Trung tuần tháng 3-1954, Tiểu đoàn 436 (thuộc Trung đoàn 101, Sư đoàn 325) đang chiến đấu ở chiến trường Hạ Lào và Đông Bắc Campuchia thì nhận được thông báo của Bộ Tổng tư lệnh là ta đã đánh “Trần Đình” (mật danh chiến dịch Điện Biên Phủ). Lúc này tôi mới hiểu là nhiệm vụ thọc sâu của đơn vị mình nhằm mục đích phối hợp, chia lửa với chiến dịch “Trần Đình”.
Chiến trường không hạn chế
Trước đó, đêm 19-12-1953, lệnh hành quân ban bố, Tiểu đoàn 436 được trang bị súng ống đầy đủ, lấy phiên hiệu “Chí Long” tách khỏi Trung đoàn 101 (Đại đoàn 325, trực thuộc Bộ Tổng tư lệnh) lên đường làm nhiệm vụ. Trước lúc hành quân, ngoài lương thực thực phẩm quân trang, tiểu đoàn được cấp 1 triệu đồng tiền Đông Dương và mỗi người được cấp thêm một miếng bạt dài 2 m, rộng 1 m để che mưa. Đoàn quân cứ thế hành quân ròng rã từ phía tây Nghệ An vào chiến khu Ba Lòng (Quảng Trị), rồi bắt đầu luồn sâu vào dãy Trường Sơn chứ không được phổ biến rõ sẽ đến chiến trường nào.
Bộ đội Việt Nam và Pathét Lào sau chiến thắng chiến dịch Trung-Hạ Lào, tháng 5-1954. Ảnh: TƯ LIỆU
Một chỉ đạo hết sức hệ trọng, trước lúc lên đường làm nhiệm vụ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp trực tiếp viết thư tay đến đơn vị. Bức thư có đoạn viết: “Các đồng chí lần này đi làm nhiệm vụ yêu nước và quốc tế, rất gian khổ nhưng rất vẻ vang. Phương châm hoạt động là quân sự và chính trị song song; củng cố và phát triển song song; độc lập hoạt động, tự lực, tự cường và tự túc; chiến trường không hạn chế; thời gian không hạn định. Chúc các đồng chí đã đi là chiến thắng, xứng đáng với truyền thống bộ đội Cụ Hồ”.
Vì giữ bí mật nên bức thư này chỉ được phổ biến rất hạn chế ở một số cán bộ chủ chốt. Sau này ngẫm lại mới thấy sự tài tình của Đại tướng Võ Nguyên Giáp về điều binh thọc sâu ở các chiến trường để thu hút lực lượng địch, vận động chiến đấu hoạt động độc lập và công tác hậu cần, tạo thế cho quân chủ lực mở chiến dịch Điện Biên. Trước lúc lên đường, đồng chí Đồng Sỹ Nguyên, đặc phái viên của Tổng Quân ủy, còn dặn dò: “Các đồng chí càng tích cực chiến đấu thì càng gần đến ngày gặp đơn vị bạn”. Còn đơn vị bạn là đơn vị nào thì không ai biết.
Cuộc hành quân ròng rã, ngày đi đêm nghỉ, theo lối mòn của đồng bào thiểu số vì lúc hành quân không có bản đồ chỉ dẫn, không có ai dẫn đường. Mặt khác, trong mật lệnh của Đại tướng ngầm chỉ đạo phải “tự lực, tự cường và tự túc” không có tiếp tế nên ban ngày hành quân, tối bộ phận hậu cần phải leo lên núi cao để liên lạc với đồng bào thiểu số bớt áo quần đổi bắp, sắn để cầm hơi. Tôi không thể nhớ hết đơn vị mình đã vượt qua bao nhiêu con sông, con suối, trèo qua bao nhiêu dốc núi trơn trượt, rêu phong chưa có dấu chân người. Một sự cố đau lòng, khi tiểu đoàn hành quân qua đỉnh núi Ngọc Linh cao hơn 2.050 m, tiểu đội trưởng của Đại đội 88 chẳng may bị trượt chân, hai quả mỏ vịt vướng vào dây chạc dìu phát nổ khiến đại đội trưởng và một số người thương vong.
Nhân dân Lào tặng hoa cho bộ đội tình nguyện Việt Nam sau chiến dịch Trung Lào, tháng 12-1953. Ảnh: TƯ LIỆU
Những trận chiến vang dội
Băng núi, vượt rừng gần hai tháng trời, cuối cùng tiểu đoàn cũng đến căn cứ ở Hạ Lào. Một hôm, chiến sĩ bảo vệ vào báo có một người đàn ông thiểu số đóng khố, ở trần, da đen cháy, mang theo xắc bên hông xin vào gặp chỉ huy. Khi vào người đàn ông tự giới thiệu là Lê Viết Muồng, quân tình nguyện Liên khu 5, được cử lên giúp bạn Lào. Để hòa cùng đồng bào, đồng chí Muồng phải chịu đau đớn “cà răng, căng tai”, đóng khố mình trần, phơi nắng cho đen cháy, rồi học tiếng Khạ (một bộ tộc của Lào) để dễ bề hoạt động. Tấm gương quên mình, cống hiến tất cả tuổi thanh xuân cho cách mạng của đồng chí Muồng khiến anh em trong đơn vị rất cảm phục.
Chiến thắng trận đầu trên đất bạn diễn ra ở cứ điểm Pui. Đây là cứ điểm quan trọng bảo vệ vòng ngoài khiến địch ở thị xã Mường Mày, tỉnh A-tô-pơ hoang mang, rút chạy về tỉnh Pắc-xế. Đến tháng 2-1954, đơn vị tiến về cao nguyên Bô-lô-ven, truy kích và tiêu diệt các đồn bốt Huội Coòng, Tha Leng, Lào Ngam… và giải phóng cao nguyên Bô-lô-ven. Qua 10 ngày chiến đấu, tiểu đoàn cùng 200 quân tình nguyện ở Hạ Lào đã loại khỏi vòng chiến đấu khoảng 3.000 tên địch, giải phóng hơn hai vạn km2 với 30 vạn dân. Tình thế này buộc Pháp phải điều hai binh đoàn từ Bắc Bộ và Xê-nô xuống Pắc-xế và Saravan để đối phó với cuộc tấn công của ta và bạn ở Hạ Lào.
Cuối tháng 3-1954, Tiểu đoàn 436 tiếp tục tiến công từ Hạ Lào sang Đông Bắc Campuchia, tấn công diệt cứ điểm Vơn-xai, giải phóng thị trấn Xơn-vai, tỉnh Ra-ta-na-ki-ri. Sau đó giải phóng thị trấn Xiêm-pạng, cách Xơn-vai khoảng 60 km. Đến tháng 6-1954, sau khi tấn công cứ điểm Huội Tệ thuộc tỉnh Krachiê, lúc này khu vực hoạt động của đơn vị chỉ cách Nam Bộ khoảng 100 km theo đường chim bay.
Thiếu tướng Mai Xuân Vĩnh.
Để lại tình cảm, ấn tượng đẹp
Cuối năm 1954 đầu 1955, đơn vị kết thúc nhiệm vụ biệt phái. Tất thảy người trong đơn vị, ai cũng mừng rồi chợt lo vì đường hành quân về nước cũng gập ghềnh, gian nan chẳng kém những ngày ra đi. Cung đường về bắt đầu từ Hạ Lào qua Trung Lào rồi tiếp tục hành quân đường rừng về miền Bắc Việt Nam phải trải qua nhiều ngày dài thăm thẳm, ai cũng thấy trước chứ không mịt mờ như lúc ra đi.
Ngày về diễn ra trong mùa mưa nên hành quân rất gian khổ, đặc biệt vấn đề hậu cần còn gian nan hơn lúc ra đi vì đơn vị hoàn toàn tự túc, trong khi sức khỏe anh em trong đơn vị giảm sút rất nhiều. Bởi qua tám tháng hành quân chiến đấu, ngoài vũ khí, các thiết bị quân trang, thuốc men, lương thực chưa được bổ sung. Thậm chí có tiền cũng không biết mua ở đâu. Năm 1957, sau bảy năm nhập ngũ, lần đầu tiên được nghỉ phép, tôi mới được về thăm nhà trong sự mừng mừng tủi tủi của người thân.
Trải qua hơn 200 ngày hành quân chiến đấu, từ tây Nghệ An, Hà Tĩnh đến các tỉnh Tây Nguyên và phối hợp với các quân dân ở Hạ Lào, Đông Bắc Campuchia để chia lửa với chiến dịch Điện Biên Phủ, Tiểu đoàn “Chí Long” đã tiêu diệt nhiều sinh lực địch, giải phóng nhiều vùng đất đai rộng lớn, để lại tình cảm và ấn tượng tốt đẹp của quân tình nguyện Việt Nam đối với cách mạng và nhân dân nước bạn.
Thiếu tướng MAI XUÂN VĨNH, Phó Đô đốc, nguyên Tư lệnh Hải quân
PHONG ĐIỀN ghi
Cuối tháng 11-1953, cùng với cuộc tiến quân lên Tây Bắc, một cánh quân khác của ta cũng lên đường tiến xuống Trung, Hạ Lào. Tham gia tiến công ở hướng này có Trung đoàn 66 của Đại đoàn 304, các trung đoàn 101 và 18 của Đại đoàn 325, cùng các đơn vị tình nguyện của Liên khu 4, Liên khu 5 phối hợp với nước bạn hoạt động từ những năm trước và một số đơn vị Pathét Lào. Lực lượng của ta tiến vào Trung, Hạ Lào theo ba đường, trong đó Tiểu đoàn 436 thuộc Trung đoàn 101 theo đường Trường Sơn tiến thẳng xuống Hạ Lào phối hợp cùng một đại đội quân tình nguyện Liên khu 5 và bộ đội, du kích Pathét Lào. Đêm 29-1-1953, Tiểu đoàn 436 tiến công cứ điểm Pui. Chỉ sau 30 phút chiến đấu đã tiêu diệt hoàn toàn căn cứ này. Quân Pháp ở thị xã A-tô-pơ bất ngờ, tưởng có cánh quân lớn đang tràn xuống Hạ Lào, vội vã rút về Pắc-xế. Tình hình Pắc-xế cũng trở nên hoảng loạn, quân Pháp chống cự yếu ớt rồi bỏ Pắc-xế, rút về Saravan. Trung tuần tháng 2-1954, Tiểu đoàn 436 và lực lượng vũ trang Lào đã kiểm soát toàn bộ cao nguyên Bô-lô-ven, trong đó có tỉnh A-tô-pơ, rộng gần 20.000 km2. Tướng Nava phải điều lực lượng xuống Hạ Lào tổ chức nhiều cụm cứ điểm bảo vệ các thị xã Saravan và Pắc-xế. |