Lý do các hộ này cho rằng nếu dời vô trung tâm sẽ “lạ nước, lạ cái”, khó buôn bán, mất mối quen. Quận đã quyết định sẽ tiếp tục vận động để người dân hiểu và chấp hành
Nhiều năm trước, chợ Hàng Da (Hà Nội) được xây mới đìu hiu vì bà con quen với tập quán buôn bán cũ. Cũng do vắng khách mua bán, hàng loạt tiểu thương tại các khu “chợ kiểu mới” (cải tạo các khu chợ truyền thống thành các trung tâm thương mại kết hợp chợ) của Hà Nội đã chuyển nhượng hoặc ngừng kinh doanh.
Ba năm trước, câu chuyện tương tự cũng xảy ra tại Đồng Nai khi chợ Tân Hiệp (Biên Hòa) được giao cho một doanh nghiệp (DN) xây thành trung tâm thương mại. Lần này là do tiểu thương không đồng ý về vị trí được sắp xếp trong chợ mới. Tuần trước, câu chuyện trên xảy ra ở Ninh Hiệp (Gia Lâm, Hà Nội) và lần này thật sự căng thẳng. Còn hiện tại ở Lạng Sơn đang diễn ra cuộc giằng co giữa tiểu thương chợ đầu mối Đồng Đăng với chính quyền khi tiểu thương được yêu cầu vào Trung tâm Thương mại Đồng Đăng do DN xây.
Hôm qua, tại Huế, nhóm tiểu thương phản đối di dời chợ Phú Hậu bị điều tra tội gây rối. Trong hai tháng qua hàng trăm tiểu thương chợ đầu mối Phú Hậu đã nhiều lần tập trung ở trụ sở UBND phường và UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế để phản đối việc di dời vì phải đóng tiền thuê lô quá cao. Chín tiểu thương bị khởi tố, trong đó có ba người bị bắt giam để điều tra bởi những hành vi quá khích.
Thực tế này đã phản ánh những bất đồng giữa tiểu thương và chính quyền trong quy hoạch, cải tạo các khu chợ truyền thống. Dù chủ trương cải tạo chợ là đúng đắn, văn minh nhưng về hiệu quả kinh tế đối với từng hộ kinh doanh cần một thời gian dài mới có thể đánh giá được. Trong khi đó tiểu thương “buôn có bạn, bán có phường”, “đồng tiền liền khúc ruột” nên nếu việc tuyên truyền, giải thích, các cam kết về hiệu quả không làm họ tin tưởng ngay thì sẽ khó khăn trong việc vận động họ chấp hành. Những khu chợ truyền thống, với những gia đình kinh doanh nhiều đời, nó còn là ký ức, không gian mưu sinh gắn liền với những giá trị tinh thần cá nhân, vì vậy không dễ để ngày một ngày hai xa lìa nó.
Ở một số nơi, việc DN đầu tư cải tạo thành trung tâm thương mại, do truyền thông kém hiệu quả, người dân tỏ ra nghi ngờ có sự ưu ái với chủ đầu tư và ép tiểu thương. Họ không tính đến chi phí đầu tư mà chỉ căn cứ vào doanh số và số tiền phải đóng khi kinh doanh giữa chợ cũ và chợ mới. Đây cũng là một bài toán đau đầu mà chính quyền những nơi đó phải giải quyết khi quy hoạch phát triển.
Câu chuyện của các ngôi chợ một lần nữa cho thấy chuyện lớn hơn: Truyền thông về chủ trương chính sách. Truyền thông ngày càng trở nên quan trọng dù là chuyện lớn hay chuyện nhỏ. Truyền thông không chỉ là tin, bài trên báo hay phóng sự trên truyền hình, nó phải được hiểu là những thông tin đến từ tất cả nguồn chính danh, có giá trị đả thông nhận thức để người dân hiểu, tin tưởng và tự nguyện ủng hộ, tự giác chấp hành. Truyền thông phải đi trước một bước so với mệnh lệnh hành chính chứ không nên “chạy theo” giải thích khi có xung đột lợi ích. Mà muốn vậy, trách nhiệm cung cấp thông tin cần rõ ràng, khoa học. Truyền thông chỉ phát huy hiệu quả bằng cả một quá trình với trách nhiệm của cả báo chí và chính quyền mà trong đó chính quyền là người có vai trò chủ động và quyết định.