận kết quả thi cho thí sinh.

Từ ngày 18 đến 27-7, thu nhận đơn phúc khảo và lập danh sách phúc khảo.

Chậm nhất ngày 12-8 xét công nhận tốt nghiệp THPT sau phúc khảo.

(Bộ GD&ĐT)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm