Ký ức Điện Biên…
Sáng ngày 6/5, triển lãm “Ký ức Điện Biên” được khai mạc tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, Hà Nội với sự có mặt của một số nhân chứng lịch sử đã thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng.
Triển lãm là hoạt động kỷ niệm 60 năm ngày chiến thắng Điện Biên Phủ và hưởng ứng ngày Quốc tế Bảo tàng 18/5/2014 với chủ đề “Sưu tập bảo tàng và kết nối” do Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam tổ chức. Triển lãm cũng nhằm ghi nhận và tôn vinh những đóng góp của các tầng lớp phụ nữ Việt Nam trong chiến dịch Điện Biên Phủ.
Những hình ảnh được trưng bày trong tại triển lãm “Ký ức Điện Biên”.
Với hàng trăm câu chuyện, ảnh và hiện vật của các nhân chứng lịch sử được lựa chọn giới thiệu, triển lãm “Ký ức Điện Biên” thể hiện chân thực cuộc sống, sinh hoạt, không khí náo nức và tinh thần “tất cả vì chiến dịch” của những người mẹ, người chị năm xưa đã không quản ngại khó khăn gian khổ, cống hiến trọn vẹn tuổi thanh xuân cho đất nước.
Những khía cạnh đời thường, những khoảng lặng của chiến tranh cũng được tái hiện sinh động thông qua các hồi ức. Nhiều bức ảnh tư liệu quý giá và những kỷ vật về tình cảm yêu thương của đồng chí, đồng đội, đặc biệt là tình yêu đôi lứa của các chàng trai, cô gái - những chiến sĩ Điện Biên năm xưa được trưng bày tại triển lãm.
…trong tâm trí những người lính năm xưa
Có mặt tại triển lãm, bà Vũ Thị Nhâm (82 tuổi), sống tại Hà Nội) khi tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ mới ngoài 20 tuổi vô cùng xúc động khi hình ảnh của mình được ban tổ chức trưng bày tại triển lãm.
Bà Vũ Thị Nhâm
Nhớ về những ngày tháng gian nan, vất vả bà Nhâm ngậm ngùi: “Hồi tôi mới có 14 tuổi đã là chiến sĩ quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh thuộc Trung đoàn Thủ đô. Sau đó tôi được điều động làm Y tá phục vụ cho chiến dịch Điện Biên Phủ”.
Để tới cứ điểm Điện Biên Phủ, bà Nhâm cùng hàng trăm y tá khác phải hành quân từ Phú Thọ lên Điện Biên. “Do chiến tranh quá ác liệt nên ngày chúng tôi nghỉ ngơi còn đêm thì hành quân thâu đêm để tránh bị giặc phát hiện. Cứ hành quân 2 giờ đồng hồ, chúng tôi lại được nghỉ dừng chân 10 phút”.
Nói về quyết tâm, lòng yêu nước cũng như sự nhiệt huyết của tuổi trẻ, bà Nhâm chia sẻ: “Khi hành quân ai cũng mệt mỏi, khổ cực nhưng vì tiếng gọi của non sông đất nước, ai cũng hăng hái lên đường”.
Bà Vũ Thị Nhâm với bộ quân phục đầu tiên khi tham gia chiến dịch.
Sau khi nhận nhiệm vụ làm y tá ở tuyến ngoài cho chiến dịch Điện Biên Phủ thì bà Nhâm cùng hàng trăm y tá khác phục vụ công tác cứu chữa bộ đội, quân nhân bị thương.
“Nhìn các anh bị thương có hôm về quá nhiều chúng tôi đành làm tất cả các công việc hệt như một bác sĩ thực thụ. Chỉ có hy vọng đất nước được hòa bình mới đem lại động lực cho chúng tôi như thế”, bà Nhâm chia sẻ.
Còn bà Phùng Thị Tâm là y tá đội điều trị 6, khi tham gia chiến dịch mới có 24 tuổi. Với sức trẻ, lòng nhiệt huyết và quả cảm bà đã cùng hàng trăm phụ nữ khác tham gia giúp sức cho chiến dịch thắng lợi.
Bà Phùng Thị Tâm rưng rưng kể lại những ngày tháng phục vụ chiến dịch.
Kể về kỷ niệm đáng nhớ nhất, bà Tâm nói: “Lúc cao điểm thương binh quá nhiều, các anh bị thương trong đau đớn nhưng chúng tôi phải tìm mọi cách động viên tinh thần cũng như “dụ” các anh ăn để đảm bảo sức khỏe. Là y tá nhưng chúng tôi đều phải làm gần như tất cả các công việc cho những quân nhân, bộ đội… bị thương”.
Cả bà Nhâm, bà Tâm cùng hàng trăm chị em khác chiến đấu trong chiến dịch đều òa khóc khi nghe tin chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi vào chiều ngày 7/5/1954. Nhiều người phụ nữ đã ôm nhau khóc, họ khóc vì quá vui mừng, hạnh phúc cho ngày hòa bình lập lại về sau này…
Theo kenh14