Hãng tin The Guardian hôm 7-10 dẫn lời ông Raffles Brotestes Panjaitan, Giám đốc kiểm soát cháy rừng thuộc Bộ Môi trường và Lâm nghiệp Indonesia, cho biết: “Đốt rừng là nguyên nhân chủ yếu nhất gây nên tình trạng mù khô hiện nay”.
Một tháng gần 10.000 vụ cháy
Ông Raffles nói rằng không những người dân mà các tập đoàn lớn đã vi phạm pháp luật chỉ vì lợi nhuận. Họ đã tiến hành đốt rừng để phục vụ cho mục đích sản xuất giấy và dầu cọ, ngoài ra còn khai thác than bùn bất hợp pháp. Ông cho biết các bãi than bùn là một bếp cháy âm ỉ lớn và có thể cháy từ độ sâu 10 m.
Theo GS Susan Page - người đến từ ĐH Leicester của Anh: “Vấn đề phát sinh khi các bãi than bùn bốc hơi. Than bùn khô cháy rất dễ dàng và có thể cháy kéo dài nhiều ngày hoặc nhiều tuần, thậm chí còn âm ỉ dưới lòng đất và lan rộng từ nguồn phát cháy ban đầu. Điều này khiến công tác dập tắt đám cháy trở nên khó khăn hơn”.
Các đám cháy thường xảy ra vào mùa khô hằng năm. Các nhà khoa học đã cảnh báo rằng năm nay chứng kiến một cảnh tượng tồi tệ nhất hơn bao giờ hết. Ngoài ra, một phần do hệ thống thời tiết El Nino đã làm cho điều kiện các khu rừng ở Indonesia trở nên khô hơn.
Đã có gần 10.000 vụ cháy trong tháng qua ở khu vực Kalimantan (thuộc đảo Borneo của Indonesia) và đảo Sumatra. Khói cay đã tràn qua các nước láng giềng như Malaysia, Singapore và Thái Lan.
Một vụ cháy rừng ở Nam Sumatra. Ảnh: INDEPENDENT
Khói có khả năng gây chết người
Việc đốt rừng bất hợp pháp để phá hoang làm đất trồng trọt ở Indonesia đã làm khói cay lan tỏa mạnh, ảnh hưởng nghiêm trọng không những nước này mà còn ở Singapore và Malaysia. Hơn 2.000 trường học tại Malaysia và nhiều ngôi trường tại Singapore đã phải đóng cửa. Các sự kiện ngoài trời buộc phải dừng lại vì tình trạng ô nhiễm.
Không những là một nhân tố gây nên quá trình nóng lên toàn cầu, những đợt khói dày khi tấn công vào các TP trong khu vực có khả năng gây chết cho nhiều người dân và cũng đang phá hủy môi trường sống quan trọng cho các loài quý hiếm như đười ươi và báo gấm.
Ảnh hưởng của các đám cháy rừng và than bùn theo dự đoán sẽ lớn hơn với ước tính khoảng 110.000 người đang bị đe dọa tính mạng và hơn 75.000 người có thể bị nhiễm trùng đường hô hấp do các đám khói lớn.
Các mối đe dọa tới động vật hoang dã cũng cực kỳ cao. Rừng than bùn đầm lầy nhiệt đới là một trong những hệ sinh thái quan trọng nhất trên thế giới. Đây là nơi sinh sống của các động vật hoang dã sắp tuyệt chủng, bao gồm đười ươi, vượn ở nam Bornean và báo gấm.
Vụ cháy rừng Indonesia đợt này đã gây ra mật độ CO2 phát tán cao hơn cả các vụ cháy rừng tại Anh. Các đám cháy xảy ra ở khắp các khu rừng và các khu vực có bãi than bùn ở Indonesia làm lượng khí CO2 tăng cao.
Trong vụ cháy rừng tại Indonesia hồi năm 1997, lượng khí CO2 theo ước tính của các nhà khoa học là 0,81-2,57 gigaton (Gt), tương đương 13%-40% tổng lượng khí thải nhiên liệu hóa thạch hằng năm trên toàn thế giới. Điều này dẫn đến lượng CO2 tăng kỷ lục trong năm. Trong khi đó lượng khí carbon phát thải tại Anh trong cả năm 2014 là 0,52 Gt.
Sương mù bao trùm TP Kualar Lumpur hôm 3-10. Ảnh: CNA Khu phố Phú Mỹ Hưng, quận 7 (TP.HCM) vào lúc 9 giờ 30 sáng 8-10 vẫn mờ mờ ảo ảo. Ảnh: HỒNG MINH
Căng thẳng với láng giềng
Căng thẳng đã gia tăng giữa Indonesia và các láng giềng nước này khi khói mù lan rộng sang khắp khu vực. Chuỗi siêu thị lớn nhất của Singapore hôm 7-10 thậm chí đã thu hồi các sản phẩm giấy của một công ty quốc doanh của Indonesia mà bị cáo buộc liên quan đến các đám cháy.
Phía Malaysia cũng đã lên tiếng yêu cầu giới chức trách Indonesia giải quyết tình trạng cháy rừng tại nước này vì các hoạt động sinh hoạt tại Malaysia hiện đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
“Chúng tôi đồng ý sẽ hợp tác với các nước láng giềng trong nỗ lực ngăn chặn các vụ cháy rừng” - phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Indonesia Arrmanatha Nasir nói với AFP.
Các nước chung tay dập cháy
Theo The Guardian, Jakarta đã triển khai khoảng 25.000 nhân sự và máy bay để dập tắt các đám cháy trên đảo Sumatra và một phần Borneo của Indonesia nhưng lính cứu hỏa dường như không thể nào giải quyết hết với các đám cháy quy mô như vậy.
Singapore đã đề nghị cung cấp cho Indonesia máy bay để gây mưa nhân tạo và dùng bom nước cũng như cung cấp nhân viên giúp chống lại các đám cháy.
Ngày 8-10 tổng thống Indonesia cũng kêu gọi bốn quốc gia gồm Singapore, Nga, Malaysia và Nhật giúp đỡ nước này trong việc dập tắt các đám cháy rừng khi lượng khói độc hại ngày càng tràn ra khu vực trên phạm vi rộng.
“Các hình thức hỗ trợ cần thiết sẽ liên quan đến các biện pháp để dập các đám cháy giống như bom nước và tạo mưa nhân tạo vì các khu vực bị ảnh hưởng vào thời gian này là lớn hơn nhiều so với những năm trước đó” - phát ngôn viên tổng thống Indonesia Ari Dwipayana nói với AFP.
TP.HCM: Gia tăng số người bị viêm đường hô hấp Trao đổi vớiPháp Luật TP.HCM, ông Đặng Văn Dũng, Phó Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, cho biết từ phân tích hướng gió và báo cáo từ các tỉnh những ngày qua cho thấy có xuất hiện mù khô, nguyên nhân là do từ bên ngoài, rõ nhất là các vụ cháy rừng từ Indonesia. Những ngày qua mù khô thường lơ lửng trên cao khoảng 50 m trở lên. Hiện tượng mù khô những ngày qua đã xảy ra trên diện rộng khắp miền Nam, đậm đặc nhất là vào ngày 5-10. Thời điểm đó ở các đảo Côn Đảo, Thổ Chu, mù khô dày đặc như một lớp sương mù bao phủ. Ở Cần Thơ và Cà Mau mù khô làm cho tầm nhìn giảm xuống rất thấp, có nơi tầm nhìn chỉ còn 1-2 km. Tuy nhiên, hiện tượng này đã giảm bớt nhiều nơi, nhất là khi có mưa. Ông Dũng nhận định: “Đây là hiện tượng do con người gây ra (đốt rừng) nên chúng tôi không thể dự đoán diễn biến như các hiện tượng thời tiết trong tự nhiên. Hiện tượng này nếu chỉ diễn ra vài ngày thì sẽ không ảnh hưởng tới mùa màng. Với những người có thể trạng yếu thì có thể gặp chút rắc rối về đường hô hấp nhưng không nguy hiểm lắm. Ở những nước như Indonesia, Malaysia, Singapore, mù khô mới thực sự là vấn đề bởi nó có thể xuất hiện vài tuần hoặc vài tháng với mức độ nghiêm trọng hơn Việt Nam rất nhiều”. Ngoài ra, từ tháng 10 trở đi có thể xuất hiện sương mù vào buổi sáng và buổi chiều ở nhiều nơi nên không phải lúc nào không gian mờ ảo cũng tại mù khô. TS Nguyễn Trọng Minh, bác sĩ BV Chợ Rẫy, cho rằng mù khô nếu quan sát bằng mắt thường thì thấy giống như sương mù nhưng về bản chất hoàn toàn khác nhau. Sương mù là hiện tượng của thời tiết được tạo thành từ hơi nước. Còn mù khô những ngày qua chính là tro của cây cối bị cháy. Mù khô ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân, có thể gây bệnh lý về đường hô hấp trên. Đường hô hấp trên là viêm mũi, viêm xoang, viêm họng, viêm amidan, viêm thanh quản. Nếu tình trạng kéo dài có thể ảnh hưởng đến toàn bộ đường hô hấp gây ra viêm phổi. Tuy nhiên, với mức độ mù khô có thể quan sát được mấy ngày qua, một số người có thể gặp rắc rối về bệnh lý hô hấp nhưng không nguy hiểm. TS Nguyễn Trọng Minh thông tin: “Phòng khám tai mũi họng của BV Chợ Rẫy bình thường có khoảng 120-150 bệnh nhân/ngày, vài ngày qua số bệnh nhân tăng lên trên dưới 200 bệnh nhân/ngày. Tôi được biết là ở BV Nhi đồng, số bệnh nhi mắc bệnh về đường hô hấp cũng tăng lên”. Theo BS Minh, bầu không khí ở TP.HCM và một số TP lớn của Việt Nam đã bị ô nhiễm lâu nay do khí thải xe và nhiều hoạt động khác của con người. Ông nói: “Tỉ lệ viêm đường hô hấp của người dân đã cao, cùng hiện tượng mù khô mấy ngày qua đã đẩy tỉ lệ viêm đường hô hấp tăng cao hơn nữa”. BS Minh đưa ra lời khuyên: “Chúng ta có thể hạn chế tác hại của mù khô bằng cách đeo khẩu trang khi ra đường, không có cách nào khác bởi chúng ta chịu ảnh hưởng một cách thụ động”. HỒNG MINH |