Đi biển ai mà không muốn được ngắm san hô dưới nước. Nếu như đến Nha Trang, Phú Quốc, Côn Đảo... muốn tận mắt ngắm san hô dưới biển bạn phải tốn một khoản phí.
Và lặn thì không phải ai muốn cũng biết lặn, nếu về vịnh Vĩnh Hy, bạn ngồi tàu đáy kính nhìn từ đáy tàu cũng chỉ thấy san hô mờ mờ dưới đáy biển, muốn chụp một bức ảnh cũng chịu.
Về Phan Rang, bạn có rạn san hô Hải Chữ, ở đó bạn có thể ngồi ngắm, quơ tay ra chạm nhẹ vào san hô, đứng lên thì tha hồ ngắm dải san hô lộ thiên tuyệt đẹp trên mặt biển.
Đến chiều, nhiều người dân ra rạn san hô ngắm cảnh.
Đó là làng Hải Chữ, cách trung tâm TP khoảng 5 km, thuộc phường Đông Hải, TP Phan Rang-Tháp Chàm, Ninh Thuận. Mọi người rất dễ tìm thấy địa điểm này trên bản đồ, bởi làng chài này nằm giữa vịnh Phan Rang, nơi có một doi cát dài nhô ra biển, ở đấy có rạn san hô rộng vài chục hecta rất độc đáo mà ít nơi nào có.
Điều đặc biệt, một năm chỉ có khoảng ba tháng, từ tháng 5 đến tháng 7 dương lịch và chỉ vài ngày trong tháng khi con nước thủy triều cạn nhất, bãi rạn san hô mới lộ ra trên mặt biển.
Trong những ngày nước cạn ấy, rất nhiều người dân làng Hải Chữ ra đây bắt hải sản, chủ yếu là ốc, sò, nhum, ghẹ, nhặt rong biển…
Ninh Thuận là một địa phương có môi trường trong sạch, bầu trời xanh trong quanh năm với hệ sinh thái biển khá phong phú.
San hô ở bãi Hải Chữ có nhiều loại, rất đa dạng, phong phú.
Người dân trong TP chiều hay rủ nhau ra đây chơi. Vừa ra khỏi cái oi nồng mùa hè trong phố sẽ được hứng ngay những cơn gió biển mát thì không gì bằng.
Lội chân xuống làn nước biển trong vắt như pha lê, ra khỏi bờ cát chừng vài chục mét là đã gặp vô vàn những đám san hô và thủy tảo đang khoe sắc, phản chiếu lấp lánh dưới ánh sáng mặt trời như một vườn hoa lung linh sắc màu. Bạn có thể sẽ bắt gặp từng đàn cá nhỏ đuổi nhau xô cả vào chân người đi.
Tôi chưa có thời gian để tìm hiểu xem ở đây có bao nhiêu loài san hô. Nhưng san hô ở đây thấy rất nhiều loài và đủ màu sắc, hình dạng khiến bất cứ ai lần đầu chiêm ngưỡng đều không khỏi choáng ngợp.
Bạn sẽ có cảm giác rất thích thú khi chạm nhẹ tay vào những cây san hô mềm và mượt như nhung. Khi thủy triều cạn nhất thì cũng là lúc cả một dải san hô dài tít tắp cùng nhô lên khỏi mặt biển, những điều kỳ ảo như thể đang khoe ra dưới nắng chiều.
Có những cụm san hô màu xanh, màu tím như những cánh hoa đong đưa dưới mặt nước. Có cụm to như cái trống trường, nhìn như mặt một con vật trong truyện cổ tích thật ngộ nghĩnh. Ven những cụm san hô chết là chi chít những cây rong nho non, phía dưới là những hang hốc nơi trú ngụ của bầy ghẹ, tôm con...
Một bạn trẻ người địa phương cho biết ngoài rạn san hô lộ thiên, ở độ sâu khoảng 2-3 m thì san hô sống nhiều vô kể. Chỉ cần có kính lặn thì tha hồ mà ngắm.
Có loài san hô to, màu vàng rực.
Mặt trời gần tắt phía cao nguyên Lâm Viên, từng đám bạn trẻ, nhiều gia đình dắt con cháu ra ngắm san hô. Một bà mẹ dặn con "Đi chú ý, đừng đạp lên san hô nhen con".
Khi đi vào bờ, tôi gặp một người dân địa phương ra biển, anh cho biết rạn san hô này là nguồn tài nguyên quý giá của địa phương. Bởi vậy nên ai ra chơi, người dân ở đây cũng dặn đừng bẻ san hô. Tất cả cùng nhau bảo vệ nguồn tài nguyên biển này cho con cháu mai sau.
Ngắm nhìn rạn san hô lộ thiên trải dài ra mép sóng đang khoe sắc mới thấy biển quê hương thật đẹp.