'Chi tiêu phải mạnh tay, đừng bủn xỉn như thời gian qua'

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Như PLO đã thông tin, Bộ KH&ĐT sáng 1-10 tổ chức hội nghị tham vấn về hoàn thiện Chương trình phục hồi kinh tế bền vững đến năm 2023.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khi phát biểu khai mạc nhấn mạnh rằng: “Năng lực nội tại, sức chống chịu của nền kinh tế ngày càng giảm sút; nguồn lực của cộng đồng doanh nghiệp ngày càng bị bào mòn; đời sống của người dân, người lao động gặp nhiều khó khăn”.

Các doanh nghiệp cũng mô tả thực trạng hiện nay của chính mình và kiến nghị nhiều chính sách ngắn hạn, dài hạn. Các chuyên gia thì khuyến nghị những chính sách mà chiến lược phục hồi cần phải chú ý.

TS Nguyễn Đình Cung cho rằng: cần phải nói thật hơn về tình hình trong nước. Bởi 2021 sẽ là năm thứ 2 liên tiếp không đạt mục tiêu đã đề ra. Nếu muốn đạt mục tiêu thì giai đoạn 2022-2024 phải tăng tốc để làm bệ đỡ cho năm 2025 là thời điểm mà Đại hội XIV được chuẩn bị.

“Chúng ta bị tổn thất rất nhiều bởi dịch bệnh và hàng triệu người mất việc làm, cầu giảm mạnh. Năng lực phục hồi cả cung - cầu đều yếu”, TS Cung nói. Ông đề nghị phải giải quyết những điểm nghẽn về nguồn lực, về cơ cấu kinh tế, về tài khóa, tín dụng…

“Dư địa chính sách còn hay không, nhỏ hay to là do chúng ta tự quan niệm, đánh giá. Cần phải chi mạnh vào, nếu không chi là có tội, không thể chi bủn xỉn như thời gian qua”, TS Cung nói về việc chi cho đầu tư, phát triển.

TS Nguyễn Đình Cung cho rằng: tính mạng, sức khỏe người dân là trên hết còn phải bao gồm cả vấn đề sinh kế. Ảnh: MPI

Về quản lý nhà nước trong thời COVID-19, ông Cung cho rằng nhiều khi chúng ta nói cuộc sống phải an toàn và cần nhất phải nhấn mạnh “sinh mạng – sinh kế” là hai mặt của một vấn đề.

“Lâu nay ta cứ bảo “tính mạng, sức khỏe của người dân là trên hết” nên ta nhấn mạnh y tế và coi nhẹ sinh kế. Vì thế trong hành động chúng ta đưa ra thông điệp sai lệch và kéo theo hành động sai lệch, có những chỗ cực đoan”, ông Cung nói.

Từ đó, ông Cung cho rằng cần phải có chính sách kiểm soát dịch bệnh mới, mở cửa nền kinh tế và các chính sách phải do Chính phủ hoặc Thủ tướng ban hành. “Nếu để Bộ Y tế tự mình làm như hiện nay thì rất sai lệch”, ông Cung nói thẳng và cho rằng cần tăng cường năng lực y tế cơ sở.

Về các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã… ông Cung nói cần phải giảm chi phí, giảm các loại phí hiện doanh nghiệp đang phải nộp như: phí kiểm định, phí đường bộ trong hai năm liền.

“Nên miễn tất cả các loại thuế đang hoãn nộp, có chính sách tín dụng đặc biệt cho một số ngành bị tê liệt như du lịch, hàng không, miễn kinh phí công đoàn miễn ba năm liền”, ông Cung đề xuất.

Ông cũng cho rằng cần phải đẩy mạnh cải cách thể chế, thủ tục hành chính, môi trường kinh doanh và tư pháp.

 

Dần dần sẽ tốt lên

Do xoay chuyển chiến lược nên tình hình bây giờ đã tốt dần lên, và sẽ còn tốt lên nữa, khác với lúc đầu chúng ta có những phương cách chưa phù hợp cho lắm.

Năm nay, tăng trưởng cũng chỉ khoảng 3% và chúng ta có hai năm liên tiếp không đạt mục tiêu. Đó là một thách thức cho 2022 và các năm sau. Nếu không có các chính sách đủ mạnh thì không thực hiện được mục tiêu chứ chưa nói đến khát vọng. Nếu không có các chính sách phù hợp thì tụt hậu của nền kinh tế sẽ xa hơn, và ta lại có nhiều mục tiêu không đạt.

Đó là thách thức rất lớn.

'Chi tiêu phải mạnh tay, đừng bủn xỉn như thời gian qua' ảnh 2
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: MPI

Chương trình phục hồi kinh tế đang xây dựng phải thực thi được ngay và hiệu quả, nền kinh tế tận dụng được cơ hội để phục hồi nhanh. Chương trình phải hướng tới mục tiêu tạo nền tảng, hỗ trợ các động lực tăng trưởng trong giai đoạn phục hồi khi dịch bệnh được kiểm soát.

Đồng thời cũng cần bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tạo việc làm và phát triển nguồn nhân lực bền vững, hạn chế làm ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu, định hướng, tầm nhìn dài hạn

Cải cách thể chế, thủ tục hành chính, môi trường kinh doanh, tháo gỡ ngay các vướng mắc cho DN, đó là những việc Chính phủ đang làm và tiếp tục làm. Chúng tôi sẽ lưu ý khi xây dựng chính sách.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm