Đầu tháng 7, nhiều phụ huynh có con em chuẩn bị vào lớp 6 Trường THCS Bình Thắng (thị xã Dĩ An, Bình Dương) không khỏi bất ngờ khi đọc thông báo “Dự kiến thu học phí và các khoản xã hội hóa (XHH) năm học 2015-2016” với nhiều khoản thu “lạ”, trong đó có khoản cơ sở vật chất (CSVC) 2.040.000 đồng đối với học sinh (HS) lớp 6 bán trú. Gộp tất cả 19 khoản, các phụ huynh phải đóng 4,5 triệu đồng trở lên.
Trường THCS Bình Thắng (Dĩ An, Bình Dương) thông báo 19 khoản thu khiến phụ huynh bức xúc. Ảnh: PHẠM ANH
Khoản thu “lạ” cũng được “xã hội hóa”
Không ít phụ huynh đọc xong thông báo đã bày tỏ lo lắng vì họ biết xoay đâu ra một lúc số tiền lớn như thế. Theo đó, phần một của thông báo liệt kê chín khoản thu với tổng số tiền phụ huynh phải đóng là 1.747.000 đồng. Đáng nói trong đó có nhiều khoản thu “lạ” cũng được “XHH” chia đều và yêu cầu cho mỗi phụ huynh đóng: Phí giám thị: 50.000 đồng/năm; chăm sóc cây cảnh và vệ sinh môi trường: 250.000 đồng/năm; hỗ trợ hoạt động văn - thể - mỹ: 150.000 đồng/năm; sổ liên lạc và ghế ngồi sinh hoạt ngoài trời: 50.000 đồng/năm... Phần 2 của thông báo liệt kê 10 khoản, trong đó khoản trang bị CSVC bán trú thu một lần 2.040.000 đồng với HS lớp 6, 1.530.000 đồng với HS lớp 7, 1.020.000 đồng với HS lớp 8… Ngoài ra, HS phải đóng tiền học phụ đạo 300.000 đồng/tháng, tiền học ngoại ngữ 200.000 đồng/tháng…
Phụ huynh cho rằng nhà trường đưa ra nhiều khoản không phục vụ trực tiếp cho HS nhưng vẫn bắt phụ huynh đóng đồng đều là không phù hợp, không còn mang tính tự nguyện. “Nếu trường đã thu hơn 2 triệu đồng tiền CSVC bán trú sao còn thu thêm tiền ghế ngồi, tiền chăm sóc cây xanh, tiền hội phụ huynh HS… Ngoài ra, chúng tôi đã đóng tiền học phí, nhà trường còn thu thêm tiền phụ đạo buổi hai, tiền bồi dưỡng HS giỏi... Tiền nào cũng thu thì chúng tôi đóng sao nổi!” - phụ huynh này nói.
Không có giải pháp nào khác ngoài… đóng tiền!
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Ngọc Minh, Hiệu trưởng nhà trường, nhìn nhận những thông tin phụ huynh phản ánh là đúng. “Vì đây là trường tạo nguồn HS giỏi theo đề án của UBND tỉnh nhưng ngân sách nhà nước chỉ đáp ứng được một phần nên buộc nhà trường phải huy động đóng góp từ phụ huynh” - ông Minh nói.
Trả lời câu hỏi tiền CSVC bán trú quá cao, do ai ấn định, ông Minh trả lời: Mọi năm trường chỉ tuyển ba lớp 6 nhưng năm học này trường tuyển bốn lớp, dẫn đến thiếu một phòng học, hai phòng ngủ cho nam và nữ. Để kịp phục vụ cho năm học mới, cuối năm học vừa rồi trường đã họp Ban đại diện cha mẹ HS và thống nhất quyết định mỗi HS phải đóng 510.000 đồng/năm, nhân với số năm HS còn học ở trường, như lớp 9 chỉ đóng một năm, lớp 6 phải đóng bốn năm.
Phụ huynh phản ứng đã đóng tiền CSVC sao còn đóng nhiều khoản khác như trồng cây xanh, bồi dưỡng giám thị… Ông Minh giải thích mảng cây xanh trường phải hợp đồng với người ngoài để chăm sóc, mua phân bón, thuốc trừ sâu… nhưng tiền không có nên phải thu từ phụ huynh. Về giám thị, trường chỉ có một giám thị nhưng công việc rất nặng nên cũng phải thu thêm để chi trả chế độ tương xứng. “Phụ huynh than cao cũng có cơ sở nhưng nhà trường không có cách nào khác. Chỉ phụ huynh khó khăn thì trường cho kéo dài thời hạn đóng nhưng cũng phải đóng đủ” - ông Minh nói.
Với các khoản bắt buộc khác ngoài học phí, ông Minh cho rằng để đáp ứng đào tạo HS giỏi nên nhà trường phải tổ chức dạy học tăng cường. Vì thế ngoài học phí, trường phải thu tiền phụ đạo buổi thứ hai 300.000 đồng/HS/tháng. Về tiền học tiếng Anh với giáo viên bản ngữ (200.000 đồng/tháng), tiền bồi dưỡng và khen thưởng HS giỏi (250.000 đồng/năm) là để chi trả 80% cho giáo viên, còn lại chi điện, nước và khen thưởng HS.
Hầu hết các khoản thu “XHH” trường chia đều cho mỗi HS, trong khi quy định của Bộ GD&ĐT là phải dựa trên nguyên tắc tự nguyện và không cào bằng. Lý giải điều này, ông Minh cho hay nếu làm như quy định thì trường không có cách nào thu được. Ban đại diện cha mẹ HS cũng đã bàn và thống nhất rằng các em hưởng thụ ngang nhau nên bắt buộc phải đóng tiền ngang nhau.
100% phụ huynh đồng thuận mới thu Về nguyên tắc là nhà trường không được thu bất kỳ khoản tiền nào ngoài quy định của Bộ GD&ĐT. Tuy nhiên, Trường THCS Bình Thắng là trường tạo nguồn nên HS phải học thêm nhiều môn tăng cường, trong khi ngân sách hạn chế. Các khoản thu này phải trên cơ sở được sự đồng thuận của 100% phụ huynh thì mới thực hiện. Bất cứ phụ huynh nào cũng có quyền từ chối đóng góp nếu thấy khoản thu đó không hợp lý. Nhà trường không được o ép hay đối xử không công bằng làm ảnh hưởng đến tâm lý HS. Phòng sẽ làm việc lại với ban giám hiệu để kiểm tra, nếu có o ép phụ huynh sẽ yêu cầu trường chấn chỉnh ngay. Ông TRẦN ĐĂNG NAM, Trưởng phòng GD&ĐT thị xã Dĩ An (Bình Dương) Xã hội hóa giáo dục đang bị hiểu nhầm Hiện nay, khái niệm XHH trong giáo dục (GD) ở nước ta đang bị hiểu nhầm. XHHGD là huy động mọi thành phần xã hội cùng tham gia vào sự nghiệp GD, trong đó trọng tâm là tham gia về nội dung, chương trình dạy và học nhằm nâng cao chất lượng GD. Kinh phí hoạt động của trường vẫn lấy từ ngân sách nhà nước. Sự đóng góp cho nhà trường nếu có chủ yếu từ các mạnh thường quân, doanh nghiệp nhằm thực hiện một mục tiêu nào đó rõ ràng và trên cơ sở tự nguyện. Như vậy, XHHGD tạo điều kiện cho việc học tập của con em thuận lợi hơn, sự nghiệp GD khởi sắc hơn. Tiếc rằng nhiều nơi đã không làm đúng như thế, không huy động xã hội dồn tâm sức để hỗ trợ chuyên môn, nâng cao chất lượng mà chỉ chăm chăm vào việc yêu cầu phụ huynh đóng tiền. Một số nơi còn chia đều sự đóng góp và ấn xuống mỗi phụ huynh. Những khoản “XHH” kiểu này trở thành gánh nặng của không ít phụ huynh, nhất là gia đình nghèo khiến việc đến trường của con em họ trở nên nhọc nhằn hơn. Đây là cách làm méo mó, sai lệch một chủ trương đúng đắn. Để chấn chỉnh cách làm sai lệch này, nên chăng ngành GD cần đưa ra hướng dẫn rõ ràng về chủ trương XHHGD để nhà trường hiểu đúng và thực hiện đúng, thống nhất trên toàn quốc. TS NGUYỄN CAM, nguyên Giám đốc Trung tâm Công nghệ dạy học (Viện Nghiên cứu GD - ĐH Sư phạm TP.HCM) Tiêu điểm Không được quy định mức bình quân chung Ban đại diện cha mẹ HS không được quy định mức kinh phí ủng hộ bình quân cho các cha mẹ HS; không được quyên góp của người học hoặc gia đình người học các khoản ủng hộ không theo nguyên tắc tự nguyện; thu các khoản ủng hộ không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của ban đại diện cha mẹ HS như vệ sinh lớp, vệ sinh trường; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường... (Trích Thông tư 55 của Bộ GD&ĐT ban hành năm 2011 quy định về điều lệ Ban đại diện cha mẹ HS) |