Phản ánh đến báo Pháp Luật TP.HCM, một số người dân sống tại hẻm 14 đường Ụ Ghe, phường Tam Phú, TP Thủ Đức, TP.HCM cho biết con hẻm này rộng chưa đến 2 m. Mặt đường chỉ là lớp đất, đá mỏng người dân lưu thông rất khó khăn.
Người dân đã gửi đơn đến UBND phường, Chi cục Thủy lợi TP.HCM để xin phép tự bỏ kinh phí đổ bê tông, mở rộng hẻm, tạo thuận lợi trong việc đi lại nhưng đã lâu chưa được các cơ quan chức năng giải quyết.
Hẻm đã xuống cấp từ lâu
Ông PMP ở đường Ụ Ghe, phường Tam Phú cho biết ông về đây sinh sống từ năm 2005. Con hẻm này có khoảng 40 hộ dân đang sinh sống. Người dân nơi đây muốn ra đường chính thì chỉ duy nhất đi ra bằng con hẻm này. Thực trạng thì con hẻm này đã xuống cấp, hư hỏng từ lâu, mặt hẻm chỉ là lớp đất, đá mỏng, có đoạn hẻm rộng chỉ có 1,2 m nên việc đi lại của bà con gặp nhiều khó khăn. Khổ nhất là mùa mưa, đường ngập nước rất khó và nguy hiểm khi lưu thông.
Cũng theo ông P, từ thực tế trên, người dân trong hẻm đã cùng hội ý và đồng lòng góp tiền để sửa chữa, mở rộng con hẻm, tạo thuận lợi cho bà con đi lại. Sau khi có được kinh phí, bà con nơi đây mừng lắm nên đã gửi đơn lên UBND phường xin phép sửa chữa hẻm ngay. Thế nhưng khi nhận đơn của người dân, phường không đồng ý và cho biết hẻm này là đường đê bao nên phường không thể cấp phép sửa chữa.
Người dân trong hẻm 14 đường Ụ Ghe mong muốn được nâng cấp, sửa chữa hẻm, tạo thuận lợi an toàn cho việc đi lại. Ảnh: NGUYỄN HIỀN |
“Hơn 40 hộ dân ở đây trước nay đi lại chỉ bằng con hẻm này, giờ nó đã quá xuống cấp, đi lại khó khăn. Theo tôi, dù là hẻm công cộng hay là đường đê bao thì lúc này cũng nên có giải pháp sửa chữa vì đã xuống cấp nhiều rồi. Nếu địa phương chưa có kinh phí thì người dân tự bỏ tiền ra làm. Rất mong chính quyền và các cơ quan chức năng hỗ trợ, tạo điều kiện để người dân được sửa chữa con hẻm này” - ông P nói.
Anh PVT, một người dân cũng sinh sống tại hẻm 14 đường Ụ Ghe, cho hay từ năm 2018, người dân đã có đơn gửi UBND phường về việc xin được phép tự bỏ tiền ra để sửa chữa hẻm. Sau đó phường có trả lời là UBND phường không có cơ sở để xem xét.
Tiếp đến, người dân có đơn gửi đến Chi cục Thủy lợi TP.HCM để xin được xem xét, sửa chữa lại hẻm 14. Sau đó, Chi cục Thủy lợi TP.HCM có văn bản hướng dẫn người dân liên hệ UBND TP Thủ Đức để được giải quyết.
Sau nhiều lần gửi đơn phản ánh, ngày 6-7, UBND phường Tam Phú có mời một số người dân sống trong hẻm 14 đến UBND phường để làm việc. Tuy nhiên, tại buổi làm việc cán bộ phường cũng chỉ ghi nhận ý kiến người dân, chứ không trả lời việc có hướng hay giải pháp nào cho việc sửa chữa hẻm 14.
Đang kiến nghị xem xét giải quyết
Trao đổi với PV, ông Phạm Văn Hùng, Chủ tịch UBND phường Tam Phú, TP Thủ Đức, cho biết hẻm 14 đường Ụ Ghe là tuyến đê bao của rạch Ụ Ghe. Hiện tại tuyến bờ bao trên đã được UBND TP Thủ Đức đầu tư đê bao bê tông tường chắn. Tuyến đê bao trên phục vụ cho công tác thủy lợi và đảm bảo việc tiêu thoát nước trong khu vực. Đồng thời, tuyến đê bao này hằng năm được đầu tư nâng cấp công trình nhằm đảm bảo trong công tác chống ngập úng, ứng phó kịp thời khi xảy ra triều cường kết hợp mưa lớn trên địa bàn phường.
Vì thế, việc người dân yêu cầu làm đường bê tông trên tuyến đê bao không thuộc thẩm quyền của phường.
Ông Phạm Văn Hùng cho hay trước đây phường cũng có công văn gửi đến Phòng Tài chính - Kế hoạch và Phòng Quản lý đô thị, UBND TP Thủ Đức về kiến nghị hỗ trợ kinh phí gia cố cấp bách bờ bao rạch Ụ Ghe với tổng kinh phí dự toán gần 7 tỉ đồng. Với kiến nghị trên, hiện phường cũng đang chờ công văn phúc đáp từ TP Thủ Đức.
“Việc người dân tự bỏ kinh phí làm đường hoặc mở rộng các tuyến hẻm phường rất hoan nghênh và ủng hộ. Tuy nhiên, đối với tuyến hẻm 14 là tuyến đê bao thì cũng cần được giải quyết theo đúng quy định. Quan điểm của phường là luôn tạo điều kiện cho sự phát triển về đời sống, vật chất của người dân” - ông Hùng chia sẻ.
Nâng cấp bờ bao thuộc thẩm quyền của TP Thủ Đức
Ngày 27-12-2021, Chi cục Thủy lợi TP.HCM (Sở NN&PTNT TP.HCM) có công văn phản hồi đơn của người dân hẻm 14 đường Ụ Ghe, phường Tam Phú về việc sửa chữa công trình thủy lợi bờ bao rạch Ụ Ghe.
Theo công văn, tại Quyết định 39/2021 của UBND TP.HCM thì hệ thống công trình thủy lợi vừa, lớn hoặc công trình thủy lợi mà việc khai thác, bảo vệ liên quan đến hai địa phương trở lên thì giao Sở NN&PTNT quản lý.
Các công trình còn lại phân cấp cho UBND TP Thủ Đức, UBND quận, huyện quản lý.
Ngoài ra, công văn của Chi cục Thủy lợi TP.HCM cũng nêu rõ công trình nâng cấp bờ bao rạch Ụ Ghe (đoạn từ sông Gò Dâu đến đầu Ụ Ông Cự) do UBND TP Thủ Đức trực tiếp quản lý và có thẩm quyền cấp phép đối với các hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi.
Đồng thời, Chi cục Thủy lợi TP.HCM cũng hướng dẫn người dân liên hệ UBND TP Thủ Đức để được giải quyết.