Ngày Tết cũng như ngày thường, các thủy thủ tại Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải khu vực II (Danang MRCC) luôn ngóng về hướng Đông cuộn sóng. Nơi đó trập trùng những thân phận ngư dân mưu sinh với biết bao hiểm nguy rình rập.
“Gửi hơi Tết cho ngư dân bám biển”
Cận Tết, từng luồng gió lạnh từ biển vẫn thổi ráp vào trụ sở Danang MRCC, đóng quân trên bán đảo Sơn Trà. Trong phòng làm việc của mình, ông Bùi Tấn Nguyên (Giám đốc Danang MRCC) tất bật ký duyệt kế hoạch trực Tết. Ba năm ở cương vị này, tóc ông Nguyên thêm màu, bạc trắng như ngọn sóng ngoài khơi xa.
“Nhiều tàu thuyền ăn Tết trên biển lắm. Năm nay biển động nhiều, khi trời nổi gió thì không thể chủ quan” - ông Nguyên nói. Hàng chục chuyến cứu nạn mỗi năm, bất kể lễ, Tết nhưng với ông Nguyên lần cứu nạn cận Tết Ất Mùi 2015 để lại ấn tượng sâu sắc.
Ngày 10-2-2015, đang tất bật chuẩn bị Tết, bộ đàm trên bàn làm việc của ông Nguyên vang lên thông tin tàu cá ĐNa 3427 TS đang về bờ thì có thuyền viên gặp tai nạn. Tình hình nguy cấp, vị giám đốc báo cáo Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải Việt Nam (Vietnam MRCC) rồi xuống thẳng phòng chỉ huy, triệu tập thuyền trưởng tàu SAR 412 giao nhiệm vụ cứu nạn. Ông Nguyên nghiêm giọng: “20 phút nữa xuất bến”. Nhận tin báo, các thủy thủ đang chuẩn bị cái Tết tại nhà lập tức có mặt, sẵn sàng nổ máy.
“Đứng ở phòng chỉ huy xác định tọa độ tàu cá, chợt tôi lóe lên ý nghĩ tại sao không để tàu cứu nạn gặp tàu cá với hạt dưa, bánh, mứt vì chỉ còn chín ngày nữa là Tết. Tôi với lấy 2 kg hạt dưa, bánh, mứt rồi gói lại bằng giấy báo, đưa cho nhân viên mang xuống tàu” - ông Nguyên kể. Lúc này tàu vừa nhổ neo trực chỉ hướng Đông Nam. Túi quà đặc biệt được ném thẳng lên mạn tàu với tiếng hét: “Gửi hơi Tết cho ngư dân bám biển”.
Ông Phan Xuân Sơn, thuyền trưởng tàu SAR 412, kể khi tiếp cận tàu cá ở vị trí cách đất liền 70 hải lý, vị bác sĩ đi theo lập tức cấp cứu cho ngư dân gặp nạn. Người đàn ông bị dây neo quấn vào bắp đùi, tụ máu, chân tê liệt nhưng chưa ảnh hưởng đến xương. Sau khi băng bó, xoa bóp chân cho máu lưu thông, các thủy thủ đưa người này lên tàu cứu nạn tĩnh dưỡng, nghỉ ngơi.
Khi người này tỉnh lại, ông Sơn cùng các thủy thủ đang đứng cạnh giường, trên tay là túi quà. Ba tiếng nữa thôi, tàu sẽ về đến Đà Nẵng. Ông Sơn nói với nạn nhân: “Sắp Tết rồi, chúng tôi gửi anh gói hạt dưa mang về cho gia đình. Người đi biển mang tôm cá về liên tục, giờ đến Tết mang hạt dưa từ biển về mới độc đáo chứ”. Con tàu màu cam trực chỉ đất liền. Biển khơi lạnh lẽo nhưng lúc này hơi ấm của Tết đã lan khắp thân tàu.
Tàu cứu nạn SAR 412 - bạn đồng hành của ngư dân trên biển. Ảnh: TẤN VIỆT
Một chuyến rẽ sóng cứu ngư dân của thủy thủ tàu SAR 412. Ảnh: DANANG MRCC
Dựng quốc kỳ trên xác tàu giữa biển
Quen biết ông Phan Xuân Sơn nhiều năm, người viết luôn nhớ lời tâm sự của vị thuyền trưởng gốc Nghệ An này rằng: Mỗi khi rời cầu cảng, anh em thủy thủ trên tàu đều tâm niệm không cứu được người thì chưa về, “sống phải thấy người, chết phải thấy xác”.
Từng cưỡi sóng cứu hàng trăm ngư dân nhưng với ông Sơn chuyến cứu nạn mà ông nhớ nhất gắn liền hình ảnh quốc kỳ Việt Nam bay phấp phới giữa Hoàng Sa.
Đó là một ngày đầu năm 2015, biển động mạnh. Tàu SAR 412 lên đường cứu nạn các thuyền viên tàu BĐ 95427 TS bị phá nước, đang chìm dần. Theo thuyền trưởng Sơn, lệnh cứu nạn trực chỉ khu vực gần đảo Tri Tôn (quần đảo Hoàng Sa). Tàu xuất phát từ cầu cảng Danang MRCC lúc hơn 3 giờ chiều. Hơn 12 tiếng lênh đênh trên biển, đến rạng sáng hôm sau SAR 412 mới tiếp cận được vị trí tàu cá BĐ 95427 TS.
Khi đến gần, tàu cá đã chìm hơn nửa thân. Sóng lúc đó khá lớn khiến xuồng máy cứu hộ chao đảo liên tục, rất khó để ngư dân bám lên. Sau vài tiếng vật lộn liên tục với sóng dữ, cả năm ngư dân được thủy thủ kéo lên xuồng máy, chuyển sang tàu SAR 412.
“Hình ảnh khiến mình nhớ mãi là trước khi ngư dân cuối cùng được cứu, các thủy thủ trên xuồng máy đã lấy cờ Việt Nam trên tàu cá buộc chặt vào nơi cao nhất trên cabin tàu này. Khi chúng tôi rời đi, dù tiếc nuối không cứu được tài sản của ngư dân nhưng tất cả đều tự hào khi giữa biển khơi cờ đỏ sao vàng vẫn tung bay trên xác tàu” - ông Sơn kể.
Nghiệp gác biển
Trên con tàu cứu tinh SAR 412 với hơn 20 thủy thủ, lớn tuổi nhất là ông Nguyễn Công Sơn (58 tuổi, quê Quảng Nam). Ông Sơn đã có hai người cháu nội, gia đình êm ấm. Ở tuổi của ông, người ta đã quây quần ngày Tết bên con cháu. Nhưng với ông, cái nghiệp nó vận vào người. “Nói thật, ở nhà ngày Tết vậy chứ lúc nào cũng ngóng tin từ trung tâm. Có tin cứu nạn là ôm hôn hai đứa cháu rồi đi luôn, không dám hẹn ngày về” - ông Sơn nói.
Trường hợp khác là anh Trần Duy Hòa (quê Thanh Hóa), người trẻ nhất trong các thủy thủ. Dù mới 27 tuổi nhưng anh Hòa đã “ăn” được bảy cái Tết trên biển. Đã lập gia đình và có một con nhỏ nhưng đặc thù công việc thường xuyên bám tàu, bám biển nên anh ít có thời gian cho vợ con.
“Ngày Tết trực theo ca, mình tranh thủ chạy về nhà ngay để cố gắng tròn vai người chồng. Nhưng khi nhận điện thoại, chỉ 20 phút để có mặt trên tàu, nhiều lúc đi còn không kịp nói với vợ tiếng nào, không kịp ôm hôn con một cái. Bảy cái Tết đều không vẹn tình với bà con hàng xóm nhưng mọi người luôn gửi cho mình những lời chúc Tết nồng ấm trước khi lên đường làm nhiệm vụ, khiến mình thêm ấm lòng” - anh Hòa nói.
Anh Nguyễn Thế Anh (37 tuổi, quê Thái Bình) có lẽ là trường hợp đặc biệt nhất khi vợ anh chính là cái “radio” của Danang MRCC, chuyên nối dây thông tin đất liền-biển khơi. Cùng đơn vị nhưng dịp lễ, Tết đôi vợ chồng chẳng mấy khi gặp mặt.
“Tôi ăn Tết với vợ qua điện thoại. Những cuộc gọi giữa trung tâm và tàu SAR 412 đong đầy nỗi niềm. Áp lực công việc nên hầu hết anh em trên tàu đều cố gắng pha trò hài hước, dí dỏm cho vơi mệt nhọc. Giữa biển trời Tổ quốc, chúng tôi vẫn đàn hát, kể nhau nghe đủ chuyện để thấy nhà gần hơn” - anh Thế Anh cười, nói.
Lịch làm việc một ngày sóng yên biển lặng của các thủy thủ tàu SAR 412 đều đặn: Thay dầu máy, kiểm tra thiết bị trên tàu, vệ sinh boong tàu, huấn luyện thể lực, tập huấn công nghệ thông tin, chơi bóng chuyền... Đối với các anh, khái niệm lễ, Tết dường như không còn quá quan trọng.
Theo thuyền trưởng Phan Xuân Sơn, bất kể lễ, Tết, nhiều năm qua chưa có thủy thủ nào vi phạm điều lệnh “20 phút có mặt”. “Anh em ở đây mỗi người một hoàn cảnh nhưng đối với nhiệm vụ thì không bao giờ nao núng. Trực tàu ngày Tết, tâm trạng luôn rất bồn chồn. Nhưng cái nghiệp đã vận vào người, ngoài biển khơi còn nhiều ngư dân luôn mong chờ sự có mặt của SAR 412 thì chúng tôi không bao giờ được phép nghỉ ngơi” - ông Sơn dõng dạc.
Chỗ dựa giúp ngư dân bám biển Bóng dáng của tàu cứu nạn SAR 412 tại Hoàng Sa là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho ngư dân miền Trung yên tâm bám ngư trường, khẳng định chủ quyền biển, đảo quê hương. Danang MRCC nói chung và các phòng ban, tàu cứu nạn cùng nhiều cá nhân liên tục nhận được bằng khen của bộ trưởng Bộ GTVT qua các năm. Đây là sự khẳng định vững chắc nhất cho thành quả lao động không quản ngại nguy hiểm của lực lượng cứu nạn hàng hải. Ông NGUYỄN ANH VŨ, Tổng Giám đốc Trung tâm Phối hợp |