Chọn nhầm trường thì điểm cao cũng có nguy cơ trượt

Chọn nhầm trường thì điểm cao cũng có nguy cơ trượt ảnh 1

Không phải chờ đợi quá lâu

Thí sinh Bùi Thị Trâm (Hà Nội), nộp hồ sơ vào trường ĐH Hà Nội, cho biết sáng 3-8 em đã đến trường nộp hồ sơ. Số lượng thí sinh phải chờ đợi không nhiều, sau khi hoàn thiện hồ sơ em chỉ mất khoảng 3-4 phút để nộp.
“Em được 23 điểm đã nhân hệ số môn tiếng Anh. Em đăng ký vào ngành quản trị du lịch, nhưng cũng lo lắng vì thấy năm nay có nhiều bạn điểm cao” – Trâm nói.
Theo Trâm, nếu không có khả năng đỗ vào ngành quản trị du lịch thì em cũng chưa biết chọn trường nào để nộp hồ sơ vì không nhiều trường đào tạo ngành này. Còn các ngành khác trong trường du lịch em lại không thích.
Tại trường ĐH Ngoại thương, anh Nguyễn Minh Phú, nộp hồ sơ cho em gái, cho biết nhà trường bố trí người hướng dẫn rất nhiệt tình, số người nộp hồ sơ không nhiều, cộng với việc phát phiếu nên nộp hồ sơ rất trật tự và nhanh chóng. “Tôi chỉ chờ khoảng 10 phút là nộp xong hồ sơ”- anh Phú cho biết.

Tuy nhiên, cũng có phản ánh của thí sinh về việc phải chờ đợi qua buổi mới nộp được hồ sơ. Thí sinh Nguyễn Thanh Hường (Thanh Trì, Hà Nội), đăng ký vào khoa Luật, trường ĐH Luật Hà Nội, cho biết em đến từ 9 giờ sáng lấy số thứ tự là 218, tuy nhiên phải đến 2 giờ chiều Hường mới nộp xong hồ sơ.

“Em thấy số lượng đến không đông lắm, nhưng nhà trường bố trí ít bàn tiếp đón, trong khi đó khâu nhập dữ liệu cho thí sinh vào máy tính hơi mất thời gian nên phải chờ đợi. Em ở gần thì không sao nhưng có chị nói ở Quảng Ninh, tối nay phải thuê nhà trọ ngủ lại” – Hường chia sẻ.

Tối nay cập nhật dữ liệu thí sinh
Trao đổi với phóng viên, ThS Lê Việt Anh, Phó phòng đào tạo trường ĐH Ngoại thương Hà Nội, cho biết sau ba ngày có khoảng hơn 500 thí sinh trực tiếp đến nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển. Tại TP.HCM đã nhận gần 1.000 hồ sơ, bằng chỉ tiêu của trường (950 chỉ tiêu ở cơ sở phía Nam - NV).

“Lượng thí sinh đến nộp hồ sơ trong những ngày vừa qua không đông lắm. Chủ yếu là thí sinh được 24 điểm trở lên”- ông Việt Anh nói.

Theo ông Việt Anh, trường sẽ tạo điều kiện thuận lợi hết sức cho thí sinh, nếu thí sinh đến vẫn tiếp nhận, không để thí sinh phải chờ qua ngày. “Nếu đầu giờ thấy đông thí sinh sẽ tăng cường nhân lực để giải quyết tốt cho thí sinh” - ông Việt Anh cho biết.

Tại trường ĐH Công nghiệp Hà Nội, ông Kiều Xuân Thực, Trưởng phòng đào tạo, cho biết sau ba ngày nhà trường tiếp nhận hơn 2.000 hồ sơ đến nộp trực tiếp. Chỉ riêng sáng 3-8 đã có 800 thí sinh đến nộp hồ sơ.
“Số lượng thí sinh đến nộp hồ sơ đông nhưng không gây quá tải. Nhà trường bố trí 7 bàn tiếp đón nên thí sinh cũng không phải chờ đợi lâu, chỉ 30 phút là hoàn tất thủ tục”- ông Thực nói.
Theo ông Thực, nếu số lượng thí sinh tăng cao thì nhà trường sẽ bố trí bàn để tiếp đón thí sinh, không để thí sinh phải chờ đợi lâu.
Còn tại trường ĐH Bách khoa, cũng tiếp nhận hơn 2.000 hồ sơ đăng ký xét tuyển.
Đại diện các trường ĐH, cho biết trong tối nay các trường sẽ hoàn thiện dữ liệu thí sinh đã nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển để có thể công bố trong tối nay, hoặc chậm nhất là sáng ngày mai 4-8 theo đúng quy định của Bộ GD&ĐT là ba ngày cập nhập một lần.
Chiều cùng ngày, ĐH Y Hà Nội đã công bố danh sách thí sinh nộp hồ sơ vào trường. Theo đó, thí sinh cao điểm nhất nộp hồ sơ vào trường là Lương Thị Minh Thúy, đạt 28,5 điểm. Thí sinh có số điểm thấp nhất vào trường này là 20,5 điểm.
Cân nhắc khi nộp và rút hồ sơ
Ông Lê Việt Anh,Phó phòng đào tạo trường ĐH Ngoại thương Hà Nội,khuyên thí sinh nên dựa vào kết quả, điểm chuẩn của ngành và của trường để nộp hồ sơ. “Thí sinh phải nhìn vào kết quả đấy để chọn ngành phù hợp nhất với mức điểm, thường cao hơn điểm chuẩn năm ngoái từ 1-2 điểm. “Chọn nhầm trường thì điểm cao cũng có nguy cơ trượt” – ông Việt Anh cảnh báo.
Theo ông Việt Anh thí sinh nên nộp hồ sơ trước ngày 15-8, còn nếu thấy khả năng đỗ không cao thì rút trước ngày 18-8. “Cần nghiên cứu kỹ thông tin trước khi nộp, tránh nộp hồ sơ vội vã, rút ra, rút vào vừa tốn thời gian vừa mất tiền”- ông Việt Anh nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm